Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

CÙNG CƯỜI VỚI BÀI THƠ CHÁU TẢ BÀ

Đối lập với hình ảnh người bà vất vả sớm hôm, tóc trắng, miệng nhai trầu thường thấy trong những bài văn mẫu - bà trong bài thơ "lạ" khá gần cuộc sống hiện đại với: hát karaoke, phóng xe máy,…

Cộng đồng facebook đang truyền nhau bài thơ viết về người bà thời hiện đại nhưng không kém phần hóm hỉnh, hài hước.

Cười nghiêng ngả với bài thơ lạ tả bà
Bài thơ về bà và hình ảnh minh họa trẻ phải học theo văn mẫu gây sốt trên facebook. (Ảnh chụp lại từ màn hình)
Đối lập với hình ảnh người bà vất vả sớm hôm, tóc trắng, miệng nhai trầu thường thấy trong những bài văn mẫu, người bà trong bài thơ khá gần cuộc sống hiện đại với: hát karaoke, phóng xe máy,…
Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Cô bắt làm văn tả Bà”:
“Bà ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày
Nhưng Bà em vẫn rất hay
Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm
Công việc bà vẫn ôm đồm
Chăm lo con cháu sớm hôm không nề
Hôm nay cô giáo ra đề
Bắt em phải tả viết về Bà em
Em tả giống hệt bên trên
Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:
Đã Bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu
Đã Bà là phải ngồi khâu
Không được ngồi hát Ka - Râu - Ô - Kề
Nhất là không được ghi đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào
Em nghe chẳng hiểu thế nào
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này
Tả sai thì lại không hay
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi
Kiểu này phải bảo mẹ thôi
Hay đổi Bà khác đúng lời của cô???”
Ngay sau khi bài thơ được đưa lên facebook, nhiều bình luận tỏ ra khá thích thú trước cách miêu tả này.
Trước thực tế trẻ thường phải dựa theo văn mẫu viết bài, facebook của một giảng viên báo chí lo lắng: “Sợ nay mai cháu nó làm văn mẫu tả ông như tả con chó: Nhà em có nuôi một ông nội, từ ngày có ông, bọn trộm không dám bén mảng. thỉnh thoảng, em dắt ông nội ra công viên chơi, những lúc thích thú, thỉnh thoảng ông nội lại nhảy cẫng lên”..

Theo Phong Đăng

Vietnamnet

4 nhận xét:

  1. Tả bà và ông thật giống như các ông bà QL. Có ông bà còn nhảy chồm chồm, hát ông ổng lên nữa ấy chứ!!!

    Trả lờiXóa
  2. Cô giáo này tả bà xưa như trái đất, còn cô bé tả thật đúng, chúng ta đâu đã già :
    65 hết tuổi thiếu nhi
    70 là tuổi mới đi vào đời
    75 là tuổi ăn chơi....
    Cụ qua nhà tôi đọc tiếp bài thơ thì sẽ thấy cô giáo quá bảo thủ.

    Trả lờiXóa
  3. Xin mời đọc mấy vần "cháu nhỏ" tả "Ông nội Quế Lâm":
    Ông nội em cũng đã già
    Suốt ngày ông cưỡi Hon đa trên đường
    Rủ nhau đi "Phượt" tứ phương
    Thăm bạn, du lịch Thái Nguyên, Đền Hùng...
    Tay lái lụa, mắt tinh tường
    Lại không "đeo kính", coi thường ... "hiểm nguy"!.
    Thế mà khi ở nhà:
    "Thấy Bà, chẳng dám ... nói gì
    "Cả hình lẫn tiếng" tức thì mất luôn!".
    (Vì Bà "quê ở Hà Đông"
    Lại là "Dân của Quế Lâm" một thời).
    Ở nhà, Ông ít nói cười
    Gặp bạn, chuyện "nổ" tung trời ... ngô rang!.

    Xin mời tả tiếp "ông bà Quế lâm Làng ta" xem "Già rồi liệu đã phát... HÂM chưa nhé.)

    Trả lờiXóa
  4. Có lần các cháu về chơi
    Yêu bà cháu muốn hát lời bài ca
    "Bà ơi các cháu yêu bà lắm,
    Tóc bà trắng là trắng như vôi"
    Tóc bà không trắng nữa rồi
    Tóc bà đen nhánh,cháu tôi ngỡ ngàng
    Khi đưa các cháu ra sàn
    Bà nhảy trong tiếng nhạc rộn ràng vui tươi.

    Trả lờiXóa