Bộ Giáo dục: Trường ĐH Kinh doanh … mở ngành y, dược là thực hiện xã hội hóa giáo dục!
Dân trí Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, việc cho phép
trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y, dược là để thực
hiện đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo. Trong quá trình đào
tạo, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Y Tế để kiểm tra điều kiện đảm bảo chất
lượng.
>> Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN được đào tạo ngành... y khoa, dược
Việc Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công
nghệ Hà Nội được mở ngành Y đa khoa và Dược trình độ đại học đã làm dư
luận lo lắng, xôn xao bởi chất lượng đào tạo của ngành này liên quan
trực tiếp tới tính mạng con người. Phóng viên Dân trí đã có
cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục
Đại học, Bộ GD-ĐT để hiểu rõ hơn về quyết định này.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
Trường chuẩn bị điều kiện… ở mức cao hơn so với quy định
Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực y, dược là vấn về quan trọng,
liên quan đến sức khoẻ con người. Do đó, việc xác định các điều kiện đảm
bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế phải có sự khác biệt cần thiết so
với những ngành khác. Vậy, lý do gì Bộ GD-ĐT lại ra quyết định cho
trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành y đa khoa và dược?
Đúng là đào tạo ngành y, dược rất quan trọng, đặc biệt hơn so với các
ngành khác nên cuối năm 2014, Bộ GDĐT đã có Công văn 6975/BGDĐT-GDĐH
ngày 03/12/2014 gửi cho các cơ sở đào tạo về việc tạm ngừng mở một số
ngành thuộc khối khoa học sức khoẻ để rà soát, quy hoạch lại; trừ những
trường hợp đặc biệt hai bộ sẽ xem xét.
Cách đây hơn 2 năm, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đề
nghị được mở hai ngành này nhưng vào thời điểm đó, Bộ GD&ĐT chưa thể
xem xét.
Từ hơn 2 năm trước đến nay, trường đã chuẩn bị trang thiết bị để đào
tạo hai ngành này với hơn 80 tỉ đồng và tuyển dụng, trả lương để duy trì
đội ngũ giảng viên. Trường vẫn tiếp tục đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ
GD&ĐT cho phép đào tạo. Lãnh đạo Bộ đã chỉ định các đơn vị thuộc hai
Bộ thẩm định trực tiếp theo quy trình đặc biệt.
Kết quả thẩm định của đoàn thẩm định liên bộ cho thấy: Trường đã
chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mở ngành, đáp ứng các yêu cầu chung về mở
ngành và các yêu cầu mang tính chuyên ngành của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đã có công văn đồng ý cho Trường mở ngành sau khi hoàn thiện
các nội dung theo góp ý của đoàn thẩm định. Thực tế, nhà trường đã có
quyết tâm và đã đầu tư lớn để chuẩn bị mở các ngành này. Vì vậy, lãnh
đạo Bộ GD-ĐT ra quyết định cho trường mở ngành để thực hiện đúng chủ
trương xã hội hóa giáo dục đào tạo. Trong quá trình đào tạo, Bộ Giáo dục
và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y Tế để kiểm tra điều kiện đảm bảo chất
lượng.
Hầu hết các trường đào tạo ngành y, dược trình độ đại học hiện
nay của Việt Nam đều thiếu trang thiết bị giảng dạy, thiếu đội ngũ giáo
viên trình độ cao. Liệu cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên 2 ngành này
của trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu?
Trước khi cho phép đào tạo, Bộ GD&ĐT đã thành lập Đoàn thẩm định
liên ngành của hai Bộ (trong đó có hai thành viên của Cục Khoa học công
nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế) theo quy trình riêng để thẩm định các điều
kiện mở ngành, trong đó có thẩm định cơ sở vật chất và đội ngũ giảng
viên.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Trường đã chuẩn bị đủ theo điều
kiện mở ngành và đủ cho những năm học đầu tiên của khoá học, các năm
cuối đã có kế hoạch và có hợp đồng nguyên tắc để thực hiện. Vì vậy, Đoàn
thẩm định đã Kết luận Trường cần “bổ sung thêm đội ngũ và cơ sở vật
chất thiết bị thực hành thí nghiệm theo góp ý của các thành viên đoàn
thẩm định để đảm bảo theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô đào
tạo”.
Về đội ngũ giảng viên, ngành Y đa khoa của Trường có 47 giảng viên
đúng chuyên ngành, trong đó có 6 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS y học cơ
sở ngành, nội, ngoại, sản, nhi, y học dự phòng và y tế công cộng. Theo
trình độ thì có 33 TS, PGS, GS; có 14 ThS và BS chuyên khoa I, II; đảm
nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức ngành và chuyên ngành.
Ngành Dược của Trường có 31 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có
7 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS có chuyên ngành về bào chế, phân tích
kiểm nghiệm thuốc, dược liệu, tổ chức và quản lý dược, dược lý lâm sàng,
hoá dược và vật lý hoá. Theo trình độ thì có 5 TS, PGS, GS; có 18 ThS
và DS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức của
chương trình đào tạo.
Về minh chứng hồ sơ, tất cả số giảng viên đã đủ hồ sơ chuyên môn,
trong đó có một số còn thiếu hợp đồng lao động và cam kết chỉ làm việc
duy nhất cho trường; nhà trường giải trình đó là những giảng viên sẽ
tham gia giảng dạy các năm học sau của chương trình nên sẽ hoàn chỉnh hồ
sơ trong thời gian tới, sau khi được mở ngành.
So với quy định chung về điều kiện mở ngành trình độ đại học (có tối
thiểu 1 TS và 3 ThS đúng ngành đăng ký, đảm nhiệm giảng dạy 70% chương
trình đào tạo) thì Trường đã chuẩn bị đầy đủ, thậm chí hai bộ còn yêu
cầu ở mức cao hơn so với mức được quy định để phù hợp với chủ trương
nâng cao điều kiện chất lượng trong mở ngành đối với khối ngành khoa học
sức khoẻ trong thời gian tới. Nếu Trường không chuẩn bị đầy đủ điều
kiện, hai bộ không thể cho mở ngành.
Nếu trường đại học đa ngành khác như trường ĐH Kinh tế quốc dân,
trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam hay trường ĐH
Hòa Bình, ĐH Phương Đông … đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để mở ngành y,
dược, liệu Bộ Giáo dục có cho phép?
Đối với các trường ĐH công lập thì khi nhà nước thành lập đã xác định
chức năng, nhiệm vụ của trường. Nếu trường công mở ngành không phù hợp
với chức năng nhiệm vụ và nhu cầu của nguồn nhân lực thì Bộ GDĐT sẽ
không xem xét.
Đối với các trường ngoài công lập thì chức năng, nhiệm vụ, định hướng
ngành nghề đào tạo do các nhà đầu tư xác định và những nội dung này có
thể thay đổi.
Nếu ở thời điểm này, các trường đa ngành đăng ký mở ngành Y, Dược thì
ngoài hai nội dung trên, nếu xem xét, Bộ sẽ thực hiện theo Công văn
6975 nêu trên.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã đăng ký mở ngành từ hơn 2 năm
trước và đã đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng giảng viên từ trước khi Bộ
ra Công văn nhưng việc mở ngành cũng đã được thực hiện theo thủ tục và
yêu cầu mới tại Công văn này để nâng cao chất lượng đào tạo.
Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM trong giờ thực hành (Ảnh: Người Lao động)
Tiếp tục nâng cao điều kiện mở ngành y, dược
Được biết, năm trước, Bộ GD-ĐT tuyên bố tạm dừng mở một số ngành
trong lĩnh vực y tế ở trình độ ĐH và CĐ tại các trường đa ngành không
thuộc khối chuyên ngành y, dược và khẳng định: “Để nâng cao chất lượng
đào tạo”. Nay, sao lại có sự thay đổi này?
Các ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế là ngành đặc thù, cần nâng cao
chất lượng đào tạo nên Công văn số 6975/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT đã
nêu rõ: Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học
trong lĩnh vực khoa học sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thầy
thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã
thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các
ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học và
cao đẳng đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối
chuyên ngành Y Dược.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát và đánh giá hệ
thống cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên toàn quốc về đội ngũ cán bộ
giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực y tế.
Trong những trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một
số địa phương, vùng miền, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế
xem xét nhu cầu nhân lực thực tế, thẩm định các điều kiện cần thiết để
đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo có sự thẩm định của cơ quan quản lý
chuyên ngành trước khi Bộ GDĐT quyết định cho mở ngành tại các cơ sở đào
tạo đại học không chuyên ngành Y Dược.
Việc cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành cũng đã được thực
hiện theo tinh thần trên. Tuy nhiên, Quyết định 5758/QĐ-BGDĐT làm theo
mẫu có sẵn nên không thể hiện hết nội dung về việc có sự đồng ý của Bộ Y
tế.
Vậy kết quả rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế của 2 bộ như thế nào thưa bà?
Cho đến nay, hai bộ đã có một số cuộc họp với nhau và gửi công văn
trao đổi với các trường đào tạo Y, Dược về chủ trương trên. Việc đánh
giá nhu cầu, quy hoạch mạng lưới là vấn đề cần tính toán kỹ với nhiều
điều kiện, dự báo… nên khó có thể làm nhanh.
Vì vậy, chúng tôi đang bàn trước việc nâng cao điều kiện mở ngành của
một số ngành thuộc khối ngành khoa học sức khoẻ. Sắp tới, khi văn bản
này được ban hành thì điều kiện mở ngành y dược sẽ được quy định theo
hướng nâng cao chất lượng đào tạo hơn so với các ngành khác.
Hiện nay, công tác đào tạo cũng như chất lượng nhân lực ngành y
đang là vấn đề gây nhiều bức xúc hiện nay bởi “thừa rất nhiều người có
bằng bác sỹ nhưng rất thiếu bác sỹ thực sự”. Chính vì vậy, nay chưa khắc
phục được bất cập Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế lại mở rộng thêm trường đào
tạo ngành này. Đây có phải là 1 giải pháp không thưa bà?
Như trên đã nói, việc quyết định cho Trường ÐH Kinh doanh và Công
nghệ Hà Nội mở ngành là việc tiếp tục giải quyết đề nghị của trường từ 2
năm trước. Từ khi đó, trường đã bắt đầu đầu tư cơ sở, trang thiết bị…
theo đúng quy định chung tại Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT về điều kiện mở
ngành.
Thời gian sau đó, Bộ mới có Công văn 6975/BGDĐT-GDĐH ngày 3/12/2014
về việc tạm dừng mở ngành. Thực tế, khi các nhà đầu tư đã bỏ vốn, thực
hiện theo quy định chung thì hai bộ cũng phải xem xét theo đúng quy
định, có yêu cầu cao hơn mức chung hiện hành để phù hợp với chủ trương
hiện nay và trong thời gian tới là nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt
là đối với khối ngành y dược.
Chúng tôi cho rằng cần đảm bảo quyền chính đáng của các nhà đầu tư
thì mới thực hiện được xã hội hoá giáo dục nhưng kiên quyết không thực
hiện xã hội hoá giáo dục bằng việc hạ thấp chất lượng đào tạo.
Xin trân trọng cám ơn bà!
Hồng Hạnh (thực hiện)