Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

SÔNG LÔ VÀ NHỮNG BÀI HÁT GỢI NHỚ MỘT THỜI...

Tiếng hát trên sông Lô ( Phạm Duy)

Cụ FIOHANTB có nhã ý mời mọi người ( đặc biệt nhóm các bạn QL vừa lên thăm các địa danh lịch sử kháng Pháp miền Đông Bắc , trong đó có sông Lô), nghe lại bài Lô Giang của Lương Ngọc Trác. Rồi bạn Nguyên Hân lại nhắc đến Văn Cao với trường ca Sông Lô và Phạm Duy với Tiếng hát trên sông Lô. Cả 3 bài hát này đều rất nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp . Thời ấy tôi ở phố Chợ Chã,  hữu ngạn sông Cầu ( thuộc địa phận huyện Phổ Yên. Thái Nguyên) nơi gần giáp gianh giữa vùng tề và vùng tự do. Nơi đêm đêm thường có phiên chợ nhộn nhịp và các anh Vệ quốc đoàn hành quân ngang qua ...Sau giặc càn quét lên phố Chã. Pháo từ đầu cầu Đa Phúc bắn yểm trợ cho đoàn tầu chiến ngược sông Cầu, nhưng bị bộ đội địa phương và du kích từ 2 bên sông (Hiệp Hòa và Phổ Yên) bắn trả, không chiếm được, chúng cho máy bay đến ném bom . Phố Chã tan hoang, tôi theo gia đình tản cư lên chiến khu (Hợp Thành, Thái Nguyên). Ở đây gia đình tôi làm nhà trên lưng ngọn đồi thấp, tăng gia sản xuất tự cấp tự túc như bao gia đình cán bộ bộ đội khác. Sau nhà là cả 1 rừng tre rừng vầu. Gần hơn có cây trám trắng rất sai quả . Dưới chân đồi là 1 cái quán nhỏ của 1 gia đình người Hà Nội gốc tản cư . Ông bà chủ vốn là dân "nghệ sĩ" Hà thành. Họ có 3 người con gái tuổi từ 8- 12, 13 gì đó . 3 chị em mang dòng máu của mẹ, hát hay, múa đẹp ...Cái quán bán cafe và kẹo đầu tây ấy vì thế luôn níu kéo các anh Vệ quốc hành quân qua nghỉ chân . Lại nói, thời ấy các anh Vệ quốc đoàn hầu hết là thanh niên thành phố, họ theo Việt Minh ra chiến khu như những tráng sĩ " Chân bước đi đầu không ngoảnh lại/ Khói đô thành ngùn ngụt cháy sau lưng " ( Đại loại thế) Rất chi là Tạch tạch sè ( Tiểu tư sản TTS ). Và cái văn hóa văn nghệ Hà thành hoa lệ bỗng hòa với không khí chiến khu " sắc tràm pha mầu gió". cho ra lò một "nền Văn hóa văn nghệ " rất đặc thù . Ban đầu nó như làn gió mới thổi qua các đoàn quân, nâng bước họ "tiến ra sa trường". Nhưng dần dần làn gió ấy bị chặn lại vì 1 lý do :  Nó ít mang tính Đảng ! Nhưng chặn thì chặn, cấm thì cấm thi ca tạch tạch sè vẫn âm ỉ sống dai, bám chắc vào con tim các chàng trai "chưa trắng nợ anh hùng ". Cảm ơn ...Chính vì thế mà chúng ta ngày nay còn cả 1 kho tàng những ca khúc đạt mức tuyệt phẩm tỷ như Tây tiến ( Thơ Quang Dũng) và cố nhiên có Trường ca sông Lô ( Văn Cao), Lô Giang ( Lương Ngọc Trác) và Tiếng hát trên sông Lô ( Phạm Duy) , 3 khúc ca hào hùng và tuyệt đẹp về con sông này.
Tôi thường nghe lại, hầu như không biết chán mấy ca khúc này. Vì yêu mến dòng sông ( trước đó chỉ là tưởng tượng ) và cả vì bồi hồi nhớ lại những năm tháng Hợp Thành với tiếng hát trong như suối đầu nguồn của 3 chị em nhà hàng cafe nọ . Trái tim gìa nua của lão cứ thổn thức mỗi khi nghe  văng vẳng đâu đó 
" Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u ..." ( Văn Cao).
Hay là :
Trên nước sông Lô, thuyền tôi buông lái như xưa
Sau lúc phong ba, thuyền tôi qua bến qua bờ
Ai nhớ sông Lô, giặc lên ăn cướp dân ta
Tôi nhớ sông Lô, ngày qua chôn xác quân thù

Trong số 3 cô gái chị em một nhà này, về sau cô ở giữa trở thành ca sĩ nổi tiếng, được phong danh hiệu NSND đợt đầu tiên . Chính cô bé - bạn trang lứa của tôi, là người hát hay nhất và còn được các anh Vệ quốc đoàn dậy cho nhiều bài hát của thời " Thăng Long phi chiến địa" trong cái quán cafe - kẹo đầu tây dưới chân đồi ... 



Mời nghe Tiếng hát trên sông Lô của Phạm Duy,
 ông sáng tác ngay sau chiến thắng sông Lô (1947)  

Khoan hỡi khoan hò hò khoan
Hỡi cô con gái, giặt yếm bên bờ
Thuyền tôi đậu bến sông Lô
Nửa đêm nghe tiếng quân thù... thở than

Than rằng:
Khoan hỡi hò khoan
Hôm nào chiến sĩ Việt Nam
Trên dòng sông mênh mang
Súng thần công vang vang
Sông mờ hoen máu thực dân
Hai nghìn quân Pháp vùi thân
Oai hùng thay Lô Giang (3 lần)


Sau này, như mọi người đều biết, Phạm Duy bỏ Việt Minh Kháng Chiến dinh tê vào thành, rồi năm 1954, bỏ Cộng Sản vô Nam để trước ngày SG giải phóng ông đưa cả gia đình chạy thẳng sang Hoa Kỳ ! ( Cuối đời Phạm Duy và phần lớn con cháu lại trở lại VN và được tạo điều kiện hoạt động trong giới âm nhạc.)
Thời còn ở SG VNCH, Phạm Duy đã soạn lời mới trên nên nhạc cũ, nhưng vẫn mang tên Tiếng hát trên sông Lô, có điều hoàn toàn không dính dáng gì đến con sông hùng ca này cả !
Trên nước sông xanh
Thuyền tôi buông giữa đêm thanh...
(Trích câu đầu)

Ở đời, cái gì đáng nhớ thì còn nhớ mãi, cái gì đáng quên thì mong cho quên nhanh !



2 nhận xét:

  1. Hôm đi Tuyên, em tiếc là ôto đòan mình không đi dọc Sông Lô trong xanh, một bên là sông một bên là bãi dâu ...Đẹp lắm anh ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh đã đề xuất rất lâu rồi, tổ chức 1 chuyến đi du thuyền trên sông Lô ( tất nhiên chỉ đi khoảng 1 tiếng )và ca hát , ngắm cảnh, chụp ảnh v.v...Anh hy vọng sẽ có dịp anh em mình thực hiện được nguyện vọng này !

      Xóa