Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Tại sao Giáo dục ?

 (Theo Blog Huy Đức)

Calathu Vu : Năm nào cũng vậy, cứ " đến hẹn lại thi !" Mà đâu chỉ có hàng triệu học sinh khăn gói quả mướp đội mưa , đội nắng lên Kinh ứng thí ! Căng thẳng, tốn kém, hao sức tốn của cả thí sinh lẫn phụ huynh học sinh . Tại sao? Tại sao ? Mõ cóp từ Blog Huy Đức bài viết này, và một vài bài khác xung quanh chuyện thi cử và rộng ra là một nền Giáo dục Việt Nam  " đậm đà bản sắc dân tộc" đến nỗi hàng mấy thập niên rồi "Cải tiến" vẫn chỉ là " Cải lùi", làm khổ cả xã hội mà không thu được kết quả gì khả quan !
Trước hết là bài của Huy Đức với tựa đề :

Tại sao Giáo dục ?

Sáng nay, 2-7-2015, anh bạn "chè xanh" của tôi đưa người em út - theo con từ Bến Cát, Bình Dương xuống Sài Gòn thi - đi ăn phở Phú Gia. Người em lặng đi khi thấy anh tính tiền một tô phở có giá 65 nghìn VND. Anh ấy may mắn có một ông anh ở Sài Gòn nên không phải vất vả tìm chỗ trọ, không phải chịu "cơm đường cháo chợ" đắt đỏ như hàng triệu phụ huynh học sinh "lai kinh ứng thí" khác.
Ai nghĩ ra cái chính sách quái gở bắt học sinh từ tỉnh này sang tỉnh kia, đặc biệt là vào những thành phố lớn để thi. Chưa nói chuyện tiền bạc, chỉ cần một sơ sẩy về đường sá, tới chậm giờ thi là lại uổng công các em một năm đèn sách.
Đây là năm đầu tiên thí sinh chỉ chịu một kỳ thi thay vì hai như các năm. Đành rằng cái gánh trên vai phụ huynh và học sinh có giảm hơn. Nhưng, cơ sở lý luận nào để coi việc giảm một kỳ thi là cải cách; cơ sở lý luận nào để gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với kỳ thi tuyển sinh đại học.
Một học sinh đã học 12 năm ở trong trường phổ thông, đã được lên từng lớp, đã được lên từng cấp, đã trải qua các kỳ kiểm tra trong năm học tại sao không đương nhiên được coi là đã "hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông". Đành rằng, chất lượng giáo dục từng em không thể giống nhau nhưng chính các em sẽ bắt đầu chịu sàng lọc của thị trường lao động và của từng cánh cửa trường đại học.
Trong "diễn từ" đọc tại lễ mừng tốt nghiệp của 100 tân khoa Đại học Hoa Sen, Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng cho biết có 80 tân khoa đã tìm được việc làm trước ngày ra trường. Chính thị trường lao động chứ không phải Bộ Giáo dục sẽ phân loại các trường đại học. Vậy tại sao Bộ lại nhảy xổ vào việc tuyển sinh của các trường.
Tại sao lại không để cho các trường kém danh tiếng nhận tất cả học sinh đã "hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông" mà không cần thi. Đừng nghĩ về đại học quá cao siêu mà hãy coi nó như một trạm dừng chân của những người trẻ tuổi trước khi trưởng thành. Những người không có đủ học lực vào những trường học cho họ nhiều cơ hội tốt nhưng lại vẫn cần những kiến thức căn bản để làm người trước khi nhận ra khả năng thật của mình là gì để nỗ lực vào một trường đại học khác hoặc về lại nhà giúp mẹ cha đồng áng.
Tại sao lại không để cho các trường đại học có uy tín tự đưa ra chính sách tuyển sinh, có thể tự tổ chức thi cử, xét học bạ, phỏng vấn hoặc dựa vào kết quả các kỳ thi do một trung tâm khảo thí độc lập tổ chức. Kể cả những kỳ thi do các tổ chức giáo dục nước ngoài tiến hành.
Tại sao?
Trong Hội thảo Giáo dục của nhóm Đối Thoại Giáo Dục do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng tổ chức tại Sài Gòn năm 2014, sau hai ngày lắng nghe, ông Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga trả lời tỉnh bơ: Các ý kiến ở đây không có gì mới, chúng tôi đã biết hết cả rồi. Tôi tin là ông Ga nói thật lòng. Trong thời đại ngày nay không có kiến thức nào của loài người tiến bộ lại quá xa lạ với quan chức Việt Nam. Vấn đề là tại sao các quan chức Việt Nam lại cứ cắm đầu cắm cổ duy trì những chính sách hành hạ người dạy và người học.
Câu trả lời cũng không có gì khó. Nếu Bộ Giáo dục chỉ đưa ra các "phép tắc" mà không đồng thời là người ban cho các "phép tắc" thì Bộ sẽ có chính sách đúng đắn ngay. Một khi những người ban hành các chính sách đang có thể trục lợi trên những chính sách phiền hà mà họ đưa ra thì không bao giờ có những chính sách hợp lòng dân được.
Khi tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân ra nắm Bộ Giáo dục, khi ông đang được dân chúng kỳ vọng và bàn tay chưa kịp nhúng chàm, tôi đề nghị ông nên tách các vụ tham mưu chính sách ra khỏi các cục thực thi chính sách (nếu vẫn duy trì việc cấp phép ở cấp Trung ương). Các vụ không được dính vào quy trình đăng ký hay cấp phép. Tốt nhất là Bộ chỉ đưa ra các điều kiện rồi giao cho các địa phương căn cứ các điều kiện đó mà cho các cơ sở giáo dục - kể cả các trung tâm khảo thí - đăng ký. Bộ Giáo dục vẫn như cũ cho tới khi ông Nhân ra khỏi đó.
Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu nhiệm kỳ thứ II, tôi viết bài "Ba Khâu Đột Phá Của Thủ Tướng"(2-8-2011), trong đó "khâu thứ Nhất" tôi đề nghị: "Với năng lực của cá nhân Thủ tướng và đội ngũ cố vấn hiện thời, Chính phủ chưa nên ban hành chính sách gì mới. Việc đầu tiên, trong phạm vi quyền Hiến định của mình, Chính phủ nên sắp xếp lại các cơ quan chính phủ theo hướng tách bạch chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ".
Chỉ còn nửa năm nửa là kết thúc nhiệm kỳ II, chưa thấy quyết định gì có thể gọi là cải cách.

3 nhận xét:

  1. Cơ quan Giáo Dục ngày nay nêu chiêu bài "đổi mới" càng làm khổ dân gấp nhiều lần ! Khổ học trò, khổ phụ huynh, khổ cả nhà trường nhưng tạo ra "thị trường" lợi ích nhóm cho những nhóm có cơ hội trục lợi ! Thi "2 trong 1" chưa có thí điểm nào cả ở VN đem ngay ra toàn quốc ! Thi "1 trong 1" còn chưa minh bạch thì "2 trong 1" càng tù mù! Vậy họ đâu có vì dân mà là hành dân. Xưa kia có Bộ Giáo dục riêng và Bộ Đào tạo riêng , rành rõ. Từ khi nhập cục GD & ĐT ngày càng mất "chất" GD " mà càng tăng các cách chạy vào "đào tạo" , thực chât thi "2 trong 1" chỉ là thi tuyển sinh ĐH trá hình và Bộ càng ôm bao nhiều quyền !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này thì cụ giáo TB FIOHAN quá rành ! Xin thỉnh ý cụ !

      Xóa
  2. Nguyễn Ngọc Hùnglúc 16:22 3 tháng 7, 2015

    Moị chuyện ở Ta bây giờ đã bị đẩy vào tình trạng rối tinh rối mù lên hết cả rồi! Phê phán thì cả ngày không hết chuyện. Mà đề xuất giải pháp thì chẳng cái nào khả thi đâu. Tỉ dụ như Huy Đức nêu ý kiến: Bộ GD không cần "dính" vào, cứ để địa phương và các trường "tự chủ". Nhưng xin thưa: Được như thế thì địa phương và các trường cũng sẽ đua nhau trục lợi mà thôi. Như chuyện "phân cấp" cho địa phương về quản lí đầu tư, đất đai đấy. Các địa phương đua nhau chia chác, lập dự án ma để thu hồi đất của dân, rồi cho Tàu nó "thuê" cả Việt Bắc, Tây Nguyên... Im ắng thì thả sức chia nhau "phần tù mù". Có "chuyện" thì tự phê bình "vì chúng em kém hiểu biết" là xong!
    Không giải pháp nào giải thoát được tình trạng hỗn loạn hiện nay đâu! Đừng mất công "nhiệt tình hiến kế". Các quan biết cả đấy. Nhưng làm thế nào mà bỏ "lợi ích" được đây???
    Vậy mà tôi vẫn lại hiến một kế không tưởng thế này: Tất cả các đồng chí trong BCT họp nhau ra nghị quyết: Chúng ta "đủ rồi". Tất cả cùng "dừng tay". Từ nay, đứa nào "ăn" nữa thì đừng trách! Nếu làm được như thế thì đố thằng cha nào dám trái lệnh đấy!

    Trả lờiXóa