Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

CHỮ "TÌNH" TRONG QUAN HỌ

Ra Bắc lần này tiếc không còn thời gian gặp gỡ chú em họ tài hoa - họa sĩ Đỗ Dũng . Đỗ Dũng ngoài nghề chính là sáng tác tranh, vẽ minh họa cho một số báo và tạp chí TW còn hiểu rất sâu về Quan họ Bắc Ninh. Đặc biệt hơn, Đỗ Dũng hát Quan họ chuẩn và hay như 1 liền anh thực sự ! Xin giới thiệu bài viết sau đây của họa sĩ Đỗ Dũng (Nguyên bản trên Facebook Dung Do là "Tình yêu trong Quan họ" ).

Yếu tố trữ tình là đặc điểm nổi bật nhất bao trùm lên hết thảy các lời ca của dân ca Quan họ. Có thể nói mỗi bài hát Quan họ là một bản tình ca, đó là lời của những người yêu nhau cởi bỏ tấm lòng ra với nhau.


Nói đến Quan họ người ta thường nói ngay đến một tập tục rất đặc biệt. Những liền anh, liền chị hát cùng nhau được yêu nhau nhưng không được lấy nhau làm vợ chồng. Xưa kia tục lệ kết bạn quan họ là phải khác giới, khác làng. Các làng kết chạ anh, chạ em cùng nhau, thường coi nhau là người một nhà nên không lấy nhau. Có làng còn phạt vạ nặng những đôi trai gái phá lề luật. Lề luật thì thế nhưng trong lời ca của liền anh, liền chị vẫn nồng nàn lời lẽ yêu đương của trái tim mình, họ hát lên những ước vọng tràn trề của hạnh phúc lứa đôi, của những khao khát yêu thương và được yêu thương. Tiếng hát ấy đã ghi lại tất cả chặng đường của tình yêu từ buổi gặp gỡ, trao gửi tâm tình, đến lúc phải xa nhau rồi nhung nhớ, bao nhiều mơ ước, bao nhiêu điều thất vọng, bao khó khăn để đến được với nhau, rồi lại phải xa nhau. Bắt đầu từ buổi: "Nhác trông thấy bóng đôi người. Môi son má phấn, miệng cười như hoa. Đôi người đẹp tựa tiên xa. Để tôi khấn nguyện Giăng già xe dây". Người quan họ nhìn nhau bằng một tấm lòng trân trọng, nền tảng của tình yêu tình bạn, nên họ phát hiện tinh tế những vẻ đẹp tâm hồn và hình thể của nhau: "Trúc xinh trúc mọc bờ ao, anh Hai xinh anh Hai đứng chỗ nào cũng xinh... Trúc xinh trúc mọc bên chùa. Anh không yêu em lấy đạo bùa cho phải yêu". Cây trúc là biểu tượng đỉnh điểm của nhân cách, được cho là vẻ đẹp của người quân tử đã được người con gái gán cho người bạn tình của mình. Vì tình yêu mà người quan họ hết sức cầu kì trong cách cư xử, họ nâng vẻ đẹp của bạn tình lên và trang hoàng câu hát một cách trang trọng: "Anh Hai như gấm vóc lụa đào, em như chỉ kim tuyến thêu vào có nên chăng?".
Đỗ Dũng trong vai liền anh Quan họ rất điệu nghệ

Đáng chú ý trong dân ca quan họ có nhiều bài hát thể hiện người con gái bày tỏ tình yêu của mình với người con trai trước và rất dáo diết:
"Anh Hai ơi, vợ anh Hai em chẳng dám bì
Vợ anh Hai như vàng bảy, em thì thau ba.
Em muốn cho cùng ở một nhà
Để xem vàng bảy, thau ba thế nào.
Em muốn cho giếng ở gần ao
Để xem đôi nước nước nào trong hơn...".
Trong hoàn cảnh nhiều lề luật mà tán tỉnh những câu như thế thì thấy các liền chị thật táo tợn, tình yêu của họ thật mãnh liệt. Họ ví "đôi ta như nước trong chum, như hoa mới nở một chùm trên cây" chẳng khác gì tình cảm trong sáng, tinh khiết của tuổi thanh xuân tràn đầy nhựa sống của họ. Các câu tỏ tình cứ gấp gáp dần: "Có yêu nhau thì trò chuyện vân vi, kẻo mai tiếng bấc tiếng chì lại bảo tại em. Có yêu nhau thì chẳng quản đường xa, kẻo mai sao nhạt trăng nhòa lại bảo tại em. Có yêu nhau thì sớm kết duyên đi, kẻo mai quá lứa lỡ thì lại đổ tại em".
Đỗ Dũng (giữa) hát với liền anh Đạo ,làng Thổ Hà .
Trao gửi tâm tình cho nhau bằng những lời ca đầy say mê đã đến lúc thẳng thắn, không còn e lệ, úp mở gì nữa. Chàng hát: "Từ khi ăn một miếng trầu, miệng ăn môi đỏ, dạ sầu tương tư". Nàng cũng nồng nàn không kém: "Dù ai cho bạc cho vàng, chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay". Trong khi hai bên đương hát, bốn mắt nhìn nhau say đắm, không thể nén được tình cảm của trái tim mình, họ thốt lên: "Lóng lánh là lóng ánh ơi, mắt người lóng lánh như sao trên trời. Em say người lắm lắm người ơi". "Lúng liếng là lúng liếng ơi, miệng cười lúng liếng có đôi đồng tiền. Tôi với người muốn kết nhân duyên".

Đã yêu nhau thì chỉ muốn được gần bên nhau: "Người lên chợ Thái buôn chè, để tôi buôn ấm ngồi kề một bên", "Từ khi ta phải lòng nhau, bỏ buôn bỏ bán bỏ giàu chợ phiên". Rời ra một chút cũng làm cho cơn sầu dâng lên rồi: "Nhìn nhau chẳng dám nhìn lâu, nhìn qua cho đỡ cơn sầu làm vui...".
Đỗ Dũng ( trái) vào vai hai Dũng hát với anh hai Chiến  trong đên Hội Lim

Người con trai bám riết quá làm người con gái cũng phải tìm cách hoãn: "Chàng buông vạt áo em ra, để em đi chợ kẻo đà chợ trưa" hay là "Em về hầu mẹ hầu thầy, đến mai em lại sang đây hầu người". Đến lúc không nhìn thấy nhau nữa thì thật là thảm: "Thấy bạn tôi chẳng thấy nàng, bâng khuâng như mất lạng vàng trên tay". Lúc xa nhau là lúc da diết nhất của tình yêu, tiếng hát của họ là những nỗi nhớ nhung, thương mến, đến nỗi mất ngủ, quên ăn, trằn trọc thao thức, ruột héo gan vàng vì yêu. Đến lúc đó liền anh thốt lên rằng: "Thà đừng biết mặt nhau chi, để đêm thương nhớ, ngày tôi lại nhớ thương", "người ơi có nhớ đến chúng tôi chăng?". Liền anh có biết rằng liền chị cũng "Thương nhớ ai ra ngẩn vào ngơ. Đêm quên giấc ngủ, ngày mơ trận cười. Đêm năm canh sáu khắc chàng ơi. Chàng cười nửa miệng, em vui nửa lòng". Nếu tình yêu có thể đong đếm được thì như "Cây sơn lâm lá cỗi, cây thông vàng, cây bao nhiêu lá thương chàng bấy nhiêu".

Hát quan họ là hát về tình yêu và nỗi nhớ, nỗi nhớ nhung khắc khoải ngay cả khi đang ở gần nhau. Nếu ai được nghe trọn vẹn một canh hát với hàng trăm bài ca nối tiếp đối đáp nam nữ, tiếng bổng tiếng trầm, trong làn điệu uốn lượn, trong những rung âm của kỹ thuật nảy hạt sẽ thấy thấm đượm cái lắng đọng sâu sắc của những lời thở than của những kẻ yêu nhau. Càng nhớ nhung, càng thở than dãi bày thì lại càng kết gắn với nhau bền chặt. Đến đây ta mới thấy cái luật lệ tưởng rằng oái ăm không cho những kẻ yêu nhau được lấy nhau kia đã lôi kéo các liền anh, liền chị say nhau đến trọn đời. "Đôi ta như vợ chồng Ngâu, một năm mới được gặp nhau vài thì". Càng khó khăn cách trở lại càng hấp dẫn nhau không dứt ra được. Khi yêu nhau là tình bạn thần tiên. Khi đã cưới về ở với nhau rồi với bao lo toan vất vả của cuộc mưu sinh cho gia đình, liệu tình đôi lứa có còn thổn thức, có còn bay bổng?
Quan họ hát trong nhà thâu đêm - Không say mới lạ !!!
Theo lời kể của cụ Thỏa, liền anh làng Hoài Thị về những cuộc đi chơi quan họ từ những năm 30 - 40 của thế kỷ trước thì cũng vất vả quần quật chứ không thể hiểu theo nghĩa đi chơi thời bây giờ: "Bọn quan họ chúng tôi đi chơi là phải đi từ canh hai (khoảng 7- 8 giờ tối) khi công việc ở nhà đã xong. Đi bộ chứ làm gì có xe. Vì muốn có nhiều thời gian gặp các chị nên phải xuyên đồng, vượt sông. Cởi quần áo đội lên đầu mà bơi qua ngòi qua sông. Đến nơi thì lại khăn áo chỉnh tề, ô lục soạn, giày Gia Định hẳn hoi. Hát đến canh tư canh năm thì lại phải chia tay ra về, cho nên mới có câu "quan họ đi giăng về mờ". Đến sáng đã lại ra đồng đi cày như bình thường". Cái gì đã khiến các liền anh liền chị say mê chẳng quản khó khăn vất vả để đến với cuộc chơi như vậy? Tất cả cũng bởi một chữ tình.
HS Đỗ Dũng với đề tài Quan họ

Những người hát quan họ ở Bắc Ninh nói đến đôi vợ chồng anh B. và chị H. ai cũng biết. Trước khi hai người đến với nhau đều đã có một đời vợ, đời chồng rồi. Họ đến với nhau cũng chỉ vì quan họ. Anh chị đều là những người hát quan họ từ lâu, có thể gần được xếp vào hàng các nghệ nhân. Họ đã phá lề luật của quan họ lại còn phạm lề luật của đời, nhưng biết làm sao được khi chữ tình trong quan họ trở thành quá lớn đối với hai người. Và người quan họ cũng đến phải tha thứ cho họ bởi bây giờ họ đang có một cuộc sống gia đình hạnh phúc tràn đầy yêu thương. Anh ra tay tạo điều kiện học hành, dựng cơ nghiệp cho con riêng của chị. Chị bao dung thương quí con riêng của chồng. Sống với nhau bao nhiêu năm, anh B. chị H. vẫn là những người say quan họ nhất nhì tỉnh Bắc Ninh. Bất kỳ lúc nào anh chị cũng sẵn sàng vào canh quan họ chơi thâu đêm suốt sáng.
                                                                                                         DUNG DO .
--------------------------------
Rút từ Facebook Dung Do 

1 nhận xét:

  1. Em thấy có bài thơ hay hay của Vũ tuấn Anh:

    QUAN HỌ ƠI ĐỪNG...

    Em đừng mặc áo tứ thân
    Đừng khăn mỏ quạ, đừng gần người ta
    Đừng mượn câu hát, lời ca
    Mắt đừng lúng liếng ở xa thôi nào
    Má đừng át ánh hoa đào
    Anh về xin chớ ra chào chia tay
    Để anh chẳng bị đắm say
    Để anh không nhớ bàn tay ấm mềm
    Miếng trầu cánh phượng em têm
    Cất đi để giữ êm đềm lòng anh..

    Trả lờiXóa