Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

NGUYỄN HỒNG NHẬT (K6) - BÀI ĐĂNG KÝ IN SÁCH


Nguyễn Hồng Nhật. (K6) 
ĐOÀN 10 XƯA VÀ NAY


Tác giả Hồng Nhật
Đoàn 10 là Đoàn thiếu niên nhi đồng con em cán bộ các tỉnh Bình Trị Thiên Hà tĩnh, Nghệ An tuổi từ 7-8 đến 15-16 được cho sang Lư Sơn Trung Quốc học tập để chuẩn bị hoà bình trở về xây dựng đất nước và cũng để cha mẹ các em yên tâm phục vụ kháng chiến. Đoàn tập kết tại Chợ Rộ, Thanh Chương NA, nơi đây là trụ sở của UBKCHC khu IV, cũng là nơi nổi tiếng với khoai lang. Anh Huỳnh Ngọc Lý là trưởng đoàn và cũng là thầy giáo của chúng ta ở Quế Lâm. Chú Nguyễn Hữu Thức là y tá chăm lo sức khoẻ cho đoàn, Chú dẫn tôi từ quê tới nơi tập kết. Người bảo vệ đoàn là anh công an trẻ Phạm Dương, nghe nói là bố của tỷ phú Phạm Nhật Vựơng, không biết có phải không. Cả ba người nay đã khuất núi, không biết hỏi ai. O (Cô) Xuân (vợ Bác Phạm Triều, Hiệu trưởng Lư Sơn, mẹ bạn Phạm Đức Nguyên K6) là o cấp dưỡng, lo cơm nước trong suốt quãng đường hành quân. Cô nay đã gần 100 tuổi, sức khoẻ tuy có yếu nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Đến giờ sau hơn sáu chục năm, chúng tôi vẫn không thể quên các cô chú, các anh phụ trách, những người dẫn dắt giúp đỡ đàn cháu nhỏ vượt qua bao gian khó để tới trường. Đoàn có hơn 40 em, chia làm 3 tiểu đội, tiểu đội tôi anh Trần Trí Luân là tiểu đội trưỡng, tôi tiểu đội phó. Ngày ngủ, đêm đi, đói ăn khát uống, hơn ba tháng, chưa kịp quen nhau hết thì đã tới trường, giải tán và biên chế về các lớp. Vì vậy tôi chưa biết hết tên các bạn trong Đoàn và nay trong tiểu đội của mình tôi cũng không nhớ hết tên. Ở Lớp 6A nhiều bạn có mặt trong đoàn này: Trần Xuân Thạc, Trần Trí Luân, Đặng Thái Hoàng, Ng. Khoa Diệu Thu,Ng. Thị Tố Lan, Phạm Đức Nguyên, Hồ Uy Liêm, Trần Minh Hà, Ng. Đức Hân, Ng. Mộng Sinh, Trần Kiêm Tuấn, và Ng. Hồng Nhật. Các lớp dưới có: Ng. Thị Ngọc Bích (Chưởng), Lê Minh Ngọc, Trần Xuân Hoài, Ng. Khoa Phi, Trịnh Thế Phương, Hoàng Minh Tuệ, Hoàng thị Nhật Lệ, Ngô Hoàng Hà, Trần Công Thanh, Nguyễn Quang Thuỳ, Hồ Xuân Nguyên,  Đào Hồng Loan, Đặng Từ Thiều, Vũ văn Hiệp, Trần Toản (Ổi), Cổ Thị Chắt, … 
và gần cuối có thêm các bạn Muội, Hiên, Vinh, Oanh.
Một đêm hè năm 1953, trăng non chưa ló, đoàn chúng tôi khởi hành từ Thanh Chương Nghệ An, đi bộ xuyên rừng núi phía tây đất nước, nhằm điểm đến là cửa khẩu Đồng Đăng Lạng Sơn, để rồi từ đấy lên Bằng Tường đi Lư Sơn, Trung quốc.
Hành trang của tôi khi rời quê hương gia đình ra đi chỉ là chiếc ba lô vải nhỏ trong đó vỏn vẹn bộ quần áo cộc màu nâu đã sờn. Ba tôi nhờ Chú Thức dẫn tôi tới nơi tập kết và mua cho chiếc mũ lá, đôi dép cao su và cái cà mèn cùng chiếc thìa, những thứ này lần đầu tiên tôi  sử dụng. Còn tôi tự trang bị cho mình một súng cao su (quê tôi gọi là nộ địu) khoác cổ và ít viên sỏi cho túi quần làm đạn, đi đường gặp gì thích thì bắn như chim, trái chín nhãn, ổi... đó là thú vui nghịch ngợm của tôi.
Trên đường hành quân các chuyện vui buồn đều có. 
Vào một đêm trăng, đoàn chúng tôi qua đò Ghép (vì cầu đã bị phá huỷ do chủ trương tiêu thổ kháng chiến) trên quốc lộ 1 phía nam Thanh hoá. Tôi gặp anh Chánh Thi, một bạn học ở trường làng, anh thôi học theo cha dùng xe đạp thồ đường phên do gia đình sản xuất đem ra Thanh hoá bán, thời đó quê tôi có tiếng về sản xuất đường thủ công. Cũng không biết vì lý do gì, tôi rời quê một cách thầm lặng và Thi là người bạn đồng hương duy nhất tôi có dịp gặp để chia tay, không ngờ đây lại là cuộc chia tay vĩnh viễn bởi hơn chục năm sau anh hy sinh cùng hầu như toàn bộ chiến sỹ của đại đội pháo cao xạ trong trận đánh bảo vệ cầu Bến Thuỷ-Bạn tôi đã hy sinh vì Tổ quốc.
Hành quân ở vùng tự do thì được hát hò thoải mái hơn, vui để quên mệt. Một người lĩnh xướng:
" Đèo cao thì mặc đèo cao" cả đoàn hưỡng ứng: "a li hò lờ"
" Tinh thần khắc phục còn cao hơn đèo" hò lơ ơ lơ lắng tai nghe tiếng ai nay hò lờ. . .
Nhưng tới những đoạn đường gần vùng tạm chiếm, chúng tôi được lệnh tuyệt đối không trò chuyện, được biết cũng có đoàn đã bị địch oanh tạc gây thương vong không ít.
Tới Phố Cát (Thanh Hóa) chúng tôi được ngồi xe trâu có mái che, qua Rịa để đến Nho Quan, trời mưa bùn lầy lội, những đứa trẻ đầu gật gà gật gù theo nhịp bước chân trâu, đi trong tĩnh lặng. Đây là nơi giáp ranh ta và địch. Ở thị trấn Nho Quan, hàng hoá phong phú hơn các nơi, hàng ở vùng tự do về, hàng ở vùng địch tạm chiếm ra có thuốc tây đường sữa, nilong che mưa là những của hiếm ở vùng tự do, đêm đèn măng-sông sáng trưng. Mười bạn khu ba nhập đoàn chúng tôi tại đây. Từ Nho Quan chúng tôi theo tỉnh lộ lên Mãn Đức vượt Dốc Cun, nơi nổi tiếng nhiều hổ dữ, sang thị xã Hoà Bình. Trận giải phóng Hòa Bình vừa kết thúc, xác xe tăng địch còn rải rác dọc đường đi.
Lúc này có bạn khu ba, ngôn ngữ trung bắc lẫn lộn, nên cũng lắm chuyện buồn cười.Trên cung đường hành quân từ Nho Quan lên Mãn Đức, trong đêm, ánh sao mờ mờ chỉ cách vài mét là không nhìn thấy nhau, bởi vậy theo quy định mỗi người có một gậy tre (người trước cầm một đầu, người sau cầm một đầu để khỏi lạc nhau và không bị đứt quãng do các bạn hay ngủ gật). Khi nhóm dẫn đường phát hiện có một hố sâu giữa đường, thì tín hiệu được truyền cho các đoàn viên đi sau: có HỐ. Tín hiệu truyền qua chục bạn thì bị "méo" thành có HỔ. Hơn nữa đoàn phía sau tinh thần ai cũng căng như dây đàn vì sợ bị khái bắt (hổ vồ). Phía trước thì đi chậm lại phía sau dồn lên, tôi đi sau cùng của tiểu đội cũng vội bước, đi thêm vài chục mét thì chỉ thấy cái hố sâu bên đường, có bạn hô to " bây ơi, cái bộông (cái hố) chớ nỏ (không) phải khái mô (hổ đâu) mà hại (sợ)", thế là cả đoàn cười ầm lên, quên cả mệt nhọc và buồn ngủ. Lại chuyện tôi mất điểm thi đua, chả là khi tới thị xã Hoà Bình, cả đoàn ngồi nghỉ ngay trên quốc lộ 6, cây cối un tùm nhìn không thấy trời, tôi được anh Dương công an giao giữ khẩu tiểu liên (chắc anh thấy tôi có súng cao su nên tin tưởng), tôi đặt súng bên người rồi ngồi ngủ, khi trở lại tiếp tục hành quân tôi để quên súng, bạn Xuân Thạc nhặt được trả lại anh Dương, thế là tôi bị cắt điểm thi đua. Từ Hoà Bình, chúng tôi được ngồi thuyền xuôi Sông Đà về Việt Trì, rồi lại đi bộ xuyên qua chiến khu Việt Bắc theo quốc lộ 4 để lên cửa khẩu Đồng Đăng.
Thường thì sau cơm chiều, nghỉ ngơi chút ít rồi chúng tôi lên đường, đi đến khoảng mười một mười hai giờ thì tới nơi nghỉ, rửa chân cẳng qua loa rồi lăn ra ngủ. Vùng Cao, Bắc, Lạng ở nhà sàn rộng thì nam một hàng, nữ một hàng quay đầu vào nhau, ba lô là gối, áo quần, vải mưa, tơi làm chăn, đánh một mạch tới khi nào các chú phụ trách gọi mới dậy. Thời ấy chứ nay thì thế nào cũng có bạn nữ bị dật tóc!
 Tháng 9/2015 vừa qua, được bạn Đặng Từ Thiều (hậu duệ Đặng Tất-Đặng Dung) mời các thành viên Đoàn 10 ở HN lên thăm trang trại ở Xuân Mai, buổi trưa các bạn nữ ôn lại kiểu ngủ ngày xưa ấy, nhưng Quang Thuỳ chuyện nổ như ngô rang vì lâu mới có dịp gặp bạn bè hội ngộ làm không ai ngủ được... Còn cháu gái bà Thiều và cháu trai ông Liêm mới gặp nhau lần đầu đã quấn quýt như bậc tiền bối của chúng vậy (Thiều tiết lộ: Liêm là thần tượng của Thiều thời xa vắng).
Thật cũng lạ, thời gian hơn ba tháng trong cả đời người bảy tám mươi năm thì chẳng là bao vậy mà đã để lại trong tôi dấu ấn sâu đậm đến vậy. Khi còn học tập và công tác, tuy vùi đầu vào công việc nhưng thi thoảng vẫn nhớ các cô chú phụ trách, nhớ các bạn đoàn 10: Cô Xuân tòng teng đôi quang gánh với nồi, chảo và ít thực phẩm. Bóng dáng bạn Hưng bé nhất đoàn có lần ốm các chú phải cõng, rồi bạn nữ nhỏ nhất tiểu đội tôi, có tên lót trùng với tên tôi, thường mặc áo sơ mi ca ki xanh thi thoảng được anh Hiệp cõng qua suối để khỏi ướt quần bỡi không có quần thay .  Về hưu được một thời gian, tôi nghĩ đến việc lập một "sân nhỏ" riêng của  Đoàn 10 trong "sân lớn" của đại gia đình LS QL. Ý tưởng được nhiều bạn hưởng ứng và cung cấp thêm thông tin liên quan, từ đấy tôi có một danh sách tương đối, trong đó có cả bạn Đoàn 9 cũng tham gia, thôi thì cá ngon vào ao ta, ta được. Tôi cảm thấy bùi ngùi khi trong danh sách mình lập, có nhiều bạn đã đi xa. Trịnh Thế Phương là người đầu tiên hy sinh tại mặt trận miền nam. Năm ngoái, các bạn HN vào cùng các bạn SG đi Bảo Lộc, tại "Ngô Gia Trang" Vũ Quang Trung cho xem ảnh cô gái xinh đẹp Cổ Thị Chắt là thành viên của Đoàn 10, đã mất từ lâu, tôi thấy áy náy về sự vô tình của mình. Cuộc tái ngộ lần đầu sau hơn 60 năm được tổ chức tại Quán Gió công viên Thống Nhất Hà Nội ngày 13/4/2014, có 14 bạn, nhiều bạn sau hơn 60 năm nay mới gặp lại, vậy mà có bạn nam vẫn ngỡ thần tượng của mình trẻ trung, xinh đẹp, mắt đen hạt huyền, môi cười chúm chím như thời nào, gặp nhau mới thấy bạn mình giờ trên đầu có nhiều hoa muối, mắt đã có vết nhăn, đã bước sang tuổi xưa nay hiếm rồi mà. Ở Sài Gòn Minh Hà cùng Nhật Lệ cũng tập hợp được khá đông đoàn viên Đoàn 10. Tiếp đó, nhiều cuộc vui hội ngộ của các bạn Đoàn 10 trong Nam ra, ngoài Bắc vô, gặp nhau ríu rít như thể là anh chị em ruột khác cha khác mẹ vậy. Ấn tượng nhất là chuyến Bắc Nam cùng trở về cội nguồn do Trần Gia Ninh (Xuân Hoài) hướng đạo. Trên đường Xuân Hoài đã kể rất nhiều chuyện về những nơi anh chị em ta đã để lại dấu chân và nhiều địa danh lịch sử mà Xuân Hoài đã có dịp nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết "Kim Thiếp Vũ Môn" của mình. Cũng trong chuyến hành trình này, Hồ Uy Liêm đã thú nhận chuyện ăn mảnh hộp sữa không xong. Liêm kể rằng trước lúc lên đường, Liêm được bà chị dúi cho hộp sữa Nestle để bồi dưỡng khi mệt. Đi được hơn chục ngày, Liêm đục ra hút uống, nhưng hút gân cả cổ mà sữa không ra, tất nhiên để bảo mật, Liêm chỉ hút khi hành quân trong đêm tối, đã mấy ngày mà vẫn không được, (giá thời nay thì Liêm nghi ngay là sữa dởm TQ). Thôi, đành thổ lộ với đ/c X đi phía sau mình, X có chút từng trải và tinh ranh hơn nên bảo Liêm: mở thêm một lỗ nữa, "rất thành công", nhưng thay vào đó Liêm phải cho X cùng hưởng thành quả. Vậy đấy có chút hiểu biết vẫn đắc lợi, khác gì đất nước ta nay có chỗ nào thơm thơm lại phải gọi thằng Tây Tàu vào để chúng ngửi. Vui nhất là khi lên đến đèo ĐÁ ĐẼO, bạn trai bạn gái ôm nhau chụp hình, rồi khúc khích hỏi nhau: đã chưa? Bạn Nông sản phụ buồn rầu: Ở đây Đá chưa đẽo! Khoa Phi thì dẫn Nghĩa đứng dưới lùm cây chụp ảnh, tôi không nói oan đâu, có hình làm bằng đấy.  Chiều hôm đó, chúng tôi tới cầu Nhật Lệ, ai cũng nghĩ bạn Nhật Lệ quê nơi đây, nhưng Nhật Lệ thì bảo:Tưởng Zậy mà không phải Zậy (đây chỉ là nơi sinh của Lệ thôi) Còn Xuân Hoài thì đang mơ bài tập bản valse “sóng Nhật Lệ” đầu đời! Chiều về khách sạn, Nghĩa bị mệt, mặt hơi xanh, lại còn ọ ẹo nữa, Quang Thuỳ yêu cầu đi mua que thử quickstick để quy trách nhiệm, thấy vậy Khoa Phi chuồn mất, tôi đành nhận tránh nhiệm về mình vì tôi có chụp ảnh riêng cùng Nghĩa, may sao chín tháng mười ngày đã qua mà không có chuyện xẩy ra. Sáng hôm sau chúng tôi tạm biệt dòng Sông Nhật Lệ, qua viếng  mộ Đại Tướng, thăm khu di tích Đồng Lộc. Cả đoàn ghé nhà thờ họ Ngô của Ngô Hoàng Hà ở làng Trảo Nha. Quá trưa, Minh Hà và Khắc Hân mời cơm cả đoàn tại nhà hàng của Gì Yến ở Hồng Lĩnh, lâu lắm rồi mới được thưởng thức bữa cơm tại quê hương ngon đến vậy.
 Chuyến đi quá vui, những mái đầu tuy đã bạc, đường xa đã thấy lưng ê ẩm, nhưng mọi người đều cảm thấy tuổi thơ hồn nhiên trong sáng như mới thoáng qua đâu đây. Tình bạn thời tuổi thơ nay càng đằm thắm hơn, động viên chia sẻ lúc vui buồn, cùng lo lắng lúc ốm đau chỉ có ở LS QL trong đó có Đoàn 10 chúng tôi.
    Chẳng thế mà các bạn SG vừa rồi ra đã đề nghị tôi: "Ta mần chuyến nữa anh Nhật hè!".Thật hạnh phúc khi được hưởng sự ngọt ngào, trong sáng của tình bạn từ thủa ấu thơ.
Chuyện Đoàn 10  xưa và nay tôi chép lại mấy dòng để khi có dịp lại kể cho nhau nghe, vui buồn cùng nhau chia sẻ.  
                                                             Hà Nội, 1-4-2016 (ngày cá tháng tư!)
-----------------------------------------
Nguyên tác được tác giả gửi qua E-Mail

3 nhận xét:

  1. Tình quê nghĩa bạn bồi hồi
    Đọc trang NHẬT ký thấy đời HỒNG say...

    Chúc mừng anh HN có bài viết hay ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Hồ Uy Liêm ở K 5, không ở 6A

    Trả lờiXóa
  3. Anh H.Nhật có trí nhớ tôt, bài viết di dỏm và hơi bị... "hóm".
    Chúc mừng anh SK được hồi phục và đã béo đỏ, đi chơi nhiều và lái giỏi (nói lái theo kiểu miền Trung- Đ 10).

    Trả lờiXóa