Lãnh đạo báo
Tuổi Trẻ: Công an Hà Nội phải xem xét lại quyết định xử phạt PV
“Chúng tôi đề nghị Công an TP Hà Nội cân nhắc lại tình tiết Nhà báo tác
nghiệp thì quy vào cái lỗi cản trở hoạt động, trong khi đó, công an ngăn cản hoạt
động báo chí chỉ bị khiển trách” - Ông Lê Xuân Trung, Phó TBT báo Tuổi Trẻ
TP.HCM nói.
Ngăn cản rồi thì làm
sao PV xâm nhập hiện trường được
Liên quan đến kết luận của Công an Hà Nội về vụ việc
"công an gạt tay khiến PV báo Tuổi Trẻ chảy máu miệng" đang gây xôn
xao dư luận, PV Infonet có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập
báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh.
Hiện trường vụ việc "cảnh sát Ngô Quang Hưng đã có hành
vi vung tay vào mặt phóng viên Trần Quang Thế".
Ông Lê Xuân Trung cho biết: “Chúng tôi đề nghị cơ quan Công
an TP Hà Nội và Công an quận Tây Hồ, Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt hành
chính với anh Quang Thế. Vì anh Quang Thế chỉ để xe ở trên cầu và thực tế thì
anh Quang Thế chưa xâm nhập vào hiện trường".
Cụ thể, theo ông Lê Xuân Trung: "Khi bắt đầu xâm nhập
vào hiện trường thì anh Quang Thế đã bị ngăn cản rồi còn đâu mà xâm nhập vào hiện
trường được. Như vậy, tại sao lại quy cho anh Quang Thế xâm nhập hiện trường?
Không chỉ có vậy, các Nhà báo khác cũng bị ngăn cản khi tác nghiệp thì làm sao
xâm nhập vào hiện trường được?”.
Ngoài ra, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh: “Đặc biệt,
chúng tôi cũng đề nghị Công an TP Hà Nội cân nhắc lại tình tiết Nhà báo tác
nghiệp thì quy vào cái lỗi cản trở hoạt động, trong khi đó, công an ngăn cản hoạt
động báo chí chỉ bị khiển trách”.
Công an Hà Nội bảo vệ
hiện trường bằng người
Khi được hỏi, vào thời điểm xảy ra sự việc, cơ quan công an
không chăng dây hay dùng các phương tiện khác để bảo vệ hiện trường thì làm sao
PV, Nhà báo biết đó là hiện trường được, trả lời câu hỏi này của PV Infonet,
ông Lê Xuân Trung nói: "Họ bảo, cơ quan công an bảo vệ hiện trường vụ việc
bằng người".
PV Trần Quang Thế trình báo tại cơ quan công an.
Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Trung cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP
Hà Nội xem xét lại cách mà Công an quận Tây Hồ, Hà Nội ra quyết định xử phạt
hành chính với anh Quang Thế. "Nếu ra quyết định xử phạt hành chính với
anh Quang Thế như vậy thì đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP
Hà Nội hay chưa? Vì Chủ tịch UBND TP Hà Nội có yêu cầu xem xét xử lý, khách
quan, công bằng theo đúng quay định của pháp luật", vị Phó Tổng biên tập
báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi.
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, vào tối 29/9, Công an quận Tây Hồ,
Hà Nội đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo
Quang Thế. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu: Vào khu vực cấm nơi tiến
hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép
với mức phạt 2.000.000 đồng. Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng.
Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt
2.500.000 đồng. Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động
đúng pháp luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng.
Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng. Không chấp
hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.
Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ, Hà Nội
cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.
PV báo Tuổi Trẻ chỉ
chấp nhận một lỗi
Ngay sau đó, PV Quang Thế cho biết: “Tôi không đồng ý với
nhiều nội dung trong quyết định xử phạt của Công an Hà Nội. Tôi đã trình bày với
Công an quận Tây Hồ, Hà Nội rằng trong các quyết định xử phạt hành chính tôi chỉ
đồng ý lỗi vi phạm để xe trên cầu còn các lỗi khác tôi hoàn toàn không chấp thuận
lỗi vi phạm. Tôi cho rằng mình hoạt động nghiệp vụ theo Luật Báo chí và theo
pháp luật Việt Nam”.
Khu vực hiện trường xảy ra vụ việc.
Trước đó, vào sáng 23/9, tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn
đọc và sự chỉ đạo của cơ quan, PV Quang Thế đến cầu Nhật Tân tìm hiểu vụ việc một
tài xế taxi tử vong. Khi đến nơi PV Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm
chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường.
Rất nhiều người dân hiếu kỳ đứng trên cầu tìm hiểu, dùng điện thoại quay phim,
chụp ảnh vụ việc.
PV Quang Thế cho biết: “Khi tôi đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì
có một cán bộ chiến sĩ công an mặc cảnh phục ra ngăn cản không cho chụp. Sau đó
tôi đi ra cách xa hiện trường và chụp ảnh thì cán bộ chiến sĩ đội CSHS Công an
Đông Anh, mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung.
Tôi bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng. Rất
nhiều người dân, đồng nghiệp các báo có mặt ở hiện trường đã chụp ảnh, ghi hình
sự việc".
Sau khi vụ việc xảy ra PV Quang Thế đã đến Công an xã Vĩnh
Ngọc, huyện Đông Anh (cơ quan Công an nhất nơi xảy ra vụ việc) để làm đơn trình
báo toàn bộ việc mình bị hành hung khi đang tác nghiệp.
Luật sư Nguyễn Kiều
Hưng, Đoàn luật sư Tp HCM:
Theo tôi, nếu không có biên bản được lập tại hiện trường về
những hành vi, mà Công an Hà Nội cho rằng Quang Thế đã vi phạm thì đã sai về thủ
tục xử phạt.
Với nội dung phạt về hành vi đi vào khu vực cấm, và chụp ảnh
ở khu vực cấm liên quan đến bí mật Nhà nước là không chính xác. Vì đây không thể
là “bí mật nhà nước”.
Mặt khác, quyết định xử phạt cũng chưa xem xét quyền ưu tiên
tác nghiệp về giao thông, tiếp cận thông tin của phóng viên báo chí. Luật Báo
chí và Nghị định 51/2002 quy định về quyền ưu tiên của nhà báo để tiếp cận
thông tin khá rõ.
Điều 7. Cung cấp
thông tin cho báo chí
Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có
quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin
chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ
quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo
chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước
pháp luật về nội dung thông tin.
Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp
thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên
cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.
(Trích Luật Báo chí sửa
đổi 1999 đang có hiệu lực thi hành)
Điều 8. Quyền hạn của
nhà báo
1. Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển
lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm
việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ
chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định
trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc
hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít
tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác theo giấy
mời và các quy định cụ thể của Ban Tổ chức các hoạt động đó.
3. Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim,
ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên
lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của
pháp luật.
4. Được ưu tiên trong việc mua vé tàu, vé xe, vé máy bay,
chuyển nhanh điện tín, bài báo và ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, các loại ấn
phẩm báo chí khi hoạt động nghiệp vụ.
5. Được ưu tiên, tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong trường
hợp giao thông bị ách tắc, khó khăn và được hưởng chế độ miễn phí đối với
phương tiện giao thông của cơ quan báo chí và nhà báo khi phục vụ cho hoạt động
nghiệp vụ báo chí.
(Trích Nghị định 51/2002)
Tiến Anh
-----------------------------------
Sự nhạo báng niềm tin
Tôi tin ông Ngọc, người
phát ngôn của CAHN, chẳng cảm thấy sung sướng gì khi phải chường mặt ra để
thiên hạ rủa sả khi có cái phát ngôn để đời về vụ “gạt tay vào má” của cảnh sát
hình sự Đông Anh với phóng viên Tuổi Trẻ. Tôi cũng tin, hai cảnh sát hình sự giờ
đây không vui vẻ gì với những chuyện đã xảy ra. Tôi càng tin, những người làm
báo đều cảm thấy bị xúc phạm khi thấy đồng nghiệp mình bị đánh rồi còn bị phạt
tiền.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc:
“Cảnh sát Đông Anh gạt tay trúng má phóng viên”. Ảnh: internet
Thế nhưng nếu có xảy
ra một vụ tương tự thì ông Ngọc sẽ lại phát ngôn như vậy, các cảnh sát vẫn có
thể ra tay như vậy và các nhà báo ngoài giận dữ trên facebook cũng chẳng biết
làm gì khác như vậy.
Không có gì sai khi
nói rằng lực lượng công an là lực lượng được chiều chuộng nhất trong xã hội hiện
nay. Họ đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội, nhưng chế độ cần họ hơn trong vai
trò “lá chắn” và “thanh kiếm” cho chính mình.
Nếu biết rằng mọi Tổng
biên tập đều là đảng viên thì không có gì ngạc nhiên khi các đảng viên phải chấp
hành quyết định của cấp uỷ đảng cao hơn, ở đây là ban Tuyên Giáo. Vì vậy, họ xếp
hàng đi dưới tấm bảng chỉ đường sau mỗi quyết định được thông tin cái nào, hay
tránh né cái khác, là chuyện hợp lẽ.
Nhưng với phát ngôn
và quyết định phạt hôm qua thì khác. Sự nhạo báng công luận đã lên ở một tầm mức
cao hơn. Công an cho thấy họ có thể đánh người xong mà vẫn được bao che, thậm
chí tiếp tục trừng phạt người bị đánh. Nhà báo cho thấy số phận của họ không
khác gì mọi thành viên trong xã hội này, cho dù mang vác trên vai trách nhiệm
thông tin cho xã hội.
Thấy nhiều người kêu
gọi 14.000 nhà báo ở Việt Nam góp mỗi người 1.000 đồng cho anh phóng viên đóng
phạt. Tôi sẽ không góp. Tôi không đồng ý với quyết định xử phạt này. Báo Tuổi
Trẻ, ngoài việc cố tỏ ra khách quan trên mặt báo, điều làm chua xót không ít người
có lương tri, thì hãy bảo vệ phóng viên của mình bằng cách đệ đơn lên toà phản
đối quyết định xử phạt nói trên. Tôi không có mặt tại hiện trường nên không khẳng
định được anh phóng viên Tuổi Trẻ có làm gì vi phạm pháp luật như kết luận xử
phạt nêu, nhưng không ai có quyền đánh người.
Nếu im lặng, báo Tuổi
Trẻ mới là người đang nhạo báng niềm tin của những ai đã dành cho tờ báo này.
Trung Bảo
(FB Trung Bảo)