Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

ĐỌC LẠI MỘT SỐ LỜI BÌNH VỀ BÀI THƠ "TRƯỜNG CHÚNG MÌNH"

Xin cảm ơn các bạn từng nghe đọc và chia sẻ với tác giả về bài thơ "Trường chúng mình" mà tôi đã viết vào tháng 9/2003, sau chuyến trở lại thăm trường xưa Lư Sơn, Quế Lâm và KHX Nam Ninh.
Sau này bài thơ được giới thiệu trên Blog luson.quelam, nhiều bạn đã comments khiến tác giả vô cùng xúc động. Dưới đây chỉ xin trích vài ý kiến trong số đó .


Hoàng Thế Long(22-2-2008)
Một ngày cuối tháng 9 năm 2006, tại Hội trường lớn trường Đại học Bách khoa, diễn ra Lễ kỷ niệm thành lập Khu học xá Trung ương lần thứ 55. Khối lớp của chúng ta đóng góp nhiều tiết mục văn nghệ, có lẽ do trẻ nhất, bạn Lân Cường phụ trách phần này. Chúng ta đã có dàn hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc”, chi Kim Tuyên và 3 chị khác từ Tp Hồ Chí Minh mang ra tiết mục múa Tân Cương…
Chỉ ngay trước khi phải lên đứng trong dàn hợp xướng, anh Lân Cường dúi cho tôi bản in bài thơ “Trường chúng mình” của Quang Trung và phân công cho tôi đọc vào tiết mục thứ 5. Tôi phản ứng vì: 1) Bài thơ này rõ ràng là về Trường Quế Lâm; 2) Tôi không kịp chuẩn bị. Anh Lân Cường nói ngắn gọn “Thôi, không bàn nữa, ghi tên mày rồi!”

Sau khi hát trong dàn hợp xướng xong, tôi có khoảng thời gian giữa 3 tiết mục (khoảng 10 phút) để đọc lại bài thơ. Không ngờ rằng bài thơ đã “nhập hồn” tôi ngay, tôi đã thuộc lòng, đến nay vẫn nhớ. Đối với tôi, đây là bài thơ hay nhất tôi đã được đọc viết về “thời ấy”, chỉ bằng thơ mới nói lên được những điều khó nói, mà thể loại khác khó diễn đạt được. Cảm nhận của tôi về bài thơ đã được chia sẻ cùng khoảng 20 bạn trong một buổi liên hoan thân mật. Khi ra về, Bang Ngạn nói: “Cậu bình bài thơ hay quá!”. Tôi bảo: “Mình nói về cảm nhận của mình đấy chứ, mình có bình đâu!”.
Sau lễ kỷ niệm khoảng một tuần, tôi nhận được một cú điện thoại của một cựu học sinh trường Sư phạm Khu học xá (năm 1956 trường này đã về nước nên khi ta xuống KHX chỉ còn 4 trường cấp I và một trường cấp II-III), những người này là một khối khá đông đã dự buổi lễ kỷ niệm ấy và dò hỏi được số diện thoại của tôi, hỏi xin tôi bài thơ mà tôi đã đọc. Tôi “gõ” lại theo trí nhớ và format đẹp đẽ gửi đi. Sau đó chúng tôi có dịp trao đổi với nhau qua điện thoại về những cảm nhận bài thơ.
Thì ra ngoài những câu tả cảnh “sơn thuỷ giáp thiên hạ” đặc trưng cho Quế Lâm ở khổ đầu, còn lại là CÁI CHUNG của “thời ấy” và chính vì thế mà nhiều bạn tuy không học ở Trường TNVN Quế Lâm vẫn thích bài thơ này !

Nguyễn Nguyên Hân
Tôi đã có lần nói về bài thơ này, một trong số bài thơ hay của QT. Nay nhân ngày thơ Nguyên Tiêu xin viết thêm vài dòng.
Tính hàm súc của nội dung thật phong phú : về cảnh trường ta, về nhịp sống ở trường về bản thân và về một em gái nào đó và nối dòng suy nghĩ tình cảm về tận quê nhà những năm tháng ấy và rồi lại quay về ngôi trường xưa cùng các cố nhân.
Khổ thơ đầu là cả bức tranh đẹp gợi nhớ một thời thơ ấu hồn nhiên và tươi đẹp chung một mái trường.
Khổ thứ 3 , một sự lãng mạn thấm đẫm tình người, hồn nhiên, rất thật. Sự rung động đầu đời này đủ cảm nhận chứ không phải choáng váng sét đánh trước người bạn gái mà mỗi ngày mình nhận thấy một đẹp hơn lên theo tuổi lớn của cả hai.Câu thơ thật đẹp! Tôi thật tiếc mình hơi chậm phát triển thiên hướng tình cảm này so với QT và một số bạn!
Mở ra từ câu “Hay đâu đất nước thôi bom đạn ..." đến"... mẹ Việt Nam áo mỏng vai gày" nói về đất nước và dân ta những năm ta ở bên đó đâu có hay “mẹ già áo rách sờn vai cơm ăn bát vơi bát đầy". Nhớ lại, sau Hội nghị Giơnevo 1954 , hết chiến tranh, nước ta chia hai miền. Nam-Bắc, hòa bình đấy mà nơi thì "súng vẫn nổ", nơi thì " sân đình bốc lửa" . Những cảm nhận này những năm sau nhiều bạn chúng ta cũng đã từng trải nghiệm .
Hai khổ thơ cuối chắc được nhiều bạn tán thưởng vì là tâm tình của lứa chúng ta : đó vừa là một nuối tiếc và một tâm niệm tác giả tự bảo với mình thôi, nhưng lại rõ là thay cho nhiều bạn chúng ta. So với câu "Mà đến hôm nay anh mới biết Tình ta chư chuyện bướm xưa thôi", trong bài Trường Huyện của Nguyễn Bính thì hoài niệm này là khác hẳn. Tác giả tự nhủ " Thôi cứ để trôi trong ký ức" lại "cứ để yên trong lồng ngực" một cụm từ bao quát cho toàn bài thơ, đó là  " Một yêu thương, một dại khờ ". Yêu thương thì khỏi phải nói nhiều, còn Dại khờ ư? Sự dại khờ đáng quý của thưở niên thiếu ngày ấy giúp cho các cá nhân có bản sắc sống thật, khác với sự dai khờ trong cuộc đời bon chen giành giât, hoặc của những kẻ vượt quá khôn khéo mà mất tỉnh mất mình.
Được biết sau này bài thơ có được tác giả vài lần chỉnh sửa .Cũng tốt vì qua chiêm nghiệm cần thêm tứ thêm lời cho đắt hơn,  nhưng đừng để bị loãng. Hãy làm cho bài thơ thêm hay hơn lên !

Nguyễn Ngọc Trâm
Quang Trung có nhiều thơ, nhưng đây là bài mà lần nào đọc tôi cũng xúc động. Chỉ vài nét thôi, bạn đã vẽ ra bao hình ảnh thân thiết của mái trường; bao kỉ niệm được hiện lên rõ mồn một. Nhân vật nền của bài thơ là đôi bạn trẻ yêu nhau, tình yêu mới chớm đầu đời thật trong sáng. Bởi vì với họ còn bao nhiều niềm say mê, bao nhiêu ước vọng lớn lao, và cả những nghĩa vụ với nước nhà. Thế rồi tình yêu không có hậu, ngôi trường xa dần, thay đổi dần với thời gian, với cuộc đời. Và khổ thơ cuối thật buồn tiếc, thật sâu lắng, nó được giữ lại trong lòng tôi, trong lòng bạn.
Quang Trung tự nhận mình làm bài thơ này trong tâm trạng BUỒN. Buồn là trạng thái tình cảm tự nhiên, không phải buồn là xấu. Có những nỗi buồn làm người ta trở nên sâu sắc hơn và mạnh mẽ, cứng cỏi hơn. Bạn buồn hay vui cũng được, miễn là bạn sẽ mang lại cho bạn bè, cho ĐỜI những bài thơ hay!

Vũ Đăng Sinh : (4-3/2008)
Bài thơ “ Trường chúng mình” tôi được nghe Quang Trung đọc trong chuyến thăm vịnh Hạ Long hè năm 2007. Tôi thực sự xúc động và sửng sốt trước bài thơ như trước một khái quát giàu hình tượng về những trải nghiệm của cuộc đời từ “ tuổi thơ lấp lánh” đến cái “tuổi xưa nay hiếm” của mình.

Xuyên suốt bài thơ là hình tượng một mối tình. Trong mối tình này có nhiều hình ảnh ẩn dụ. Đó là hình ảnh cô gái của tuổi thơ, bằng xương bằng thịt và “đẹp dần trong mắt anh”. Đằng sau cô gái, ta thấy thấp thoáng, nhưng lại được cảm nhận rất rõ, hình ảnh một đất nước cũng ở tuổi thơ, mà ta yêu thiết tha như mối tình đầu. Trong bài thơ, hình ảnh cô gái và hình ảnh đất nước này xuất hiện cùng thời, diễn biến song song và tan biến cùng lúc, cái này lặn thì cái kia cũng mất. Đó còn là hình ảnh mối tình đối với lý tưởng, hoài bão và ước mơ: “Bốn phương vô sản giai huynh đệ/Liềm búa vàng sao một sắc cờ”. Mối tình như tương lai lấp lánh phía chân trời xa sao mà rực rỡ, sao mà huyền diệu và cuốn hút lạ lùng.
Thế rồi vật đổi sao rời, mối tình ấy không kết thúc bằng cái kết có hậu. “Nào có ngờ đâu có hẹn đâu”. Tác giả không đổ lỗi cho ai cả, chỉ tự nhủ mình: thôi cứ để mối tình ấy “trôi trong ký ức”, “để trong lồng ngực”. Sao mà bứt đi được! Hình như vần “khờ” mà Quang Trung gieo ở cuối bài đã bật ra một cách tình cờ, không có chủ định từ đầu. Sự “dại khờ” đâu có được khơi gợi ở bất cứ đoạn nào, câu nào, đâu có song hành với mối tình trong cả bài thơ ấy. Trong cuộc sống và mối tình xưa Quang Trung chỉ nói đến sự hồn nhiên, “ hồn nhiên đến chẳng ngờ”. Thì ra “ dại khờ” ẩn ngay trong cái “hồn nhiên đến chẳng ngờ” ấy, bây giờ mới nhận ra. Vì thế “một yêu thương” và “một dại khờ” không phải là hai mà chỉ là một.

Nguyễn Nguyên Hân
Bàì viết của Vũ Đăng Sinh tuy ngắn thôi nhưng sâu sắc và có những ý hướng dẫn và phát hiện cảm nhận, logic chặt chẽ. Đúng là phong độ của nghề phê bình. Trong văn học nghệ thuật rất cần những nhà phê bình giúp cho người sáng tác vươn lên tầm cao, lại cho độc giả , khán giả phát hiện và thưởng thức những điều hay nét đẹp của tác phẩm  .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét