Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SĨ, THƯƠNG BINH

Tháng 11 năm ngoái (2012), sau ngày Hội Lớp tổ chức tại Ba Vi, nhóm hậu duệ của ông tổ họ Vũ - cụ Vũ Hồn (804-853), đã hành hương về làng Mộ Trạch, Bình Giang, Hải Dương, nơi phát xuất của dòng họ Vũ-Võ Việt Nam.
Hậu duệ cụ Vũ Hồn về Làng Mộ Trạch

Trên đường trở về Hà Nội mọi người đã rẽ vào nghĩa trang Liệt sĩ xã Cầm Vũ, huyện Cầm Giàng ( Hải Dương) để viếng mộ 2 người chú ruột của mình là Vũ văn Chức và Vũ Mạnh Bảo, liệt sĩ thời kỳ chống thực dân Pháp.
Nghĩa trang LS xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương
Các bạn họ Vũ viếng mộ (bóng) 2 chú tôi trong nghĩa trang LS
 Bà nội mình sinh được 4 người con ,3 trai,1 gái. Ông nội mất sớm, bà nội tần tảo nuôi các con lúc đó đều còn nhỏ. Cha mình là anh cả cũng mới 16 tuổi đầu. 2 năm sau bà nội cũng qua đời.
Thế là năm 18 tuổi cha mình phải thay bà nội nuôi dậy các em bằng đồng lương của một thày giáo làng. Hà Nam là đất đồng chiêm trũng, dân nghèo nhưng hiếu học. Khi ông nội mình còn sống, kinh tế gia đình thuộc hàng trung lưu ở thị trấn Hòa Mạc ( Duy Tiên) nên cha mình được gửi lên Hà Nội học chữ. Khi dậy học, tuy còn ít tuổi nhưng mọi người đều kính trọng gọi ông là Thày giaó Tước. Thày giáo Tước yêu thương học trò, nhất là các học trò nghèo. Thày biết tiếng Pháp nên đọc cả sách báo tiếng Pháp. Rồi người ta đồn Thày giáo Tước có chân trong " hội kín" khiến Thày phải bỏ quê ngoại ( Thi trấn Hòa Mạc) đưa các em lên phố chợ Chã, bên bờ sông Cầu thuộc địa phận huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ở đây cha tôi bỏ nghề dậy học mà chuyển sang kinh doanh. Ông xin được giấy phép của chính quyền mở ty rượu ( độc quyền kinh doanh rượu và muối ). Vì thuộc hàng "trí thức" ở địa phương nên cha tôi dễ dàng làm quen với chủ đồn điền Chã, người Pháp ( dân quen gọi là chủ Be). Đầu năm 1945 cha tôi bắt được liên lạc với người của Việt Minh . Người này chẳng phải ai xa lạ, đó chính là chú Vũ Văn ( sau này đi bộ đội chú đổi tên là Vũ Mạnh Bảo), em út của cha tôi. Thế là tất cả 4 anh em của cha tôi ( kể cả người em gái là Vũ thị An) đến trước ngày khởi nghĩa 19/8 đều trở thành cán bộ cốt cán của Việt Minh , có chân trong ban lãnh đạo tổ chức phá kho thóc của chủ đồn Chã chia cho dân nghèo và giành chính quyền ở địa phương ! Nhưng con đường đi theo CM của 4 anh em cha tôi không bằng phẳng , chuyện này đã có lần tôi thuật lại trong loạt hồi ký có tên " Lượm lặt chuyên quê" ( trên Blog cá nhân Calathau).Sau khi mọi việc oan khuất được sáng tỏ, trừ cô tôi còn cha tôi và 2 chú tôi là Vũ văn Chức và Vũ Mạnh Bảo đều thoát ly gia đình lên Việt Bắc vào bộ đội .
Trong lúc cha tôi theo học trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn khóa 2 rồi được giữ lại làm giáo viên cho khóa 5 thì chú Vũ Mạnh Báo hy sinh ở Phú Thọ trong 1 trận chiến đấu với quân Pháp năm 1947ên sông Lô. Năm 1953, người em kế sau cha tôi là chú Vũ văn Chức hy sinh ở thị xã Hòa Bình trong một cuộc oanh tạc của máy bay Pháp, khi chú đang là CB của CA tỉnh Hòa Bình. Cả hai tin đau buồn này đều đến với cha tôi khi ông ở mãi chiến trường Nam Trung Bộ !
Tôi và em gái(con cô An) năm nào cũng về viếng 2 chú LS
Cha tôi từ Miền Nam tập kết ra Bắc vào đợt sau cùng. Khi tôi cùng các bạn được về VN nghỉ phép thì cha tôi đang sống trong Thành HN. Cả 3 em của cha tôi đều không còn. Nhà cửa ở Hòa Mạc ( Duy Tiên) tan hoang vì không ai quản lý. Coi như tay trắng ! Nhưng tất cả điều ấy không đau đớn bằng cả 2 chú tôi hy sinh , được công nhận là Liệt sĩ, nhưng đều ...không tìm thấy phần mộ! Nhiều năm sau này, dù bệnh tật nhưng cha tôi và gia đình chúng tôi đã cố gắng liên lạc với các đơn vị cũ của 2 chú để đi tìm mộ, nhưng tất cả đều ...vô vọng !

Có một năm chúng tôi nhờ nhà  ngoại cảm liên lạc với vong hồn 2 chú, thì được 2 chú trả lời , thôi, thời gian quá lâu rồi, phần xác đã thành cát bụi. Phần hồn thì các chú đã có đồng đội thay gia đình. Mọi người không phải mất công mất của đi tìm nữa, Hãy làm cho 2 chú 2 ngôi mộ bóng, đặt ở nghĩa trang Liệt sĩ quê nội ( Cẩm Giàng, Hải Dương), coi như làm cho các chú 2 căn nhà để hàng năm các chú về thăm quê và lấy đây làm nơi các cháu thắp hương tưởng nhớ 2 chú cùng đồng đội ! Xin nói thêm. Chú Văn của tôi hy siinh khi rất trẻ, chú chưa có gia đình. Còn chú Chức nghe tin đã có vợ và có 1 con, nhưng khi chú hy sinh thì cũng biệt vô âm tín ! Hoàn cảnh đất nước chiến tranh liên miên, cha tôi lại ở chiến trường xa, một bức thư từ ngoài Việt Bắc gửi vào cũng phải mất hàng mấy tháng trời, chuyện thất lạc cũng thường tình !
Bốn anh em cha tôi

Như vậy là bà nội tôi có 4 người con đều  tham gia CM từ tiền khởi nghĩa, trong đó có 2 con trai là Liệt sĩ. Gia đình được tặng Bảng vàng "Tổ Quốc chi công", nếu theo Pháp lệnh 1994 thì bà Nội tôi chưa đủ tiêu chuẩn được công nhân Bà Me VNAH. Nhưng, nay tại Điều 2 Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh năm 1994, thì những bà mẹ như bà nội tôi thuộc trường hợp thứ nhất: "Có 2 con trở lên là liệt sĩ." cũng đủ tiêu chuẩn được công nhận BÀ MẸ VNAH".

Tôi nghĩ, chẳng có người mẹ nào tự nhiên lại mong mình được tặng Danh hiệu BMVNAH , bởi để được danh hiệu này cái giá phải trả nó cao quá ! Cao một cách tàn nhẫn ! Vậy tôi có cần thiết phải tiến hành các thủ tục để ...XIN cho bà Nội tôi không ? Các bạn hãy nghĩ giúp tôi đi ?

12 nhận xét:

  1. Bà Nội của bạn hoàn toàn xứng đáng là bà mẹ VNAH. Bà mất rồi, nếu xin được thì cũng an ủi được vong linh Bà ở thế giới bên kia và cũng là niềm vình dự cho con cháu.
    Còn nếu không xin được thì chỉ thiệt cho con cháu. Còn bà khi xưa đã mất từ trước khi hai chú hy sinh cho nên nỗi đau mất mát ấy ở trên trần thế bà chưa phải gánh chịu. Bây giờ bà đã gặp hai chú ở TG đó rồi, chắc không xin được thì bà cũng không buồn lắm. Đó là suy nghĩ nông cạn của tôi. Có sai xin bạn bỏ qua cho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có suy nghĩ giống tôi . Xin cảm ơn chia sẻ của bạn .

      Xóa
  2. Xin chia sẻ với Q.Trung.
    Mình thiển nghĩ: Huân huy chương, mọi danh hiệu cao cả (nếu thực sự xứng đáng) là rất quý và rất đáng trân trọng. Nhưng suy cho cùng mọi thứ đều sẽ là ... "hư vô"; quan trọng là ở TẤM LÒNG thực sự thương tiếc, ghi nhớ công ơn những người đã khuất và thực sự quan tâm thường xuyên cụ thể và thiết thức đến những người đang sống (Bà Mẹ VNAH, Thương binh, Gia đình Liệt sỹ, những người có công với Nước). Chứ không phải chỉ chờ đến ngày TBLS.

    Trả lờiXóa
  3. Đã được thắp hương trên mộ hai bác, nay được nghe kể ngọn ngành, lại càng kính phục các cụ và gia đình anh. Xin cho em được thắp một nén tâm nhang anh nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Đọc đoạn GHI NHỚ trên, tôi cảm nhận gia đình cụ thật tự hào mà cũng đầy thương nhớ. Ông nội mất sớm, Bà cũng không sống đến cao tuổi, hai chú liệt sĩ nay chỉ còn hai ngôi mộ bóng, cha và cô đều hoạt động CM và KC... Bà nôi có hai con liệt sĩ, hoàn toàn ghi nhận xứng đáng là mẹ VNAH. Có điều như trong bài đã viết danh hiệu được trả với nỗi đớn đau, với giá tàn nhẫn! Cụ (bà nội), các chú, đều ở cõi vĩnh hằng chắc là không đòi hỏi gì nhưng tôi nghĩ con chấu phải được ghi nhận vinh danh cụ. Tôi cũng nghĩ không XIN mà là đề nghị, là thực hiện Pháp lệnh truy tặng cụ danh hiệu mẹ VNAH. Nếu "họ" không làm là họ có lỗi với những người đã hy sinh ! Tôi nghĩ rằng họ phải làm, phải tôn kính cụ (bà nội) và các chú. Như cụ 3B viết: không chờ ngày TBLS.

    Trả lờiXóa
  5. Bạn thật tự hào được sinh ra trong một gia đình có truyền thống CM.Các chú của bạn đã hy sinh tuổi trẻ của mình cho nền độc lập tư do cùa đất nước.Đặc biệt mình cảm nhận được cái tâm của bạn với cha chú mình.Nhân ngay thương binh liệt sì,bạn thắp giùm minh nén nhang tưởng nhớ các cụ .

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn anh Phiến, em Thu Giang và các bạn Tiến Hoàn, Trung Hải, Diệu Huyền (v.v...) đã đọc và chia sẻ với mình xung quanh chuyện bà Nội của mình. Chi tiết này đây là lần đầu tiên mình viết trên Blog. Riêng về 2 ông chú việc "xin" được tấm bằng Liệt sĩ để treo trong nhà mình cũng gặp lắm phiền toái. Cả 2 chú đều có giấy báo tử và ghi rõ là "liệt sĩ", thế nhưng giấy này từ thời KC chống Pháp, khi các cơ quan chức năng(thời nay) đi tìm lại đơn vị cũ để "xác minh" thì tất cả chỉ còn trong ...ký ức của vài người cao tuổi, đôi khi đã lẫn. Lạ nhất giấy báo tử của chú Chức mình do chính CA Thị xã Hòa Bình ký tên đóng dấu (ghi rõ là Liệt sĩ và đơn vị thề trả thù cho chú mình) mà họ cũng lục không ra sổ gốc ! 20 năm trước mình đã từng đến Bộ LĐ-TBXH gặp bạn Trương Trác nhờ chuyện này. Không biết có phải do có tiếng nói của bạn Trác hay không mà vài năm sau (?) Bộ này gửi thông báo đã chính thức xác nhận và cấp "bằng" Liệt sĩ cho chú mình. Bằng và kèm theo các quyền lợi cho 2 Liệt sĩ chú mình được gửi về Sở LĐTBXH Tp.HCM. Mình chạy lên chạy xuống nhiều lần trong 3 năm vẫn được Sở này báo ngắn gọn " Chúng tôi chưa nhận được !". Rồi cuối cùng mọi hồ sơ cũng đến được Sở. Sở bảo đã gửi về Quận 1 ( Khi ấy bố mình đã qua đời nhưng gia đình còn ở số 2B Thi Sách, Phường Bến Nghé. Q1).Đến Quận, ông Quận bảo đã đưa về Phường. Rất may là mình quen và khá thân với ông Thư - Bí thư kiêm chủ tịch Phường và anh Sáu Trưởng CA Phường từng sinh hoạt cùng chi bộ hưu trí với bố mình ( ông làm Bí thư). Tưởng như thế là quá thuận lợi rồi. Không ngờ 2 lần mình đến Phường hỏi thì lại vẫn điệp khúc cũ : Phường chưa nhận được! Lần thứ 3 mình đề nghị họ mở tập hồ sơ ra kiểm tra . Trời ơi, tên 2 chú mình đúng là đã có trong tập hồ sơ nhìn qua đã biết có từ khá lâu rồi! .Tập hồ sơ cũ kỹ, mỗi Liệt sĩ được 2 dòng kẻ ô ly. Lẫn cả Liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ. Mà Liệt sĩ chống Mỹ mới đây thôi nên còn dễ tra cứu. 2 chú mình Liệt sĩ chống Pháp lại từ ngoài Bắc xa xôi nên không có ai để ý cũng là phải rồi (?!) . Sau khi tra sổ có tên 2 chú mình các đồng chí ấy bắt đầu tìm 2 tấm bằng . Họ bắc ghế cao để tiện với tay lên nóc tủ tài liệu, trên ấy có "cả đống" bằng Liệt sĩ đã được lồng sẵn vào khung kính mà chưa thấy ai đến nhận hoặc chưa tổ chức Lễ lạt để Chính quyền trao. Cuối cùng 2 khung kính có bằng Liệt sĩ của 2 chú mình cũng được tìm ra bời nó nằm trong cùng, sát góc tường !
    Các đồng chí ở Phường nói để nhân một dịp Phường họp gì đó sẽ kết hợp tổ chức "làm lễ" trao cho đai diên gia đình. Nhưng, lậy Trời, mình cảm ơn và yêu cầu cho nhận ngay . Từ đó trong gian thờ của gia đình mình bên cạnh tấm bằng "Tổ quốc ghi công" đã có thêm 2 tấm bằng Liệt sĩ mang tên 2 chú mình . Về phần quyền lợi (tiền tuất và quà cáp thăm hỏi cho gia đình những dịp 27/7 và lễ lạt hàng năm) gia đình mình thống nhất ủy quyền toàn bộ cho người cháu dâu (họ xa) duy nhất còn lại ở quê gốc( tức xã Cẩm Vũ, Cẩm Giảng, HD) nhận và chịu trách nhiệm sử dụng đúng mục đích. Tuy vậy anh em chúng mình hàng năm vẫn thay nhau về viếng 2 chú và gặp gỡ chính quyền xã để thăm hỏi và thiết thực hơn là đóng góp thêm vào quỹ "đến ơn đáp nghĩa" của địa phương. Kể lại chuyện " xin" bằng Liệt sĩ cho 2 chú mình để lường hết "phúc tạp" khi mình bắt đầu lộ trình "xin" Danh hiệu BMVNAH cho bà Nội mình. .

    Trả lờiXóa
  7. Chia sẻ cùng Quang Trung, hôm vào nhà Trung mình đã thấy ảnh Cha của Trung nhưng chưa được biết tường tận về gia đinh anh em của Cha Trung, đọc rồi thấy thật đang tự hào. Trung có 2 người chú đã hy sinh chưa tìm được phần mộ, mình cũng có cậu em trai út hy sinh năm 1968 ở tỉnh Quang Nam ,nay vẫn chưa tìm được mộ, đến ngay Thương binh liệt sỹ ,chung mình có chung nỗi tiếc thương các liệt sỹ đã hy sinh cho tổ quốc, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ!

    Trả lờiXóa
  8. Từ xưa nay tôi vẫn không đồng thuận cao (như từ mà ông Gs Tbt Trọng khoái tỷ hay tự khen) với cái việc đặt ra tiêu chí mẹ nào chếtt được bao nhiêu con thì được cấp cái danh bà mẹ anh hùng. Con nào mất đi mà Mẹ chả đau chả chết mười khúc ruột ;lấy gì mà tính được bù đắp được . Thật bất nhẫn , những kẻ làm ra các chuyện ban thưởng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu Hân (hoặc ai đó) từng xem bộ phim tài liệu của đạo diễn người Pháp có tên " Những linh hồn phiêu dạt" (Nội dung nói về chuyện người VN đi tìm mộ Liệt sĩ) sẽ rất cảm động nghe một bà mẹ Liệt sĩ tâm sự với 1 bà mẹ khác, rằng bà rất hối hận vì đã không ngăn cậu con trai độc nhất của mình đi bộ đội ! Có lẽ lần đầu tiên chúng ta nghe câu nói trái với "định hướng tư tưởng" như thế này , nhưng phải công nhận, đấy mới thực là tâm trạng của người mẹ !!

      Xóa
  9. Ông bà nội mình cũng được công nhận BVDD- Tổ quốc ghi công vì có 4 con đi bộ đội và một liệt sỹ. Bó mình là con cả theo CM từ năm 1939 và được gửi đi học Trường QSự Hoàng Phố (ở Trung Quốc) cùng thời với cụ Hoàng Điền,Hoàng Văn Thái v...v. Sau về Trường Lục Quân Việt Bắc( đóng ở Phúc Trừu Thái Nguyên)Chú thứ hai ở Sư đoàn 316,chú thứ ba là cảm tử quân Hà nội (vì hồi đó học trường Chu Văn An) sau này hy sinh ở mặt trận Phố Lu đúng vào 28 tết và được công nhân là liệt sỹ,còn chú thứ tư là bộ đội trinh sát sau chuyển sang Bộ CA và vào Nam hoạt động,bị bắt và tù Côn Đảo. Theo mình Q Trung cứ đề nghị vì năm nay nhà nước có nhiều thay đổi cs với các gia đình có công với CM

    Trả lờiXóa
  10. Trường Lục Quân ở Phúc Trừu, h Đại Từ ( đây là địa điểm mà mẹ con Đỗ Đồng đã ở thời KC 9 năm vừa mới được ĐĐ viết thành hồi ký đăng trên Blog Làng ta đó !). Ông cụ mình có thời làm giáo viên ở trường, cụ đón mình lên ở với cụ mấy tháng. Đến khi trường bị lộ máy bay Pháp oanh tạc, trường chuyển sang Vân Nam TQ mình mới về nhà. Đây cũng là 1 "sự kiện" trong đời mình. Lúc trường bị oanh tạc, lán trại bị cháy đùng đùng, mình đang ở nhà 1 mình , may được 1 chú học viên cõng chạy xuống chân đồi sau nhẩy đại xuống cái giêng cạn tránh một tràng liên thanh máy bay nó bắn theo. Mãi sau này bố mình mới cho biết người cõng mình đó là chú DƯƠNG NGỌC ĐỨC - cố Đạo diễn,NSND. chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN !!!. Ông cụ nhà mình có 1 bài thơ về Trường Lục Quân rất cảm động ( Đã in trong tuyển tập LS trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn). Chuyện trường LQ thì anh em Trần Kháng Chiến rất rành , vì cụ Trần Tử Bình thời ấy làm Chính ủy nhà trường mà. Mình và Kháng Chiến, Kiến Quốc thân nhau cũng là vì vậy !

    Trả lờiXóa