Bí mật 30 năm
Tặng anh Tống Văn Công
Phùng Quán làm bài thơ Lời mẹ dặn khi mình mới một tuổi ( 1957), mặc dù bị cấm đoán lung tung nhưng đến năm 7 tuổi mình đã biết, còn
được đọc cả bài thơ, đơn giản vì ba mình rất thích bài này. Cạnh nhà
mình có bác Thông công an, hình như hồi đó bác làm trưởng hay phó ty
công an tỉnh Quảng Bình, cũng rất thích bài này.
Khi nào hai cụ ngồi với nhau
cũng đều nhắc đến Phùng Quán, Trần Dần. Có người hai cụ nói tiếng
Pháp, vắng người các cụ nói tiếng Việt. Mình vẫn thường đứng ôm cột nhà hóng chuyện hai cụ.
Ba mình nói anh đem bài này giáo dục
chiến sĩ công an là tốt lắm, bác Thông gật gù, nói đúng đúng. Bác Thông
nói anh đem bài này vào sách giáo khoa dạy con nít cũng rất tốt, ba mình
gật gù, nói đúng đúng.
Ba mình nhìn bác Thông cười cười,
nói nếu trên bảo bắt Phùng Quán, anh có bắt không. Bác Thông cười cái
hậc, nói tôi chấp hành nhưng trước khi chấp hành tôi sẽ phản đối. Rồi
bác thở dài, nói tôi chỉ làm được có thế thôi, khó lắm khó lắm.
Đó là vài câu tiếng Việt mình
nghe được, nhớ đến giờ. Còn thì hai cụ toàn nói tiếng Pháp, mình chẳng
hiểu gì, chỉ lâu lâu lại nghe Phùng Quán Phùng Quản. Cái tính tò mò bẩm
sinh, mình lục cho được bài thơ Lời mẹ dặn.
Còn bé chẳng thấy hay gì, chỉ thấy đúng. Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói ghét thành yêu giống y chang ba mạ, cô thầy vẫn dạy, có gì đâu nhỉ ?
Sau này chơi thân với Phùng Quán,
mình có kể cho anh nghe chuyện ấy, anh xuýt xoa tấm tắc khen bác Thông,
nói công an mà như thế thì quá tuyệt vời. Khi đó anh mới kể bí mật mà
anh đeo đuổi chẵn ba chục năm vì bài thơ này.
Nghĩ cũng hay hay, bài thơ như
một chân lý hiển nhiên ấy lại làm cho thời đó xôn xao, đi đâu cũng thì
thào thì thầm, như vừa phát hiện gì ghê gớm lắm. Tất nhiên bài thơ bị
qui chụp là biểu tượng hai mặt, là mưu đồ đen tối của lực lượng thù địch. Từ Bích Hoàng tương một bài “Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số kẻ cầm đầu trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm” in trên Văn nghệ Quân dội số 5 ( 5/1958). Nghe thất kinh.
Anh Quán nói thực ra mình viết Chống tham ô lãng phí với Lờì mẹ dặn
như những góp ý với Đảng thôi, vì mình nghĩ mình là chiến sĩ, mình
không dám nói thật cho Đảng biết thì ai nói. Cho nên mới có câu này Trung ương Đảng ơi! /Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng cần lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi/ Đi trong hàng ngũ tiên phong! là mình nghĩ thế thật, khi đó Đảng hô một phát là mình vác súng xung phòng ngay, mưu đồ gì đâu.
Mình cười khì khì, nói mấy ông
cũng dở hơi, nếu có mưu đồ ai lại dại đi nói với Đảng, làm thế hoá ra lộ
thiên cơ à. Anh Quán cười cái hậc, nói thủa bé đến giờ mình cũng chẳng
thấy lực lượng thù địch nào đi góp ý cho Đảng cả. Nó không chửi Đảng thì
thôi, ngu gì lại đi góp ý.
Chuyện tưởng đến đó là xong, ai dè một tối ở chòi Ngắm sóng,
anh rút tiền đưa mình, nói Lập đi mua cho anh chai rượu, anh kể chuyện
này hay lắm. Chỉ chai rượu trắng với nhúm lạc rang, hai anh em ngồi gần
sáng đêm. Anh Quán kể hồi đó phê phán chỉ trích đánh đấm anh rất nhiều,
nhưng đánh đau nhất, độc nhất là bài thơ Lời mẹ dặn- thật hay không dài 112 câu của Trúc Chi, in báo Nhân dân.
Mình hỏi Trúc Chi là ai, anh nói
từ từ cái đã, rồi anh ngâm nga cả bài thơ, không quên một câu nào, chứng
tỏ anh đã đọc đi đọc lại bài thơ này vài trăm lần là ít trong suốt mấy
chục năm qua. Hồi này hễ ai bị phê ở báo Nhân dân, dù chỉ nhắc
khẽ bóng gió một câu thôi, cũng cầm chắc là đời tàn. Thế mà cả bài thơ
112 câu dài dằng dặc, chụp mũ anh không thiếu một thứ gì.
Nào là Nó ghét chỗ thầy hiền
bạn tốt/Nó yêu nơi gái điếm cao bồi/ Ghét những người đáng yêu của thiên
hạ/Yêu những người đáng ghét của muôn người,/ Quen học thói gà đồng mèo
mả/ Hoá ra thân chó mái chim mồi…
Nào là Theo lẽ thường: thì sét đánh không ngã/ Chắc trên đầu có cột thu lôi/ Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt/ Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi/ Nghề bút giấy đã làm không trọn/ Dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi !…
Mình nói qui kết tàn bạo thế, anh
không bị tù tội là may, cậu Tố Hữu có ba đầu sáu tay cũng đừng hòng
giúp cháu. Anh Quán gật gù, nói đúng rồi, cho nên mình có trách Tố Hữu
đâu. Đột nhiên anh nhìn thẳng vào mặt mình, nói hơn ba chục năm qua mình
chỉ làm một việc là tìm cho ra Trúc Chi là ai.
Anh Quán trầm ngâm hồi lâu, uống
hết chén rượu, nói sở dĩ mình quyết tìm cho ra Trúc Chi là ai, vì đời
mình tan nát cũng chính ông này chứ không ai khác.Tìm để biết ông ta là
ai, rứa thôi, ngoài ra không có ý chi hết. Khi đó nhiều người cho mình
dại, tìm chẳng để làm gì, nhỡ người ta biết mình đang đi tìm, có khi
mình lại thiệt thân.
Hồi đó cả nước chỉ có mỗi anh
Trúc Chi làm thơ ở Hải Phòng, anh là cán bộ tập kết, thỉnh thoảng lên Hà
Nội vẫn gặp Phùng Quán chuyện trò rất vui vẻ. Phùng Quán đã đi tàu về
Hải Phòng hỏi cho ra nhẽ. Trúc Chi cười buồn, nói anh nghĩ tôi là hạng
người nào lại đi làm mấy trò khốn nạn đó.
Phùng Quán bế tắc, đôi khi nghi
người nọ người kia nhưng tóm lại là không phải. Năm 1989, tình cờ có
người bạn gửi cho anh tập thơ Một đôi vần của Trúc Chi do nxb Văn hoá dân tộc Việt Bắc ấn hành, trong đó in nguyên bài thơ Lời mẹ dặn- thật hay không, lời nói đầu cho biết Trúc Chi đó là Hoàng Văn Hoan.
Bí mật ba mươi năm đã giải toả,
Hoàng Văn Hoan khi đó đã cư trú chinh trị tại Trung quốc. Anh Quán cười
cái hậc, nói mình muốn gặp Hoàng Văn Hoan quá nhưng không sao gặp được.
Mình nói anh gặp làm cái gì, anh nói để nói một câu, một câu thôi. Mình
hỏi câu gì. Anh Quán uống một hơi cán chén, vuốt râu ngâm nga, nói anh Hoan ơi… ai quen học thói gà đồng mèo mả/ ai hoá ra thân chó má chim mồi…
----------------------------------------------------------------------------
Nguồn: Blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập
----------------------------------------------------------------------------
Nguồn: Blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập
Em có biết bài "Lời mẹ dặn" của PQ, nay mới đọc được tâm sự đau đớn này! Chăc chỉ có HVH mới có tâm địa như vậy. Và cũng thật may người đó là HVH...
Trả lờiXóaTôi nhớ lần đầu (mà cũng là lần duy nhất)gặp Hoàng Văn Hoan tại Đại Lễ Đường ở Lô Sơn. Hôm đó HVH nói chuyện vời toàn bộ học sinh VN. ông ta cú nhắc đi nhắc lại:"Các em im lặng! Các em im lặng! Các em im lặng chưa ?".
Trả lờiXóaĐọc cuốn BẠN VĂN của Phan Đắc Lập thấy chua chát và khốn khổ cho nhiều nhà văn của ta trong thời bị quy chụp "nhóm NVGP".Một sự mất mất thật lớn của nên văn hóa VN.
Thời ở LƯ SƠN ,đối với các vị ở trung ương mình chỉ ghét ô HVH,sang thâp niên 60, 70 mình ghét đến chục ông , tới bây giờ mình coi khinh gần hết các cha TW.Kiểm lại mình thấy người nào mình ghét thì kẻ đó hoăc la2gian manh,dối trá ,hoặc là ác độc tham tàn....
Trả lờiXóaMình ghét ô HVH trong trường hợp như bạn NHẬT MĨ LỆ kể ở trên.
Các bạn QL quá lắm mình chỉ giận thôi chứ không GHÉT đâu.
Tôi đọc vài lần bài này cũng như đọc nhiều lần bài " Lời mẹ dặn" trong tập sách vè Phùng Quán tôi vẫn đang giư. Cuối cùng cung thấy đáng đời cho những kẻ như HVH , khi hắn chạy sang TQ rồi họp báo ở BK tôi cũng đang ở SQ, phản bội Tổ quốc rồi cuối cùng chết không có đất chôn, chính hắn mới là " quân chó má chim mồi ", một sưu tầm rất đắt giá của Calathau, cám ơn nhiều.
Trả lờiXóaCòn nhớ, cái thời cả MB đánh Nhân văn-Giai phẩm chúng ta cũng từ Nam Ninh về Hà Nội.. Nghĩ lại thấy mà kinh ! Hình như dạo ấy những người làm Công tác Tuyên huấn của CSVN bị "ma ám" hay sao đó. Nhìn gì , xem gì, đọc gì, hát gì cũng thấy hồn ma hiện lên. Nhìn vỏ bao thuốc lá Tam Thanh thấy đầu lâu xương chéo, đọc câu thơ Hoàng Cầm thấy ông phịa ra cái "lá diêu bông" liền nghĩ đến chuyện ông này "xỏ lá" ví CNXH là cái trò hư ảo, đánh lừa người ta, éo có thật ! " Thiên Thai", "Suối mơ" của Văn Cao là nhảm nhí .Tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân bị là theo " Chủ nghĩa lãng mạn TTS" ru ngủ thanh niên ! Mãi tận năm 1959 Mõ tôi học trường Hạ sĩ quan Hải quân, một lần trót cãi đồng chí Chính trị viên đại đội rằng, phàm đã là diễn viên nữ thì tiêu chuẩn đầu tiên phải ...đẹp , liền bị mang ra kiểm thảo trước đại đội ! Nhưng Thơ có lẽ là "trò chơi" dễ bị ăn "đòn nhất". Bài thơ " Lời mẹ dặn" đã làm nhà văn trẻ tài năng Phùng Quán "chết" một cách tức tưởi ! Thật đáng xấu hổ ! Nhưng ông không phải là người duy nhất. Vài thí dụ :
Trả lờiXóaTRẦN DẦN ( Nhất định thắng)
....Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
LÊ ĐẠT (Nhân câu chuyện mấy người tự tử)
...Anh công an nơi ngã tư đường phố
Chỉ đường cho
xe chạy
xe dừng
Rất cần cho luật giao thông
Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước
Có thể gây nhiều đau xót
ngoài đời"
Cứng đầu nhất có lẽ là cụ PHAN KHÔI
Sau khi từ TQ về nước, cụ Phan làm chủ nhiệm báo Nhân Văn. Biết Đảng sắp sửa " làm thịt" báo này, cụ bèn hài hước làm mấy câu thơ trêu người :
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao !
Các vị này bị những tay đao phủ như Hoàng văn Hoan cho lên thớt, thì TOI đời là cái chắc !
Lại nghĩ, thời nay dân ta - dù sao, cũng được " Mở miệng" nói lên suy nghĩ của mình, tuy còn nhiều bức xúc , nhưng cũng không quá quắt như thời Nhân Văn-Giai Phẩm ! Thương các cụ quá !!!
Về việc đàn áp phong trào NVGP thì tất cả chúng ta đã biết, hàng trăm nhân tài văn hóa và nhiều con em của họ đã suốt đời tàn lụi trong cô đơn và nghèo túng. Nhưng một trong những kẻ đàn áp họ lại là tên phản quốc HVH thì cho đến nay chúng ta mới được biết thật qủa là quá trớ trêu.
Trả lờiXóaSau 50 năm, khi đa số họ đã hoặc sắp hết đời thì nhà nước đã có sửa sai và trao một số Giải thưởng Nhà nước ( theo thống kê của Wikipedia). Cũng theo Winkipedia : Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền được coi là người dập tắt phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm.
Vào thời kỳ đổi mới, nhiều nghệ sĩ từng tham gia Nhân Văn-Giai Phẩm đã được phục hồi danh dự và được phong tặng các giải thưởng quan trọng, nhưng một số đã qua đời:
Giải thưởng Hồ Chí Minh: Giáo sư Cao Xuân Huy (về khoa học xã hội, 1996); Nhà văn Nguyễn Tuân (về văn học, 1996); Nhạc sỹ Văn Cao (về âm nhạc, năm 1996); Họa sĩ Bùi Xuân Phái (về hội họa, 1996), Nhà triết học Trần Đức Thảo (về khoa học xã hội, năm 2000); Giáo sư Đào Duy Anh (về khoa học xã hội, năm 2000); Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý (về âm nhạc, năm 2000); Nhà thơ Nguyễn Bính (về văn học, 2000)
Giải thưởng Nhà nước: Nhà thơ Quang Dũng (về văn học, 2000). Tháng 2 năm 2007, 5 nhà văn thuộc Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm gồm Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Yến Lan và Hoàng Cầm được Chủ tịch nước Việt Nam ký quyết định tặng thưởng giải thưởng Nhà nước.
Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 22 tháng 02 năm 2007, nhà thơ Hoàng Cầm tỏ ý buồn rằng các bạn cũ như Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung v.v. đã không còn sống để thấy giải thưởng hôm nay. Theo ông, thực tế là từ năm 1958 đến nay, tức là gần 50 năm, vụ Nhân Văn-Giai Phẩm mới "được giải tỏa", vì trước đó từ thời Đổi Mới, mọi thứ được bắt đầu phục hồi nhưng không công khai. Cùng ngày, khi trả lời phỏng vấn báo điện tử VietnamNet, nhà thơ Lê Đạt nói : "Tôi nghĩ chuyện giải thưởng này như một câu của ông Đỗ Chu (thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học) đã phát biểu: “Có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”. Giải thưởng này là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không."