BBC. 11 tháng 4
2016
“Phía Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam cải
thiện hồ sơ nhân quyền, nhà nước không can thiệp vào thị trường cũng như có
một đồng tiền có thể quy đổi. Tính hợp tác có điều kiện là điều thường gặp
trong quan hệ quốc tế, cũng như quan hệ song phương Việt-Mỹ”.
Đây là dự đoán của ông Murray
Hiebert, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSIS) ở Hoa Kỳ, về
chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam sắp diễn ra vào cuối
tháng 5 năm 2016.
Trong năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống,
ông Barack Obama đang tiến hành các chuyến thăm quốc tế nhằm đánh dấu di sản
đối ngoại của mình.
Chuyến thăm Cuba hồi tháng 3 năm 2016
có ý nghĩa như vậy.
Lần cuối cùng một tổng thống Mỹ
đương nhiệm đến Việt Nam cách đây 10 năm (2006) dưới thời Tổng thống Mỹ George
W. Bush.
Trao đổi với BBC, ông Murray Hiebert
cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy thể chế hóa
quan hệ song phương Việt - Mỹ. Đây là nền tảng một mối quan hệ lâu dài,
tiếp nối thành tựu đã đạt được trong những chuyến thăm trước đó của Chủ tịch
nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang (năm 2013) và đương kim Tổng bí thư ông
Nguyễn Phú Trọng (năm 2015).
Hợp tác Kinh tế
Hợp tác Kinh tế
Về hợp tác kinh tế, chuyến đi này của ông Obama được kỳ vọng thúc đẩy việc thực thi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tăng cường thương mại và cơ hội đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Việt Nam sẽ là nước có lợi nhất
trong 12 nước tham gia Hiệp định TPP. Đặc biệt hiệp định này sẽ khiến sản
phẩm may mặc và giày thể thao của Việt Nam hưởng thuế quan thấp hơn tại thị
trường Mỹ. Điều này giúp cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với Trung
Quốc, Campuchia và Bangladesh,” ông Hiebert bình luận.
Ông đưa ra dẫn chứng từ một nghiên
cứu của World Bank, cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 8% trong
những năm tới nhờ vào vị thế là thành viên của Hiệp định TPP.
Mặt khác, trong chuyến thăm này, ông
Obama và những người đồng nhiệm có thể sẽ bàn thảo về việc triển khai đường
bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius,
hiện đang tích cực đẩy mạnh hiện thực hóa đường bay này, giúp cho việc đi
lại của thương nhân, khách du lịch hay du học sinh giữa hai nước được thuận
lợi hơn.
Một vấn đề quan trọng khác có thể
bàn bạc trong chuyến đi của ông Obama là việc Việt Nam muốn Mỹ công nhận là
nền kinh tế thị trường. Như một điều kiện để gia nhập Tổ chức thương mại
quốc tế (WTO), Việt Nam trước đó đã chấp nhận danh nghĩa là nền kinh tế phi
thị trường cho đến năm 2018. Dưới danh nghĩa này, các công ty Việt Nam dễ bị
doanh nghiệp Mỹ cáo buộc bán phá giá sản phẩm giá rẻ vào thị trường này. Bên
cạnh đó, Hà Nội cũng muốn Mỹ chấm dứt một số biện pháp bảo hộ đối với sản
phẩm cá da trơn có nguồn gốc từ Việt Nam.
Để Việt Nam được công nhận kinh tế
thị trường, Quốc hội Mỹ đã đưa ra khá nhiều điều kiện mà Việt Nam phải đáp
ứng. Trong đó bao gồm nhà nước không can thiệp vào thị trường, cũng như Việt
Nam phải có một đồng tiền có thể được tự do chuyển đổi cho loại tiền tệ khác
hoặc vàng mà không cần sự cho phép của các ngân hàng trung ương.
Lệnh cấm vận vũ khí
Lệnh cấm vận vũ khí
Ông Murray Hiebert nói lãnh đạo hai
nước có thể bàn về vấn đề Biển Đông, cũng như hợp tác đối phó biến đổi khí hậu
và môi trường. Sẽ không ngạc nhiên nếu Tổng thống Obama tuyên bố tăng ngân sách
cho các dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam, theo ông Hiebert.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ yêu cầu
phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương. Lệnh cấm này đã
được dỡ bỏ một phần vào năm 2014 nhằm giúp Việt Nam nâng cao sức mạnh an ninh
hàng hải.
Quốc hội Mỹ đã yêu cầu để dỡ bỏ hoàn
toàn lệnh cấm mua bán vũ khí này, Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền,
đặc biệt là việc giam giữ các blogger và người bất đồng chính kiến.
“Trong quan hệ quốc tế, tính có điều
kiện trong thương lượng song phương là điều thường gặp,” ông Hiebert nói với
BBC.
Trong chuyến thăm này, Việt Nam và
Hoa Kỳ cũng có thể bàn bạc hợp tác về lực lượng gìn giữ hòa bình. Bắt đầu từ
việc phía Mỹ thể cử chuyên gia đến làm việc tại Trung tâm Gìn giữ Hòa bình
Việt Nam. Tuy nhiên điều này có thể chưa kịp hoàn thành trong chuyến thăm của
ông Obama, theo ông Hiebert.
Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam
trực thuộc Bộ Quốc phòng là cơ quan chuyên môn tham gia hoạt động gìn giữ hòa
bình Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, truyền thông trong nước đưa
tin các sĩ quan Việt Nam đầu tiên nhận sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp
Quốc tại Cộng hòa Trung Phi từ tháng 4/2014, và tại Nam Sudan từ tháng 6/2014.
Gặp giới trẻ?
Ông Murray Hiebert dự đoán là ngoài
Hà Nội, Tổng thống Obama có thể ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh
tế của Việt Nam. Nếu thời gian cho phép, ông Obama có thể gặp mặt một số
lãnh đạo kinh tế, đặc biệt là những người trẻ để tăng cường hình ảnh và sự
kết nối của nước Mỹ với thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam.
Nếu ông Obama thăm thành phố Hồ Chí
Minh, ông Hiebert cho rằng có thể ông Obama sẽ tham dự khánh thành Đại học
Fulbright Việt Nam tại thành phố này.
Đây là đại học phi lợi nhuận đầu
tiên của Việt Nam được Quốc hội Mỹ đầu tư một phần kinh phí. Dự án Đại học
Fulbright Việt Nam lần đầu được đề cập trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ngày 25/7/2013.
Theo ông Hiebert, Trung Quốc sẽ không
trực tiếp bình luận về chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barrack
Obama.
Tuy nhiên nếu có hiệp định liên quan
đến an ninh chính trị được ký kết giữa Mỹ và Việt Nam, rất có thể Trung Quốc
sẽ tăng cường hoạt động của mình tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Murray Hiebert hiện là phó giám đốc
chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của CSIS tại thủ đô Washington Hoa Kỳ. Trước
khi gia nhập CSIS, ông là giám đốc khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ.
Từng làm việc cho Tạp chí Wall Street Journal Asia và Far Eastern Economic
Review, ông Hiebert là tác giả của hai quyển sách về Việt Nam có tên Chasing
the Tigers (Nhà xuất bản Kodansha năm 1996) và Vietnam Notebook (Review
Publishing xuất bản năm 1993).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét