Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

BÀI ĐĂNG KÝ IN SÁCH CỦA Blogger NGUYÊN NGỌC HÙNG (1)

Hành trình về thăm lại trường xưa 
Tình đất tình người

Đoàn GV và cựu HS QL về thăm trường 8/2008

Tác giả Nguyễn Ngọc Hùng
Một ngày hạ tuần tháng 8.2008, chúng tôi xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh lên đường thực hiện mục đích đặc biệt là thăm lại những mái trường mà cách nay hơn 50 năm, chúng tôi đã học nội trú ở đó. Có thể nói, nửa đầu tuổi thiếu niên nhi đồng của tôi đã trải qua trên đất nước Trung Hoa. Ký ức tuổi thơ của những năm tháng nhận thức đầu đời đã ghi đậm biết bao điều khó phai trong khuôn viên của những mái trường trên đất bạn hồi ấy.
Bản thân tôi đã trải qua 3 thời kỳ với 3 mái trường khác nhau:
Thời kỳ cuối năm 1953, sau khi đặt chân đến TQ, tôi cùng các bạn được đi tàu hỏa đến Lư Sơn và trải nghiệm những bài học đầu tiên- lớp 1, tại ngôi trường có tòa nhà 6 tầng trên vách núi.
Hết học kỳ 1 đầu tiên, tức là sang đầu năm 1954, toàn thể chúng tôi được chuyển xuống Quế Lâm, vì khí hậu Lư Sơn lạnh giá, băng tuyết phủ kín suốt mùa đông khiến học sinh Việt Nam bé nhỏ gặp nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt.
Cuối năm 1957, sau khi hòa bình trở lại, miền bắc hoàn toàn giải phóng, bên nước chủ trương chuyển toàn bộ học sinh ở Quế Lâm về nước học trong môi trường bình thường. Tôi mới xong học kỳ 1 lớp 4 được cùng các bạn đồng trang lứa chuyển xuống Khu học xá Nam Ninh để học nốt lớp cuối cấp 1 này. Chúng tôi cũng về nước vào tháng 6.1958- kết thúc 5 năm tuổi thơ trên đất nước Trung Hoa.

Lư Sơn kỳ vĩ - dấu ấn đầu đời
Không hiểu sao, với tôi, Lư Sơn lại sâu đậm hồi ức đến thế?
Có lẽ vì Lư sơn ngày ấy và bây giờ, sau 55 năm trở lại, cảnh vật không thay đổi bao nhiêu, khiến ký ức cứ ùa về như mới xa nhau ngày nào gần lắm.
Khi đến Lư Sơn năm 1953, tôi nhớ là vào mùa thu rồi. Việc đầu tiên là khai tên tuổi và trình độ học để xếp lớp. Tôi thấy nhiều bạn khai sinh năm 1944, thế là tôi cũng nói sinh năm 1944. Quả thực không biết mình sinh năm nào. Đến khi xuống Quế Lâm, tôi nhận được thư nhà, biết là mình sinh năm 1946. Tên nguyên là Nguyễn Ngọc Hùng, nhưng thấy có Đỗ Thế Hùng, nghe hay hay, tôi cũng khai tên là Nguyễn Thế Hùng. Cái tên ấy theo tôi suốt cả thời gian học ở Trung Quốc. Đến khi về nước, năm học 1957- 1958 mới chỉnh lại theo giấy khai sinh gốc. Rồi chuyện học. Tôi thực chưa từng đi học bao giờ. Trước khi đi TQ, tôi ở với mẹ tại Cao Vân, Đại Từ, Thái Nguyên, trong một căn nhà lá đơn độc nép dưới rừng nứa gần đường cái. Mới 7 tuổi, làm gì đã đi học đâu. Chỉ có một anh người Tày nhà gần đấy, đang học lớp 4, dạy cho viết chữ. Tôi còn chưa biết các dòng kẻ trên tờ giấy để làm gì, thế là cứ viết xiên viết xẹo. Chữ viết chưa rành. Chưa hề học làm tính. Vậy mà thấy nhiều bạn khai lớp 2, tôi cũng “lớp 2”. Tuy nhiên, chỉ sau một bài kiểm tra, tôi bị loại ngay xuống lớp 1. Quá may, vì không phải xuống hẳn vỡ lòng! Thế mà đã 55 năm rồi đấy!

Khi xe dừng lại trong thung lũng, chúng tôi nhận ngay ra tòa nhà 6 tầng vẫn y nguyên dáng vẻ bề ngoài của 55 năm trước trên lưng chừng núi. Có khác chăng là dường như rừng cây rậm rạp hơn. Đúng rồi, bởi khi chúng tôi học ở đây, dưới thung lũng còn có một khu đất trống làm sân vận động. Bây giờ, diện tích ấy đã biến thành vườn cây um tùm xen lẫn những bồn hoa rực rỡ. Rừng thông bao quanh tòa nhà dường như cũng ken dày và già dặn hơn xưa.
Có thể hình dung thung lũng trường Lư Sơn xưa như một cái dạ dày dài theo hướng đông- tây. Đường vào duy nhất ở hướng đông. Thung lũng chỉ dài chừng vài trăm mét thì thắt lại ở phía tây, rồi biến lên rừng núi đại ngàn bằng con đường nhỏ. Có lẽ khúc rộng nhất của thung lũng cũng chỉ chừng trăm mét.
Từ lòng thung lũng lên tòa nhà 6 tầng đếm được 82 bậc xi măng. Cứ khoảng 20 bậc lại một chiếu nghỉ rộng rãi, để lấy sức leo tiếp.
Đứng ở chiếu nghỉ trên cùng nhìn xuống khắp thung lũng hẹp, ký ức cứ thế ào về. Đối diện với nhà 6 tầng, hồi ấy nam sinh ngủ ở đó, là khu nhà nữ ở sườn núi bên kia thung lũng. Tôi chưa đến khu nhà nữ lần nào. Nhưng khu nhà ấy liền kề với khu bệnh xá mà tôi đã có dịp lưu lại vì bị sốt cao. Tôi còn nhớ khu nhà ấy cũng ở lưng chừng núi, phải leo lên với nhiều bậc thang, nhưng không cao như nhà 6 tầng bên này. Khu nhà bên ấy không phải chỉ có một tòa kiến trúc, mà gồm một vài kiến trúc ít tầng hơn và nhỏ hơn. Nối các kiến trúc ấy với nhau là dãy hành lang lợp ngói cổ, với những hàng cột sơn son như chốn cung đình. Một dòng suối uốn lượn theo chiều dài của thung lũng, chảy hướng đông- tây. Dòng cuối ấy bám vào chân dãy núi đối diện với khu nhà 6 tầng. Bởi thế, muốn sang khu nhà nữ và bệnh xá thì phải qua một cây cầu đá nhỏ uốn cong. Cây cầu ấy nay vẫn còn. Vẫn dáng vẻ cổ kính như trước, nhưng dường như hoang sơ hơn, vì đã có một cây cầu mới thay thế. Khu nhà 6 tầng và khu nhà nữ đối diện nhau đôi bên hai sườn núi ở cuối thung lũng- phía tây. Còn phía cực đông của thung lũng, bên phải con đường độc độc đạo dẫn vào, là “Đại lễ đường”- nơi tổ chức lễ hội của trường, nhưng công năng chính của kiến trúc này hồi ấy là nhà ăn. Cách đây 55 năm, mỗi ngày 3 lần, chúng tôi xếp hàng theo từng lớp đi từ khu nhà 6 tầng đến Đại lễ đường để dùng bữa. Tôi không thể quên những bữa ăn bình thường hằng ngày của chúng tôi hồi ấy cũng như bàn tiệc. 8 đứa một bàn, thịt cá đầy ắp. Cơm và bánh bao nhân thịt để ở các thùng gỗ lớn, tự do lấy bao nhiêu tùy thích. Đã có trường hợp bánh bao bị rút hết nhân, phần bột bị bỏ lại! Nghĩ lại mà ngậm ngùi, bởi thời ấy, người dân TQ vẫn thiếu đói khốn khó lắm.
Còn có một nhóm kiến trúc gồm 3 tòa nhà 2 tầng ở độ cao thấp hơn, cùng phía với tòa nhà 6 tầng và tạo thành một đường liên kết với Đại lễ đường. 3 tòa nhà này lợp ngói cổ với những đường nét kiến trúc mái như đình chùa. Nửa thế kỷ trước đây, tôi không chú ý lắm đến khu vực này, bởi đó là khu nhà hành chính của trường, nơi làm việc của ban giám hiệu và giáo viên.
Hồi chúng tôi học ở Lư Sơn, toàn bộ kiến trúc trong thung lũng này đều thuộc trường chúng tôi. Nay thì các khối kiến trúc hầu như không thêm, không bớt, không thay đổi dáng vẻ bên ngoài. Nhưng công năng của chúng đã thay đổi và không còn thuộc một chủ quản duy nhất nữa.
Tòa nhà 6 tầng và 3 nhà nối với Đại lễ đường nay đã thuộc quản lý của khách sạn Lư Sơn Đại Hạ. Tòa 6 tầng là khách sạn chính. Toàn bộ kiến trúc bên trong đã sửa đổi. Trước đây, khối 4 tầng phía trước của tòa nhà có một khoảng trống lớn như một “giếng trời” hình chữ nhật ở giữa. Mái của khu này bằng kính, khiến lúc nào trong lòng tòa nhà cũng sáng trưng. Các phòng ngủ của học sinh nam bám sát 4 bên tường nhà. Đứng ở lan can của “giếng trời” có thể nhìn thấu từ trên xuống nền tầng 1. Tôi còn nhớ hồi ấy, một lần đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc- Hoàn Văn Hoan đến thăm trường vào giờ nghỉ trưa. Học sinh đều phải ngủ trưa đúng nội quy. Nhưng chúng tôi nào có thể ngủ được trước “một sự kiện trong đại” cỡ ấy. Thế là đứa nào cũng chăn trùm kín, mắt nhắm nghiền mà vẫn ti hí để nhìn trộm “bác Hoan”. Tôi chưa quên dáng người cao to của vị khách quan trọng bữa ấy, với chiếc áo ban tô màu đen và cả mũ, khăn rất oai vệ.
Nay, toàn bộ bên trong tòa nhà đã biến thành các phòng ốc theo kiểu khách sạn. Có điều là tất cả đều cũ kỹ, khá sập xệ và kém tiện nghi. Gọi là khách sạn 3 sao, nhưng thực tình chỉ đáng một “nhà nghỉ công đoàn” thiếu đầu tư chăm chút.
Tôi vẫn nhận ra đường hầm bê tông bám dọc theo sườn núi bên phải tòa nhà. Đây là “đường ống” dẫn hơi nước từ một lò hơi đặt phía dưới gầm đường bậc thang, lên sưởi ấm cho toàn bộ tòa nhà về mùa đông. Tôi còn nhớ hồi ấy, tuyết không thể đọng lại trên hầm này và chúng tôi thường nằm chơi, sưởi ẩm trên hầm. Nay đường hầm vẫn còn, nhưng chắc đã hỏng và hoàn toàn không sử dụng nữa. Những lỗ thủng khá lớn thấy được bên sườn đường hầm và vẻ xưa cũ, rêu phong của nó như một cái xác già nua không thể gượng dậy.
Ngôi nhà liền kề là Restaurant của khách sạn và 2 tòa tiếp theo dường như là để trưng bày mỹ thuật và hàng lưu niệm. Bên ngoài các tòa nhà này có một số ki- ốt nhỏ bán trang phục, cấp hàm, sao mũ quân đội từ đời Tưởng giới Thạch tới đời Mao Trạch Đông. Có một người tự nhận là giống Tưởng Giới Thạch, mặc áo dài Trung Hoa thời cổ, để du khách chụp hình chung thì phải trả 10 tệ. Thực ra, ông này chỉ có mỗi bộ râu mép và cái đầu “đờ mi” trọc là bắt chước Tưởng Giới Thạch, còn chẳng có nét nào của dung nhan nhân vật đứng đầu Quốc Dân Đảng chống cộng hồi thập niên 40 của thế kỷ trước.
Đại lễ đường nay vẫn dáng vẻ bên ngoài như thế, nhưng công năng của nó đã đổi thay trọng đại hơn. Nơi đây hiện nay là một bảo tàng của Đảng CSTQ, lưu giữ những kỷ vật của một số đại hội đảng và hội nghị BCH TƯ thời MaoTrạch Đông. Tại tiền sảnh của bảo tàng này, xừng xững một pho tượng Mao vàng rực rỡ. Nghe nói khu nhà nữ trước đây nay cũng là một khách sạn du lịch và thuộc quyền quản lý của nhà bảo tàng này.
Toàn bộ thung lũng là một khu rừng lớn, cây cối mướt xanh. Các khối kiến trúc không phải nhỏ bé nhưng cũng trở nên quá khiêm tốn, e ấp thấp thoáng dưới tán cây rậm rì vút cao. Ban mai, khi mặt trời chưa ló lên khỏi đỉnh núi, tiếng ve đã râm ran rộn ràng, hòa cùng dòng suối rì rào và tiếng thông reo, tạo thành một bản nhạc thiên nhiên hiền hòa, ngất ngây, đầy mê hoặc.
Không gian hùng vĩ ấy, những kiến trúc cổ kính ấy, với một người nửa đời trở lại xiết bao thân thương, trìu mến; man mác ký ức xa xăm; tràn đầy cảm xúc hiện tại. Làm sao có thể không tức cảnh sinh lời, Lư Sơn ơi!
Chào trường xưa.
Lư Sơn trường của Ta ơi,
Năm nhăm năm mới có lời chào nhau.
Trải qua bao cuộc bể dâu,
Tình người thế núi đậm sâu vững bền.
(Tại KS Lư Sơn Đại Hạ, sáng 20.8.08)
Chương trình tham quan ở Lư Sơn thì nhiều lắm. Với một chương trình như thế, những người trẻ tuổi cũng chưa chắc đủ sức “hưởng” hết được. Vậy mà đoàn chúng tôi chỉ gồm toàn những cựu học sinh tuổi đã vượt quá lục tuần. Thày Toàn, cựu giáo viên thể dục của Quế Lâm, nay đã 76 tuổi. Bởi thế, nhiều điểm đến có trong chương trình đành phải bỏ. Tiếc nhất là không được trở lại khe núi cao mà hồi còn nhỏ chúng tôi đã đến. Từ trên khe núi cao dựng đứng nhìn xuống một đồng bằng mênh mông, có con sông Trường Giang như một dải lụa mờ ảo và những con tàu như đám lá tre trôi theo dòng nước.

Hồi ấy…
Thung lũng Lư Sơn dường như còn rậm rạp và hoang vu lắm. Nhưng nơi đây cũng đã là một khu vực nghỉ mát cao cấp của giai tầng thượng lưu Trung Hoa. Tòa nhà 6 tầng chúng tôi ở chính là trường quân sự cao cấp của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Bây giờ chúng tôi mới biết gần cửa ngõ của thung lũng còn có nhiều dinh thự, biệt thự sang trọng được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ trước, dành cho các nhân vật chóp bu của chế độ Quốc Dân Đảng; và sau này là “của nhân dân”, nhưng chỉ các lãnh tụ ĐCS và nhà nước Trung Quốc mới có quyền sử dụng. Khu dinh thự của Tưởng Giới Thạch vẫn còn và sau này là Mao Trạch Đông và Giang Thanh sử dụng. Có các biệt thự khác do chế độ mới xây dựng, như biệt thự Chu Đức, biệt thự Trần Nghị v.v… Chứng kiến tận mắt cuộc sống được coi là “vương giả” của các bậc đế vương hồi nửa đầu thế kỷ trước, mới thấy chẳng thấm vào đâu với những tiện nghi thượng đẳng ngày nay.
Tôi còn nhớ hồi học ở Lư Sơn, chúng tôi có lần được đi dã ngoại trên núi. Dường như theo đường nhỏ ở cuối thung lũng hẹp đi lên. Đường lên núi hồi ấy đã được xây dựng cho du khách thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú của Lư Sơn. Con đường bằng những bậc đá, nhỏ, hẹp với lối đi chỉ đủ 2 người né nhau. Lối đi uốn lượn theo sườn núi, len lỏi giữa rừng thông đại ngàn. Thỉnh thoảng lại có các “chiếu nghỉ” là một khu bằng phẳng chỉ chừng trăm mét vuông. Ở đó có một ngôi nhà bát giác, kiến trúc đình chùa, với những cột sơn son, không tường bao và những ghế ngồi đơn giản. Bao quanh nhà nghỉ ấy là một vài bồn hoa luôn rực rỡ sắc màu, có lối đi len lỏi và một vài chuồng thú nhỏ. Đi sâu vào một chút còn có cả rừng hạt dẻ và từng đàn sóc nhảy nhót lao xao…
Cảnh quan hùng vĩ nhất ở Lư Sơn mà chúng tôi đến được lần này là khe núi Cẩm Tú. Quả không hổ thẹn với thanh danh “cẩm tú”! Núi cao, vực sau, khe suối, rừng thông, thác đổ… Thỉnh thoảng những đám mây từ khe núi ào lên phủ kín cả núi rừng. Thiên nhiên thật là hùng vĩ, huyền ảo, kỳ thú và diệu huyền. Lòng người làm sao có thể không xốn xang trước một thiên nhiên mĩ miều đến như vậy!
Vịnh cảnh khe núi Cẩm Tú
Núi non hùng vĩ diệu kỳ,
Long lanh thác nước, xanh rì rừng thông.
Nắng vàng rực rỡ non sông,
Vực sâu, vách đứng, mênh mông đất trời.
Lư Sơn cảnh trí tuyệt vời,
Năm nhăm năm tái ngộ người ta yêu.
(Tại Lư Sơn Đại Lầu tối 21.8.08).

Sáng 22.8 chúng tôi rời Lư Sơn Đại Hạ đi về phương Nam. Ban giám đốc và nhiều nhân viên văn phòng của khách sạn xuống tận nơi xe đón dưới chân đường bậc thang để tiễn đoàn. Sau những lời từ biệt chân thành, những cái bắt tay tình nghĩa; đoàn chúng tôi đồng loạt hướng lên tòa nhà đầy ký ức năm xưa, giơ tay vẫy và nói những lời từ biệt: Tạm biệt Lư Sơn, tạm biệt Lư Sơn!
Đối với chúng tôi, đây có thể là lần cuối cùng trở lại ngôi trường xưa thân yêu này. Giây phút thật là lưu luyến, bịn rịn và xúc động lòng người. Nhiều khóe mắt luống tuổi đã rưng rưng trong giờ phút biệt ly ấy!
Xe xuôi theo con đường ngoằn ngoèo đổ dốc rời xa thung lũng Lư Sơn. Cảnh quan kỳ thú một lần nữa vun vút lùi xa khiến lòng người lâng lâng, buồn vui lẫn lộn. Nhưng cái đẹp tuyệt mĩ của vùng đất này thì không thể không tức cảnh thành thơ:
Vịnh cảnh đường lên Lư Sơn
Đường lên uốn khúc loanh quanh,
Tán cây rợp bóng, rừng xanh ngút ngàn.
Thông già thẳng đứng xếp hàng,
Vi la thấp thoáng, thôn làng khuất xa.
Suối reo hòa tiếng chim ca,
Nửa đời trở lại chan hòa buồn vui.
(Trên đường rời Lư Sơn, sáng 22.8.08).

"Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ" - Nặng nghĩa tình
Chúng tôi sống và học tập tại Trường Học sinh Việt Nam- Quế Lâm từ đầu năm 1954 đến hết năm 1957, ứng với lứa tuổi từ 8 đến 11 của tôi.
Trên đường trở lại trường Quế Lâm lần này, đoàn chúng tôi đều náo nức với biết bao kỷ niệm. Có lẽ tôi thuộc loại không nhớ nhiều hồi ức về thời gian sống ở Quế Lâm so với một số bạn trong đoàn. Họ kể vanh vách từng thày, từng cô; từ ai là hiệu trưởng đến ai là y tá... Trong khi tôi chỉ nhớ một vài người như thày Quán chủ nhiệm, cô Hương bảo mẫu của lớp mình. (Hồi ấy, chúng tôi còn bé lắm, phải có cô bảo mẫu để lo chuyện tắm, giặt nữa). Rồi thày Mộng Lân dạy hát, thày Toàn dạy thể dục. (Thày Toàn cũng là thành viên trong đoàn trở lại trường xưa của chúng tôi). Về người Trung Quốc, tôi chỉ nhớ rất ít như bác sĩ Đặng nổi tiếng trong vụ cứu sống “Tá chết đuối” và chạy chữa cho “Linh chột mắt”. Rồi y tá Khoa mà con mắt tuổi thơ của tôi đã thấy là một phụ nữ rất đẹp. Ban giám hiệu thì tôi chẳng nhớ một ai, ngoài Bác Cáp là hiệu trưởng đầu tiên mà sau này mới biết là người đã đón Nguyễn Ái Quốc từ TQ về nước năm 1941. Có lẽ nguyên nhân của “sự tậm tịt” này không phải do tôi chóng quên, mà vì thời gian ấy, tôi khá nhu mì, ít tiếp xúc, đặc biệt là với các giáo viên và cán bộ của trường.
Hồi ấy, tôi có biệt danh là “Hùng Híp”, vì mắt một mí, hễ cười là híp tịt lại. Tôi vốn nhút nhát, chỉ nghịch ngầm một mình hoặc a dua theo chúng bạn trong những trò trẻ con; chứ không dám tham gia những trò quậy phá của đám “học sinh cá biệt”. Bạn bè gần gũi với tôi đều là số ngoan và hiền lành. Đó là: Nguyễn Hồng Châu (HSMN, đến trường năm 1956. Hồi cuối thập niên sáu mươi, gặp lại bất ngờ khi tôi sơ tán tại một làng quê Hải Dương, còn Châu là sinh viên nông nghiệp thực tập đưa máy cày về đồng trũng. Cuối những năm tám mươi, Châu đã là một giám đốc công ty HAMACO của Hà Nội, giàu có lắm). TôThành Công- con ông Tô Quang Đẩu. Sau khi về nước, Công chết bệnh hồi những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Tô Kiến Xương, nhà ở phố Bảo Khánh, gần Hồ Gươm, Hà Nội. Xương ẻo lả như con gái. Tôi nhớ hai đứa “liên danh” với nhau trong một bức ảnh chung hồi lớp 2, đầu trọc lốc! Hồi cuối những năm tám mươi, tôi gặp lại Xương khi ấy là phó giám đốc Nhà máy cơ khí Hà Nội (tên đầu tiên là “Cơ khí Trung Quy Mô”, ở khu công nghiệp Thượng Đình). Hồ Sĩ Hậu- em ruột của Hồ Sĩ Tá (Tá “chết đuối”) mà từ sau khi về nước năm 1957 đến nay tôi chưa gặp lại. Nghe nói anh này hiện đeo lon thiếu tướng, cục trưởng một cục gì đó của Tổng cục Kinh tế Quân đội. Vũ Như Phượng, một nhân vật “nổi tiếng” với biệt danh “Phượng Rỗ”. Phượng không nổi tiếng bởi nghịch ngợm , cũng không tài ba gì. Nhưng “thằng” này rất có duyên kết quen thân. Nó quen rất nhiều người trong trường, cả lớn, cả bé, cả trong và ngoài lớp, cả thày, cô nữa. Ai cũng quý Phượng.
Trong số HSMN nhập trường và lớp chúng tôi năm 1956, có một số bạn tôi vẫn nhớ khá rõ.
Nguyễn Tường, con tướng Nguyễn Chánh, có nước da mai mái, cái đầu tròn thu lu và cái mũi cà chua mọng. Hồi lớp 3, học bài hát “Đội ca Thiếu niên tiền phong” khi Đội mới đổi tên từ “Thiếu nhi tháng 8”, Tường chưa được kết nạp vào Đội. Nhưng hôm kiểm tra bài hát, Tường lên bục, hiên ngang chắp tay sau lưng, mặt nghênh nghênh rất nghiêm trang và cất tiếng hát rất hào sảng: “Ta giương cao cờ Đội, cờ Tiền phong thiếu niên. Ta đắp xây muôn lòng kết liên lại vững bền…”. Nghe nói, trong chiến tranh chống Mỹ, Tường là một cấp chỉ huy cỡ tiểu đoàn của Phòng không.
Một cậu tên là Kỳ, rất hiền lành. Một số bạn trêu chọc kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”, Kỳ thường né tránh và nói “không thích dởn (dỡn) đâu”. Thế là anh bạn có biệt danh “Kỳ Dởn”. Hồi đầu thập niên chín mươi, tôi vào công tác ở Tp HCM thì gặp Kỳ “dởn” trong một cuộc họp của Bộ Ngoại thương. Anh ta là vụ phó đại diện phía Nam. Nhưng dường như Kỳ cố tình tỏ ra “không quen” tôi.
Trong số “học sinh cá biệt” của lớp, nổi tiếng nhất là Ngô Gia Hồi, con ông Ngô Gia Khảm. Hồi dường như hơn chúng tôi đến vài tuổi, lanh lẹ, lọc lõi đủ chuyện. Hồi công khai tỏ ra rất tôn sùng Hit- le. Cậu ta dùng đồng phục “bốn túi” sơn hắc ín lên, trông như áo da của phát xít. Rồi làm nẹp tre độn vào trong mũ vải, biến thành mũ kê pi. Hồi cắt bìa làm quân hàm, huân chương “chữ thập” và lấy bột mì nặn hình chim đại bàng- biểu tượng của Quốc Xã… Hồi thường mặc bộ “quân phục phát xít” ấy mà đe nẹt bạn bè; thậm chí bắt nộp hoa quả và kẹo bánh được phát… Hồi đầu têu nhiều trò nghịch ngợm mạo hiểm khiến cả thày giáo và nhà trường phiền lòng. Ví dụ tụ tập trốn lên núi Mắt Cú nhiều ngày, bỏ học, bắt chước sống như thổ phỉ… Nhưng Hồi có biệt tài rất lạ. Chơi cờ Tướng với nó thì khó ai thắng nổi. Chơi cờ Quân sự với Hồi chỉ có thua, bởi đầu ngón tay của nó có thể “nhận biết” hình vẽ các quân cờ của đối thủ, mặc dù không được nhìn bằng mắt… Hồi cuối cấp 2, khi đã về nước, tôi có gặp Hồi tại Gia Lâm và có đến chơi với nó tại khu tập thể Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mà bác Khảm làm giám đốc. Vài năm trước, gặp lại Hồi cùng nhiều bạn khác đồng môn tại Hà Nội. Vẫn cái dáng nghênh nghênh thuở nào. Vẫn có vẻ sống phóng túng lắm. Hồi nói là sắp nghỉ hưu với quân hàm trung tá và lương thượng tá quân đội, vì không có chức vụ chỉ huy…
Con gái thì tôi chỉ nhớ mỗi Chu Hạnh Phúc. Nhớ vì khi mới nhập vào lớp, (Phúc sang Quế Lâm sau khi chúng tôi từ Lư Sơn xuống), Phúc bé tí xíu và rất hay khóc nhè. Nó khóc vì nhớ nhà và bỏ cơm nhiều bữa, khiến thày Quán, cô Hương phải dỗ dành; trông mà “ghét”! Mấy năm nay gặp lại Phúc trong số bạn đồng môn sống tại Tp HCM. Cũng đã “6X” và lên bà rồi mà Phúc vẫn có dáng vẻ “mi nhon” lắm…Ngoài ra còn một vài cái tên với những ký ức mờ nhạt khác: Lê Nghiêm Trang, Khổng Thị Hạc, Cao Thị Nguyệt (HSMN)…

Ký ức về khu trường thì không tệ lắm.
Rõ nét nhất là khu vực của trường nằm kế chân một dãy núi phía sau. Núi Mắt Cú (do bọn nhỏ chúng tôi tự đặt tên, vì thế núi giống như một con cú đứng im. Đôi mắt cú là hai cái hốc kề nhau sát trên đỉnh) xừng xững đơn độc phía bên phải khu trường, ngay sau nhà bếp tập thể của khối lớp chúng tôi. Đằng sau núi Măt cú là dòng Ly Giang, nơi chúng tôi thường được bảo mẫu dẫn ra tắm tập thể vào mùa hè. Tôi biết bơi từ con sông ấy. Bao quanh trường là một bức tường đá khá cao và dày. Cổng vào trường có vọng gác của các chú Giải phóng quân Trung Quốc. Giữa khu trường là một sân vận động đủ kích thước một sân bóng đá. Tại đây, chúng tôi đã tập trung để nghe truyền thanh trực tiếp cuộc mít tinh biễu binh lớn ngày 01.01.1955, khi Bác Hồ và trung ương Đảng ra mắt nhân dân Hà Nội sau ngày hoàn toàn giải phóng. (Nhưng do kỹ thuật phát thanh hồi đó kém quá, nên chỉ nghe toàn tiếng nhiễu ồn ào). Nhà Hiệu Bộ hai tầng bên cạnh một cái hồ khá lớn. Phía  sau những dãy nhà ở và lớp học là một cái hồ lớn hơn, nơi chúng tôi thỉnh thoảng được “du ngoạn” bằng thuyền với sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và cô bảo mẫu. Gần chân dãy núi phía sau là một nhà trệt nhỏ dùng làm bệnh xá cho các trường hợp khá nặng hoặc cần cách ly. Chúng tôi gọi nhà này là “Côn Đảo” vì nó biệt lập và khá hoang vu.
Hồi ấy, trường chúng tôi là một khu hoàn toàn biệt lập và cách khá xa làng mạc của người TQ. Từ trường ra thành phố Quế Lâm cũng không gần. Thỉnh thoảng, chúng tôi được đi tập thể ra Quế Lâm chơi. Phải đi bằng xe tải trên một con đường nhỏ băng qua một cánh đồng…
Vậy mà chiều ngày 18.8, khi thực hiện chương trình thăm trường Cao đẳng Sư phạm Chuyên khoa Quảng Tây đóng trên địa điểm trường cũ của mình, (giờ mới biết nơi ấy thuộc thôn Giáp Sơn- đúng là một làng “kề bên núi”), chúng tôi không khỏi hồi hộp, ngỡ ngàng, vì xe chạy trên một con đường dáng dấp ngoại ô thành phố, với những nhà cửa nối tiếp đôi bên, mãi không thấy “cánh đồng” đâu cả. Một ngọn núi đơn độc xuất hiện bên phải đường. Tôi ngờ ngợ. Rồi một cổng trường hiện ra. Tôi kêu lên: “Đến trường chúng ta rồi”! Thực ra, không có cảnh quan nào để nhận ra dung nhan xưa kia của trường. Tôi chỉ cảm nhận bởi thấy cổng trường đã mở sẵn. Xa bên trong có mấy người lố nhố như đứng đợi và kề đấy có một tấm pa- nô nền đỏ, chữ Việt Nam màu vàng nổi bật. Cảm nhận của tôi được xác định khi xe chạy thẳng qua cổng và chúng tôi đã đọc được nội dung tấm pa- nô: “Nhiệt liệt chào mừng đoàn cựu học sinh Việt Nam đến thăm trường chúng tôi”. Một vài giới chức của trường Cao đẳng sư phạm nồng nhiệt và thân tình đón chúng tôi xuống xe. Sau một vài động tác xã giao ngắn ngủi, chúng tôi bị hút ngay vào tìm lại những cảnh quan của khu trường. Rõ nhất là dãy núi phía sau trường vẫn còn đó với màu xanh lam của cây cỏ lúp súp như xưa. Một vệt đá trắng bạc chạy dọc trên vách núi gợi nhớ hồi xưa chúng tôi thường trèo lên đấy rồi liều mạng tuột xuống theo vệt đá ấy. Tôi đã có lần trèo lên đến đỉnh núi, không cao lắm, nhìn sang phía bên kia là cánh đồng và làng mạc.
Mọi người nhận ra ngay nhà hiệu bộ vẫn nguyên dáng vẻ và màu vôi vàng sẫm như xưa. Tòa nhà hai tầng ấy nay e ấp dưới những bóng cây lớn và thật khiêm nhường khi ngay gần đó là một khối kiến trúc mới đang sắp hoàn thành. Cái hồ vẫn còn đó. Phía trong còn có một tòa nhà 2 tầng nữa y nguyên kiến trúc xưa. Có người trong đoàn nhận ra đó là nhà mà lớp của họ đã ở. Sân vận động đã biến mất. Thay vào đó là một kiến trúc nhiều tầng khá hoành tráng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dường như đó là khu nhà văn phòng và giảng đường lớn của trường hiện nay. Nhìn một vài kiến trúc cũ với kiểu dáng cổ lỗ đứng e ấp bên những khối nhà “vuông thành sắc cạnh”, toàn kính sáng choang mới xây dựng sau này hoặc đang trong thời kỳ hoàn thiện, thấy kệch cỡm làm sao!
Đại diện ban giám hiệu của trường Cao đẳng Sư phạm hiện nay giải thích rằng họ cố tình giữ lại một số kiến trúc cũ, nhằm tạo điều kiện cho các cựu học sinh Việt Nam dễ nhận ra mỗi khi trở lại thăm trường. Xin thàh thật cám ơn ý tưởng đầy tính nhân văn ấy.
Mấy đứa cùng lớp “bé” chúng tôi cứ thắc mắc vì không thấy núi Mắt Cú đâu cả. Sau một lúc bàn tính định hướng, chúng tôi đi vòng ra phía sau khối kiến trúc mới, rồi tới sau nhà hiệu bộ cũ, thì phát hiện núi Mắt Cú bị khuất sau những kiến trúc của một khu khác, bên kia bức tường ngăn cách. Thì ra, khu trường cũ của chúng tôi nay đã ngăn làm hai khu riêng biệt. Chúng tôi đang đứng ở khu văn phòng và giảng đường. Còn bên kia bức tường ngăn cách, nơi có núi Mắt Cú, là khu ký túc xá sinh viên. Chúng tôi phải đi ra cổng trường, vòng sang một cái cổng khác, vào khu ký túc xá. Và núi Mắt Cú hiện ra với đầy đủ dáng vẻ ngày nào trước mắt chúng tôi. Tôi đã ghi hình được ngọn núi ấy ở một góc khá thuận lợi. Hồi ấy, chúng tôi rất thường trèo lên núi Mắt Cú. Có một cái hang rất rộng và sâu ở lưng chừng núi mà chúng tôi thường chui vào đó nghịch ngợm. Đã từng có một nhóm “quậy” ở lớp tôi, do Ngôi Gia Hồi cầm đầu, rủ nhau bỏ học trốn lên hang ấy làm “thổ phỉ” nhiều ngày. Ban đêm, chúng lén về nhà bếp tập thể ngay chân núi để lấy trộm thực phẩm tươi, mang lên hang nướng ăn đúng như thổ phỉ thật. Chúng tôi còn lên núi nhổ kiệu hoang về muối dưa ăn. Kiệu mọc thành từng đám, nhiều lắm. Lại có đứa biết cách làm thạch bằng một loại lá cây gọi là “tiết dê”. Thế là cả bọn lên núi hái từng bó lá về, vò nát, lọc lấy nước, đựng trong chậu rửa mặt, để dưới gầm giường qua đêm. Sáng ra, mỗi đứa một chậu thạch đen đầy. Chỉ tội không có nhiều đường để ăn. Làm thì nhiều, mà đổ đi là chính.
Mấy chị cùng lớp còn vào sâu trong khu ký túc xá, (khi tôi bận quay phim, chụp ảnh) và đã tìm thấy cái hồ lớn vẫn chưa bị lấp.

Hồ này cũng nhiều kỷ niệm lắm. Nổi tiếng nhất là vụ Hồ Sĩ Tá “chết đuối”. Anh em Tá- Hậu (Hồ Sĩ Hậu) cùng lớp với tôi, nên tôi nhớ “vụ này” rõ lắm. Hôm ấy, lớp tôi được đi thuyền trên hồ. Có hai loại thuyền: Tập thể và 4 người. Thày Quán nói đứa nào biết bơi mới được đi thuyền “4”. Còn lại phải lên thuyền tập thể, lớn hơn và an toàn hơn. Tá nói phét là biết bơi để được lên thuyền “4”. Tuy vậy cũng chẳng có chuyện gì xảy ra khi thuyền di chuyển trên mặt hồ. Nhưng đến khi học sinh lên bờ hết, điểm danh thì thày Quán không thấy Tá. Tội nghiệp thày giáo chủ nhiệm và cả cô Hương bảo mẫu, khi ấy “mặt không còn giọt máu”. Chúng tôi thì cứ ngây ra trong khi thày Quán và cô Hương không giấu nổi sự luống cuống tột độ. Thày hỏi dồn dập xem có em nào trông thấy Tá đâu không? Mãi rồi mới có một đứa ấp úng nói: “Hình như có một cái quần đen chìm xuống chỗ này”. Nó chỉ xuống chỗ nước chỉ cách bờ hồ vài mét. Nước hồ đục lắm, làm sao trông thấy dưới đáy được. Thày hỏi dồn như quát: “Chắc không? Đúng có thấy người chìm xuống không”? Đứa bạn phát hoảng, không dám chắc lời mình vừa nói. Tuy vậy, thày Quán cũng lập tức nhảy xuống chố nước ấy. Ai cũng nghĩ nó nông lắm, vì ngay sát bờ. Vậy mà thày Quán mất tăm sau khi nhảy xuống. Rồi thày ngoi lên, lấy hơi. Lại lặn xuống lần nữa. Mọi người hồi hộp, lo âu chăm chăm nhìn xuống chỗ nước đục ngầu. Và thầy Quán lại ngoi lên, trên tay là thằng Tá đã “chết” lịm! Thầy lập tức đưa nó lên bờ, dốc ngược đầu xuống, giơ cao hai cổ chân nó và nhảy, nhảy để nó ộc nước ra. Vô ích. Toàn thân Tá tím tái. Nó không ộc nước trong bụng ra được. Thày Quán cõng Tá trong tư thế lộn đầu xuống dưới và chạy một mạch ra trạm xá- “Côn Đảo”. Ở đó, bác sĩ Đặng tiếp nhận cái xác thằng Tá và nỗ lực hết mình để nó sống lại.
Câu chuyện bác sĩ Đặng đưa thằng Tá trở về từ cõi chết không học sinh nào của Quế Lâm thời ấy không biết, mặc dù chỉ được nghe kể lại, vì Tá chịu chế độ chăm sóc đặc biệt suốt ngày đêm, không ai được tiếp cận ngoài bác sĩ Đặng và các trợ lý của bà. Việc Tá không thể tự ộc nước trong bụng ra khiến nó gần như đã chết lâm sàng. Chỉ còn tim thoi thóp đập. Bác sĩ Đặng đã tự mình dùng miệng hút nước trong bụng nó ra; hút cả bùn đất đầy trong mũi, trong miệng nó. Với hoàn cảnh thời ấy, phương tiện, thuốc thang vô cùng thua kém bây giờ, có thể nói nếu không có bác sĩ Đặng, với trái tim nhân hậu và tình thương bao la của bà, thì Tá không thể nào sống lại. Trước đó, chính thày Quán là người không quản gian nan, ngụp lặn tới 2 lần dưới làn nước đục ngầu để mò cho được Tá lên. Đó là hai người đã tái sinh thằng Tá.
Trở lại nguyên nhân cái “chết” của Tá. Thày Quán nói Tá bị thụt xuống một cái hố rất sâu ngay gần bờ. Mấy đứa khác cùng ngồi thuyền với Tá cũng rời khỏi thuyền lên bờ với nó, nhưng chỉ mình Tá thụt đúng hố sâu. Hố ấy là do người ta đào lấy đất đắp lên bờ khi hồ cạn vào mùa đông. Mùa hè, nước đầy hồ, không ai biết sát bờ lại có hố sâu như thế. Bởi vậy, không ai trách “cái tội” của Tá không biết bơi lại ra vẻ, nhận xằng để được đi thuyền “4”. Chỉ có điều không ai lý giải được tại sao khi bị thụt chân xuống hố, ngay trước mắt mọi người cùng lớp, mà Tá không hề quẫy đạp, không hề tri hô? Nó lặng lẽ chìm xuống để chỉ có một đứa (tôi không nhớ là ai) trông thấy “hình như có cái quần đùi đen chìm xuống”?
Bác sĩ Đặng còn cứu thằng “Linh chột” cũng của lớp tôi. Linh ném nhau với đứa nào đó, cũng ở ven cái hồ nói trên. Mùa đông, hồ cạn khô. Dùng đất ném nhau là trò nghịch dại dột mà bọn tôi hay làm. Linh chẳng may bị một hòn đất trúng mắt, khiến con ngươi lòi ra. Sau đó, nó được đưa đi chữa trị. Chúng tôi nghe kể lại: Khi con mắt bị khoét bỏ, mắt giả lắp vào không đung đưa được, trông rất “dại”. Bác sĩ Đặng, vốn có thân hình tròn vo, đã chấp nhận cắt một phần mỡ bụng của mình “lắp” vào hốc mắt Linh, để con mắt giả có độ trơn trượt mà đung đưa được. Chẳng biết đó chỉ là một “huyền thoại” hay chuyện thật nữa? Hồi ấy, tất cả chúng tôi đều coi bác sĩ Đặng như một thần tượng của “tinh thần quốc tế vô sản cao cả”. Còn cho đến bây giờ, chúng tôi không thể không tri ân tấm lòng nhân ái bao la của bà bác sĩ Trung Quốc ấy.

Về học hành, chúng tôi được học một chương trình hoàn toàn Việt Nam, với thày Việt Nam, sách giáo khoa tiếng Việt, hình như do chính trường tự in ronéo. Tôi thậm chí còn nhớ một vài bài học thuộc lòng lớp 2, lớp 3 gì đó. Như:
Cháu ơi sắp gánh đi/ Kẻo trưa rồi cháu nhé/ Ông nhìn cháu nhớ hồi còn bé/ Mẹ bán hoa ngóng mẹ suốt ngày/ Cháu đi một gánh hoa đầy/ Cháu về có đủ vải dày, gạo thơm/ Tết này nở trắng nồi cơm/ Áo hoa cháu với hoa vườn sáng tươi/ Tết này cái tết bảy mươi/ Lần đầu cùng với hoa cười đón xuân.
Và: Trên bãi cỏ xanh/ Gió chiều lộng mát/ Trên lưng bò em hát/ Những bài ca hòa bình…
Chúng tôi được học toàn diện lắm, cả thể dục, họa và nhạc nữa. Ngay từ hồi cấp 1 ấy, tôi đã có được kiến thức cơ bản đầu tiên về ký- xướng âm của thanh nhạc. Thày Mộng Lân rất tươi trẻ (có lẽ hồi ấy, nhạc sĩ Mộng Lân chỉ mới trên dưới 20 tuổi) và vui nhộn trong các giờ dạy hát. Tôi còn nhớ thày trắng trẻo như con gái và thường có những động tác nhí nhảnh, giả bộ dỗi hờn khiến chúng tôi cười bò lăn ra. Giờ học hát thật thú vị và thoải mái. Tôi nhớ khá nhiều bài hát đã học thời ấy. Những bài hát thiếu nhi, trong đó có không ít do chính thày Mộng Lân sáng tác. Ví dụ như bài: Lớp chúng mình/ rất rất vui/ anh em ta chan hòa tình thân… Hoặc: Đôi bàn tay trong trắng này ai mà không thấy yêu/ Đôi bàn tay trong trắng này, gớm khen ai giữ tài/… Những bài hát thiếu nhi Trung Quốc, trong đó nhớ nhất là bài Đi trại hè: Qua núi xanh qua bao đồng lúa vàng/ Cùng nhau vui ra đi, đi tới nơi tưng bừng…  Chúng tôi còn biết nhiều bài trong nước hồi đó, cả những bài ca kháng chiến và những ca khúc mới hòa bình. Nhiều bài hát Liên Xô, Trung Quốc,Triều Tiên… cũng được chúng tôi học thuộc. Bản thân tôi tự làm một tập bài hát chép tay, đủ cả nhạc, lời và đầu bài đều được trang trí đẹp đẽ. Tiếc là không còn giữ được những kỷ vật này.
Khối lớp cấp 1 của chúng tôi hồi ấy không được học thêm tiếng Trung Quốc, nên bây giờ tôi không thể tự giao tiếp được. Đúng là đã đi nhiều nơi trên thế giới, khi dùng tiếng Anh, lúc dùng tiếng Arab và cả tiếng Nga nữa; nhưng đến Trung Quốc thì chịu chết cứng! Chỉ biết  “Chicơ tôxẻo xẻn”; “ủa mấydẩu xẻn”… cùng cách đếm số TQ và cách gọi đồng (khoai), hào (mảo)… để mua phở, mua kem mỗi khi được ra phố Quế Lâm chơi. Phố xá Quế Lâm hồi ấy nhỏ bé và cũ kỹ lắm. Chúng tôi cũng chỉ đi biết một khu buôn bán nhỏ hẹp của thành phố mà thôi. Mỗi lần như thế, mỗi đứa được phát ba hào. Tôi cứ ăn phở thịt lợn (xá xíu) hết hai hào rưỡi. Còn năm xu thì một cây kem.

Thành phố Quế Lâm ngày này đã phát triển gấp rất nhiều lần nửa thế kỷ trước đây, cả về quy mô và chất lượng kiến trúc. Quế Lâm đã trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước Trung Quốc. Nổi tiếng bởi phong cảnh sơn thủy hữu tình. Hàng ngàn ngọn núi đá vôi lô nhô đúng tầm cỡ một Vịnh Hạ Long trên cạn. Đặc biệt sông Ly Giang như một dải lụa xanh luồn qua các rặng núi. Ở một  khúc sông chảy qua thành phố còn có ngọn núi hình thù như đầu con voi khổng lồ thả vòi hút nước sông Ly. Núi lại soi bóng xuống dòng nước trong xanh, tạo một thiên đường trên địa giới.  

Còn mãi một tấm lòng 
Tại Quế Lâm, chúng tôi đến thăm trưòng Đại học Sư phạm Quảng Tây. Nơi đây từng là “Trường 2 tháng 9” của học sinh Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Trong khuôn viên trường này có một khu đài lưu niệm của các cựu học sinh Việt Nam tại Quế Lâm thời chiến tranh. Có một tượng đài được xây dựng tạo dáng một quyển sách mở ra, dựng trên thảm cỏ. “Trang” bên trái là một “tờ giấy”, có một khối phù điêu hình một cái nón, một cái túi dết và một cái bi đông- tượng trưng cho hành trang nghèo nàn và đơn sơ của một học sinh Việt Nam khi mới đặt chân lên đất nước Trung Quốc. Bên dưới khối phù điêu ấy là dòng chữ bằng hai thứ tiếng Trung- Việt: “Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Việt muôn năm”

Ở Quế Lâm một kỷ niệm khó quên là cuộc gặp gỡ thân tình giữa đoàn chúng tôi với các đại diện của Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, bởi nơi này được coi là “đại diện” cho các trường Việt Nam ở Quế Lâm thời Việt Nam kháng chiến. Đoàn chúng tôi đã tặng trường này một tấm ảnh kỷ niệm trong buổi tiếp đơn sơ và ấm áp mà các vị đại diện của trường dành cho chúng tôi. Ở hành lang khu văn phòng của trường, có một “góc” dành cho những hình ảnh lưu niệm của các cựu học sinh Việt Nam thời chiến tranh. Một số người trong đoàn chúng tôi đã nhận ra mình trong những tấm hình “quàng khăn đỏ” cách nay hơn nửa thế kỷ.
Còn việc tiếp đón của Trường Cao đẳng Sư Phạm Quế Lâm thì đúng là dành cho những người thân lâu ngày mới gặp lại. Trước chúng tôi, đã có một số nhóm trở lại thăm trường với hình thức du lịch như thế này. May mắn là có sự liên hệ trước, với “trung gian” là chị Niệm- một cán bộ chuyên về Việt Nam của trường. Khi đoàn chúng tôi đến, đã thấy ngay khẩu hiệu chào mừng. Trong buổi tiếp tại văn phòng của trường, chúng tôi đã cùng hát bài “Ca ngợi Tổ quốc”, khiến các bạn Trung Quốc rất phấn khích và hát theo. Khách hát tiếng Việt, chủ hát tiếng Trung, hòa vào nhau như một bản hòa tấu của tình cảm giữa những người thân. Chúng tôi cũng tặng trường một tấm ảnh kỷ niệm. Đại diện trường đã chiêu đãi chúng tôi một bữa tiệc thịnh soạn tại một nhà hàng “xịn” của Quế Lâm.
Trước đó, chúng tôi còn tổ chức một bữa tối thân mật mời một số cựu giáo viên của trường tới dự. Đáng tiếc là, vì tuổi cao, sức yếu và hoàn cảnh cá nhân, chỉ có 1 cô và 2 thày đến được. Họ thảy đều đã trên bảy mươi tuổi. Có người trên tám mươi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Những tấm hình lưu niệm chụp chung. Những mái đầu muối tiêu của “trò cũ” bên mái tóc bạc phơ của “cô xưa”, thật là cảm động! Trong bữa cơm thân tình, chúng tôi cùng hát lại những ca khúc Trung Quốc ngày nào. Chắc chắn những lời ca, điệu hát ấy gợi lại nhiều cảm xúc đối với những bậc cao niên Trung Quốc hôm nay, bởi có khi chính họ cũng đã rất lâu không được nghe những giai điệu của một thời xa xôi ấy.

Ở Lư Sơn, do không có liên hệ trước, nên những người đương nhiệm của Lư Sơn Đại Lầu và Nhà Lưu niệm Đảng CS TQ bất ngờ khi đoàn chúng tôi xin gặp và trao tặng phẩm lưu niệm. Nhưng khi nghe chuyện của đoàn chúng tôi, họ đều ngạc nhiên thú vị và ngưỡng mộ. Chúng tôi đều được mời ký tên vào sổ vàng của  Nhà Lưu niệm và chụp hình chung với ban lãnh đạo hiện thời. Đặc biệt, giám đốc KS Lư Sơn Đại Hạ tỏ lời xin lỗi vì không biết trước danh phận của đoàn để có những ưu đãi riêng. Tuy vậy, ông này cũng đã tặng đoàn chúng tôi vài món ăn “đặc biệt” của Lư Sơn trong một bữa ăn tối. Khi đoàn rời KS, ban giám đốc cùng nhiều nhân viên văn phòng đã tiễn chúng tôi trước khi lên ô tô. Họ thật sự xúc động khi thấy những “cựu học sinh Việt Nam” đáng tuổi cha mẹ của họ cùng hướng lên Lư Sơn Đại Hạ, tay vẫy, miệng đồng thanh “tạm biệt Lư Sơn, tạm biệt Lư Sơn”. Hình ảnh và những âm thanh ấy dường như đọng mãi, vang mãi ở khúc kết của băng hình mà tôi ghi lại cho toàn chuyến đi đáng nhớ này.

Thay lời kết
Chị Minh Phụng - học cùng khối lớp với tôi trước đây (mà tôi hoàn toàn không nhớ), lần ấy được trao trọng trách “đoàn trưởng” của chúng tôi, có một bà mẹ nuôi tại Quế Lâm. Mối tình mẹ - con này có từ hơn 50 năm trước, mà tôi đâu biết. Khi Phụng mời tôi cùng mấy chị bạn đi gặp “mẹ nuôi”, tôi mới tận mắt thấy mối tình kỳ lạ ấy. Mẹ nuôi của Phụng nguyên là y tá của trường Quế Lâm. Hơn 50 năm không gặp nhau, nhưng họ vẫn thường thư từ qua lại. Bà mẹ không biết tiếng Việt. Cô con nuôi không biết tiếng TQ. Vậy mà họ vẫn “mẹ con” từng ấy năm được thì đúng là lạ lùng! Nhờ chị Niệm bố trí trước, mẹ con họ gặp nhau cứ như mẹ con thật. Phụng gọi “mẹ” từ xa, khi mới nhận ra bà già TQ. Họ ôm nhau nước mắt lưng tròng, mừng mừng tủi tủi, chẳng khác gì mẹ con ruột lạc nhau hơn nửa thế kỷ mới găp lại! Chị Phụng hơn sáu mươi tuổi rồi mà cũng phụng phịu làm nũng như bé gái lên mười. Bà mẹ ôm đầu con gái, vuốt ve, nựng má như với đứa con nít chưa rời bầu sữa. Phụng quả là một trường hợp hạnh phúc rất cá biệt, vì có mẹ trong những năm tháng ấy; trong khi chúng tôi, tất cả đều như những đứa bé được nuôi dạy ở một trại trẻ mồ côi đặc biệt- Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm./.

Tp Hồ Chí Minh, ngày 06.9.2008.
NGUYỄN NGỌC HÙNG

2 nhận xét:

  1. Một bài " Ngược dòng ký ức" được viết công phu, "ngập tràn" những kỷ niệm về trường LSQL, về thày cô, về bạn.
    Tuy đã trên 1/2 thế kỷ mà bạn Hùng kể lại khá chi tiết. Tôi rất thích những đoạn thơ "cảm tác" trong bài viết của bạn.
    Cảm ơn bạn NN.Hùng đã nhiệt tình tham gia và gửi bài cho BBT cuốn sách của K5 sắp xuất bản.

    Trả lờiXóa
  2. Trong quá trình đọc trước các bài viết của các tác giả, chúng tôi nhận thấy có 1 vài sự kiện (nhỏ), một vài tên người hoặc thời gian, địa điểm ...có sự khác biệt. Tuy nhiên, vì là hồi ký ghi lại các diễn biến đã cách nay hơn nửa thế kỷ, lại theo cảm nhận và trí nhớ của 1 cậu bé, cô bé trên dười 10 tuổi. âu cũng là chuyện thường tình, đôi khi lại ...đáng yêu ! Chẳng hạn, trong hồi ký này "cậu bé Hùng Híp" chỉ biết có cô y tá tên KHOA , thì đúng quá rồi , tiếng Trung phát âm HOA ( phiên âm Hán Việt)là KHOA ( phát âm tiếng Trung -gần đúng) là chuẩn chứ sao ! Hoặc vụ cậu vé Hải nhẩy dù ở Lư Sơn. Có người nhớ nhẩy từ tầng 4 rồi bị gió thổi lên tầng 6. Có người bảo Hải nhẩy ra từ tầng 3 rồi bay lên tầng 5 ...Đòi hỏi chính xác thì đến nay chắc không ai dám khẳng định mình là đúng nhất ! Nhưng có thực 100% vụ cậu bé tên Hải trường TNVN Lư Sơn, dùng tấm vải làm dù bay qua cửa sổ. bị gió thổi thốc lên cao rồi từ từ " hạ cánh an toàn" xuống mặt tuyết !Vậy thì ta hãy " Thôi cứ để yên trong ký ức/ Một dòng sông lấp lánh tuổi thơ " mà chấp nhận nó. ( Trích thơ Calathau )

    Trả lờiXóa