40 năm nhìn lại - Kỳ 4: Nổ súng chống giặc
08/01/2014 08:00(TNO) Sau nhiều ngày giằng co, cuối cùng súng đã nổ trên biển Hoàng Sa. Trận hải chiến chỉ diễn ra trong hơn 30 phút (không kể các cuộc đụng độ trên đảo), nhưng thời gian ngắn ngủi đó đã để lại cho tất cả người Việt Nam những mất mát vô cùng.
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 3: Tương quan lực lượng
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại
Sơ đồ trận hải chiến theo mô tả trong sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa
|
Hải chiến Hoàng Sa thực sự đã diễn ra như thế nào thì thật khó có một
tường thuật chính xác. Đến nay, nhiều tài liệu quan trọng của Trung
Quốc chưa được giải mật, ngoài những tài liệu được tô vẽ để phục vụ mục
đích tuyên truyền. Phía chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã công bố nhiều
tài liệu ngay sau trận hải chiến với mục đích tố cáo hành vi xâm lược
của Trung Quốc, nhưng chỉ lược thuật khái quát trận đánh nên người đọc
khó nắm bắt một cách chi tiết.
Nhiều cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng tham gia trận đánh cũng đã
kể lại diễn biến, nhưng đều giới hạn trong góc nhìn của cá nhân, những
quan sát có được từ vị trí người đó đứng trong trận chiến, cộng thêm một
số tài liệu mà người đó thu thập được. Các hồi ức cá nhân này đôi khi
mâu thuẫn nhau, khiến những người chỉ tìm hiểu trận đánh qua sách vở đôi
khi bối rối.
Trong loạt bài này, chúng tôi tổng hợp nhiều nguồn, gồm tài liệu của
Bộ Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa, các sách viết về Hải chiến
Hoàng Sa xuất bản ở hải ngoại, các bài viết đăng tải trên mạng, tài liệu
lưu trữ tại Việt Nam cũng như phỏng vấn - trực tiếp và gián tiếp - một
số nhân chứng là cựu quân nhân từng tham gia trận đánh.
Đổ bộ giành lại đảo
Hồi ức của các cựu hạm trưởng Vũ Hữu San và Lê Văn Thự đều cho biết
tàu Việt Nam Cộng Hòa chủ động nổ súng vào tàu xâm lược Trung Quốc.
Ông Lê Văn Thự, cựu hạm trưởng HQ-16, nhớ lại: “Chiều ngày
18.1.1974, khoảng 6 giờ, đại tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi
chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán người nhái lên đảo
Quang Hòa...
Đến tối ngày 18.1.1974, máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị
Trung Cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi không thể gọi đại tá
Ngạc, HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải. Tôi chỉ liên lạc
được với HQ-10 bằng máy PRC-45 là loại máy truyền tin xách tay, chỉ liên
lạc được trong vòng 10 hải lý.
Sau khi nhận lệnh, tôi nghĩ chỉ còn cách đổ bộ toán người nhái
vào ban đêm mới may ra lên được đảo, nhưng chưa chắc toán người nhái đã
vào trót lọt được vì có thể tàu Trung Cộng theo dõi và liên lạc chỉ điểm
cho người của họ trên đảo canh chừng để bắn khi người nhái vào bờ... Vì
thế, muốn thi hành lệnh của đại tá Ngạc, tôi nghĩ chỉ còn cách là phải
tiêu diệt tàu Trung Cộng trước rồi mới tính chuyện đổ bộ người nhái lên
đảo sau”.
Ông Thự kể rằng lúc này phía Trung Quốc điều thêm hai tàu nữa. Ông
liền gọi cho thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng HQ-10, để bàn kế hoạch.
Theo đó, HQ-10 và HQ-16 sẽ rời xa các đảo trong đêm, tắt hết ánh sáng
trên tàu để địch không biết vị trí, vào sáng sớm sẽ tiến vào vùng lòng
chảo bên trong cụm Lưỡi Liềm để tấn công chiến hạm Trung Quốc.
Sáng sớm 19.1.1974, các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa tiến vào vùng
lòng chảo giữa cụm đảo. Theo hồi ức của Hạm trưởng San, lúc bấy giờ bốn
tàu chiến của Trung Quốc mang các số hiệu 389, 396, 271 và 274 cũng tiến
ra nghênh chiến. Lúc 6 giờ 48 phút, lực lượng đổ bộ bắt đầu được triển
khai: toán Biệt hải trên HQ-4 đổ bộ mặt nam đảo Quang Hòa, toán Hải kích
trên HQ-5 đổ bộ mặt tây nam đảo. Khi tiến vào đảo, họ đã bị quân Trung
Quốc nấp trong công sự bắn ra. Lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đáp trả bằng
súng phóng lựu M.79 và tiểu liên M.16. Cuộc cận chiến trên đảo khiến
trung úy Lê Văn Đơn và một thành viên tên Long của toán Hải kích tử
trận, 2 thành viên khác bị thương. Toán Biệt hải cũng bị lực lượng Trung
Quốc đông đảo uy hiếp. Đến khoảng 9 giờ 30, trước tình hình bất lợi,
các lực lượng đổ bộ rút về tàu, mang theo những người bị thương và thi
thể người tử trận. Như vậy, nỗ lực đổ bộ giành lại quyền kiểm soát tại
đảo Quang Hòa của Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại.
Cũng theo tường thuật trong sách của cựu Hạm trưởng Vũ Hữu San và tác
giả Trần Đỗ Cẩm, từ 10 giờ 17 cho tới 10 giờ 24, các chiến hạm Việt Nam
Cộng Hòa di chuyển chiến thuật để lập một vòng cung phía tây đảo Quang
Hòa. Phân đội bắc gồm HQ-16 và HQ-10 di chuyển tới tây bắc đảo, phân đội
nam gồm HQ-5 và HQ-4 di chuyển tới phía tây đảo. Bốn tàu Trung Quốc lập
tức bám theo.
Cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc
(cận cảnh) và tàu Việt Nam Cộng Hòa (mà theo tài lieu trên mạng của Hạm
trưởng Vũ Hữu San là chiếc HQ-4) trong tranh vẽ của Trung Quốc - Ảnh:
China.com
|
Chủ động khai hỏa
Trận hải chiến chính thức khởi sự vào lúc 10 giờ 22 phút sáng 19.1.
Theo Hạm trưởng Vũ Hữu San, sau khi mệnh lệnh tác xạ của đại tá Hà Văn
Ngạc được truyền đi từ trung tâm chỉ huy đặt trên HQ-5, tất cả các chiến
hạm Việt Nam Cộng Hòa đồng loạt nổ súng vào tàu Trung Quốc.
“Lúc bấy giờ, tôi đứng trên đài chỉ huy với Hạm trưởng San, nghe có
lệnh bắn truyền xuống, ông hạm trưởng hét ‘bắn!’ đồng thời ổng điều
chiếc tàu chạy quanh quanh để tránh đạn. Ngay thời khắc đầu tiên, do bị
bất ngờ nên quân Trung Quốc thiệt hại nặng”, 40 năm sau cuộc chiến, ông
Lữ Công Bảy, hạ sĩ quan giám lộ tàu HQ-4, kể lại với phóng viên Thanh Niên Online.
Do mục tiêu nằm trong tầm bắn nên các loại súng pháo 20 ly và 40 ly bắn rất hiệu quả, theo sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa
của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm. Tuy nhiên, các khẩu 76 ly của HQ-4 và
127 ly của HQ-5, HQ-16 có tốc độ bắn chậm hơn trong khi tàu Trung Quốc
nhỏ bé và di chuyển rất linh hoạt thành ra rất khó ngắm trúng mục tiêu.
Trong các chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có pháo của HQ-4 là điều
khiển bằng điện; còn lại đều là hệ thống quay tay khá cổ điển nên việc
“bắt chết mục tiêu” gặp nhiều trở ngại. HQ-10 là chiến hạm nhỏ nhất và
chỉ còn một máy chính hoạt động nên xoay trở rất khó, giàn ra đa lại bị
hỏng nên nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy nan.
“Lúc đó chính mắt tôi thấy rõ ràng chiếc tàu bên trái của Trung Quốc
bị dính đạn. Một cụm lửa bùng lên rất to. Chiếc tàu mất hẳn trên màn
hình ra đa. Có lẽ nó chìm tại đó luôn. Chiếc còn lại thì đâm đầu vô đảo
chứ không dám rượt theo mình”, ông Bảy kể. Nhưng cùng lúc, phía Việt Nam
Cộng Hòa cũng chịu tổn thất lớn lao. Chỉ khoảng 10 phút sau khi khai
hỏa, HQ-10 đã bị loại khỏi vòng chiến. “Qua bộ đàm, bạn tôi là Vương
Thương báo cáo HQ-10 trúng hai phát đạn pháo của Trung Quốc, Hạm trưởng
Ngụy Văn Thà tử trận và hạm phó bị thương. Anh em trên đài chỉ huy HQ-10
toàn bộ đều bị thương hoặc chết. Sau đó thì không thể liên lạc được,
chắc bên đó không còn ai giữ máy bộ đàm”.
Ba chiếc tàu còn lại của Việt Nam Cộng Hòa cũng dính đạn, trong đó
nghiêm trọng nhất là HQ-16 bị trúng một quả đại bác vào hầm máy phải,
nước tràn vào khiến tàu nghiêng hẳn. Lúc bấy giờ, do Trung Quốc phá sóng
truyền tin tầm xa nên việc liên lạc giữa tàu và Đà Nẵng là bất khả thi;
các tàu chỉ có thể liên lạc với nhau bằng máy bộ đàm cầm tay PRC-25 khi
ở cự ly gần.
Sau khoảng 30 phút kể từ khi tàu Việt Nam Cộng Hòa khai hỏa, tình
trạng lúc này là: phía Việt Nam Cộng Hòa có một tàu bị bắn cháy, nhiều
người chết và bị thương; HQ-16 và HQ-5 hư hại khá nặng, HQ-4 cũng dính
đạn nhưng hoạt động còn tốt. Phía Trung Quốc có một tàu bị bắn cháy, các
tàu còn lại hư hại nặng, tổn thất nhân mạng không thể biết.
Theo tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa của
chính quyền Sài Gòn cũng như hồi ức của cựu Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San,
đại tá Hà Văn Ngạc - chỉ huy trưởng chiến dịch trên biển - và một số
người trong cuộc khác, trận hải chiến kết thúc vào lúc khoảng 11 giờ
trưa 19.1.1974. Lúc này, Trung Quốc đang điều thêm tàu đến tiếp viện,
trong đó có xuồng cao tốc Komar trang bị tên lửa. Nhận thấy tình hình
quá bất lợi, phía Việt Nam Cộng Hòa đã ra lệnh triệt thoái các tàu còn
lại về Đà Nẵng.
Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ đó rơi vào tay giặc.
Một sự thật khác về Hải chiến Hoàng Sa?
Như đã đề cập từ đầu, tường thuật
về Hải chiến Hoàng Sa 1974 của người trong cuộc có nhiều điểm mâu thuẫn
nhau. Theo bài viết của trung tá Lê Văn Thự (cựu Hạm trưởng HQ-16) được
công bố vào năm 2004 tại Mỹ, thì trong suốt trận hải chiến vào sáng
19.1, ông đã không hề biết tàu HQ-4 và HQ-5 ở đâu và cũng không liên lạc
được với đại tá Hà Văn Ngạc, là chỉ huy cao nhất tại hiện trường.
Mời các bạn đọc bài viết này tại đây: Một sự thật khác về Hải chiến Hoàng Sa (?)
|
Châu Minh Linh
>> Nuôi chí giành lại Hoàng Sa
>> Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa
>> Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa
------------------------------------------------------
Cala., tôi thắc mắc: năm 1974 HS vẫn thuộc quyền kiểm soát của chế độ MN. Tại sao Mỹ mạnh như thế mà để thua TQ ? Sao không thấy chi viện quân sự từ phía Mỹ ? Chẳng nhẽ VNCH đơn phương chiến đấu ?
Trả lờiXóaVài chục năm về trước, tôi cũng như nhiều người giống như những CON CỪU, cắm đầu cắm cổ đi làm, không hề quan tâm và hiểu biết gì về thời cuộc.Bây giờ thân xác đã rã rời rồi mới muốn nhìn lại những trang lịch sử (thật) để hiểu.