Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

VUA ĐẤT CỐ ĐÔ BỊ TƯỚC DANH HIỆU ANH HÙNG !


Anh hùng mà làm chi, khi dân không phục !
Minh Tự
Ông tham nhũng danh hiệu anh hùng!
Câu chuyện “Anh hùng khai man” đã đến hồi kết, khi Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có kết luận chính thức: ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nguyên UVTW Đảng đã khai man thành tích để được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã đồng ý đề nghị Nhà nước hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã trao cho ông Mãn (xem Tuổi Trẻ ngày 3-1-2014).

Dư luận ở Thừa Thiên - Huế rất vui mừng khi trung ương đã giải quyết “vụ việc phức tạp và nhạy cảm” một cách rất mạnh mẽ. Và không chỉ ở Huế, bạn đọc báo Tuổi Trẻ ở nhiều địa phương trong nước, qua ý kiến phản hồi của họ, đều bày tỏ sự đồng tình rất cao với cách giải quyết này. Vậy là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu vinh dự của Nhà nước, đã buộc phải thu hồi vì trao nhầm. Đó là một nỗi đau, nói như một vị lãnh đạo ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là “một tổn thất cho Huế”, nhưng chữa lành nó thì tạo ra niềm vui gấp bội. Đó là lý do người dân lại vui khi đón nhận quyết định của Ban Bí thư.
Vui nhưng người dân cũng không quên đặt ra câu hỏi: vì sao cả một hệ thống cơ quan tham gia thẩm định hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn, gồm hệ thống của chính quyền, các cấp ủy Đảng và các cấp chỉ huy quân đội từ cấp huyện đến trung ương, quy mô và bài bản như vậy mà lại để bản thành tích giả lọt qua? Người dân phê bình ông Mãn, nhưng bất bình với các cơ quan đó không chỉ để lọt qua mà còn xác nhận đó là thành tích thật.
Đã có người đưa ra câu trả lời: là vì lúc đó ông Mãn đương chức bí thư tỉnh ủy nên các cơ quan của tỉnh không thể không làm theo chỉ đạo. Trong buổi làm việc với các cựu chiến binh đã tố cáo sự khai man này (hôm 2-1), ông Lê Hồng Liêm - phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - cho biết Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã sai khi xác nhận bản thành tích này, nhưng nhiều cơ quan khi xem xét hồ sơ lại chỉ dựa vào xác nhận của Văn phòng Tỉnh ủy.
Hỏi chuyện một vài vị cán bộ trong các cơ quan này, họ nói nếu quay trở lại thời điểm đó sẽ thấy khó mà không xác nhận, dù cũng đã nghe lời phản đối với đề nghị phong tặng Anh hùng này.
Ngay khi ông Mãn vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng, đã nghe dậy lên dư luận bất bình. Những người tố cáo ông Mãn chính là những người đã từng cùng ông nằm hầm bí mật, đã cùng thoát chết qua những trận đánh ác liệt mà nhiều đồng đội họ đã ngã xuống. Họ rất công bằng khi nói về ông, rằng ông là một du kích rất gan dạ và mưu trí, nhưng nếu nói ông là người chỉ huy hàng trăm trận đánh, tiêu diệt hàng trăm nhân mạng địch thì họ không thể chấp nhận. Chính vì vậy mà ngay cả người anh họ, đồng thời là đồng đội của ông, cũng ký tên vào lá đơn tố cáo đau lòng này. Họ nói nếu ông đừng làm cái việc khai man này thì đồng đội và cả hậu thế sẽ không bao giờ quên những chiến công rất oanh liệt của ông. Như thế ông sẽ thật sự là anh hùng, đúng nghĩa cả lý lẫn tình!
Suy cho cùng, mọi danh hiệu cao quý sẽ được cuộc sống thẩm định một cách chính xác. Anh hùng thật sự là anh hùng chỉ khi được nhân dân công nhận. Anh hùng mà chi khi nhân dân không “tâm phục, khẩu phục”?

 Nhân sự việc này nhiều báo "lề Đảng" và rất nhiều trang mạng "lề dân" đã nhắc lại một sự kiện động trời mà 8 năm trước Báo Lao Động đã phanh phui, liên quan đến "ông Vua ở đất cố đô". Lạ cái, chẳng những không ai dám động đến lông chân "Vua Mãn", mà y còn 3 năm liền được tôn vinh  là Tấm gương điển hình " Học tập và làm theo bác Hồ " ! Thật là 1 sự bôi nhọ Bác Hồ và khôi hài không bút nào tả xiết !!!
Bài báo như sau :
 LAO ĐỘNG số 327 Ngày 26.11.2005 Cập nhật: 10:11:57 – 26.11.2005
Đất cố đô có “vua”!

Mấy hôm nay, nơi tôi đang sống, từ lề đường đến công sở, đi đâu cũng nghe người dân, cán bộ, nhỏ to đầy hả hê chuyện ông “quan” to nhất tỉnh vừa bị một nữ tiếp viên nhà hàng “dạy” cho bài học muối mặt về ứng xử với phụ nữ ngoài xã hội.
Chuyện là một bữa trưa đẹp trời, “quan” lớn cùng một số “quan” nhỏ vào ăn trưa ở một nhà hàng ở ven đô. Một nữ tiếp viên trẻ, mới đến làm việc của nhà hàng, như lệ thường, đến đon đả mở bia, tiếp đá cho các “quan”. Và (có lẽ cũng như thường lệ), “quan” lớn nhất đã không cầm lòng trước nhan sắc của cô tiếp viên chỉ đáng tuổi con mình nên đã… ghì đầu cô ta lại rồi hôn đánh chụt một cái vào má, trước sự chứng kiến của quan khách có mặt trong nhà hàng hôm đó! Quá bất ngờ và cảm thấy nhục nhã bởi hành vi của vị “quan” đáng kính mà lâu nay cô chỉ thỉnh thoảng được thấy mặt và nghe nói toàn lời hay, ý đẹp trên ti-vi, cô tiếp viên đã đáp trả ngay lập tức bằng một cái tát như trời giáng vào mặt “quan”! Cát tát làm cả nhà hàng “chết lặng” như… sóng thần xuất hiện!
Chuyện đến đây chưa hẳn đã có đoạn kết tệ hại nếu  “quan” hành xử như một người có văn hoá (lỡ có tí bia rượu), chẳng hạn nói một lời xin lỗi. Đàng này, sau một lúc bỏ đi vào nhà vệ sinh, “quan” quay trở ra, mặt hầm hầm chỉ tay, lớn tiếng: “Đuổi, đuổi ngay cô tiếp viên không biết làm việc kia!”. Tất nhiên chủ quán thanh toán tiền công và cho cô nghỉ việc ngay sau đó. Chưa hết, “quan” còn doạ sẽ cho đóng cửa, không chỉ nhà hàng này mà còn cả… các nhà hàng bên cạnh! (Ý tưởng này thật… khó hiểu!).
Theo giới thạo tin “mật” thì việc ông “quan” này vào các nhà hàng ruột của mình rồi ôm hôn  các cô tiếp viên và “hơn thế” giữa thanh thiên bạch nhật như đã dẫn ở trên là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng lâu nay, các cô phần khiếp uy của “quan”, phần vì miếng cơm manh áo đành nuốt nhục, im lặng.  Cái tát vừa rồi thật ra là… “đi đêm lắm có ngày gặp ma” mà thôi.
Người viết bài này đã nghĩ mãi vẫn không lý giải thoả đáng về hành vi của “quan”. Chẳng lẽ, “quan” cho  rằng xã hội bây giờ không có “vua”, cũng không có “dân”, nên không cần nhìn trước nhìn sau khi thực hiện những hành vi không xứng đáng với trọng trách như thế? Hay là “quan” cho rằng, ta là “vua” của đất cố đô này nên ta muốn làm gì cũng được?
-----------------------------------------

3 nhận xét:

  1. 80-90% các QUAN đều tham TIỀN, QUYỀN và GÁI (trừ quan nữ).
    Thật là NHỤC cho quê hương tôi có một VUA TỒI !

    Trả lờiXóa
  2. Quan ngày xưa chắc cũng không hành xử tệ như vậy anh nhỉ...

    Trả lờiXóa
  3. Đi đêm mãi sẽ có ngày gập ma ! Ông "vua Mãn" đã được trả giá đích đáng cho mọi tội lỗi của hắn.Không chi người dân Cố Đô hả hê,vui mừng má những người yêu công lý đều mừng vui !

    Trả lờiXóa