Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Học sinh Việt Nam hãy bớt... giỏi đi!

 “Thầy muốn các con học bớt giỏi đi, hãy chỉ cần đạt điểm 8 thôi thay vì điểm 9 hoặc 10, và phải biết chơi thể thao, thích khám phá, biết làm việc nhóm và giao tiếp”.
  LTS: Cứ mỗi kỳ thi về, các phụ huynh và học sinh lại chộn rộn với kết quả học tập của các em. Nhưng những năm gần đây, các phụ huynh và chuyên gia giáo dục lại bắt đầu hoang mang vì... nhiều học sinh giỏi quá. Áp lực và thời gian học hành gia tăng; nhưng cái giỏi này có thực chất không, có đi đôi với hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống không?
Tuần Việt Nam mở diễn đàn Thế nào là giỏi? Giỏi để làm gì? Mời các phụ huynh và chuyên gia giáo dục cùng tham gia thảo luận.
Học giỏi vì... phải giỏi 
Trong gần 20 năm dạy học, tôi có may mắn được tiếp xúc và dạy rất nhiều các học sinh giỏi của Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước. Các em đều học giỏi, săn học bổng và đích ngắm của các em là đi du học mà cụ thể là vào các trường hàng đầu. 
Các học trò của tôi hầu hết đều đến từ các trường chuyên, nhiều em là HSG thành phố, quốc gia. Dạy các em trở thành học rất giỏi khá dễ dàng. Thế nhưng nếu bạn hỏi tôi có thích dạy các em trở nên giỏi như thế không, câu trả lời lại là KHÔNG.
Tôi còn muốn các em HỌC BỚT GIỎI ĐI.
Bởi dù điểm tổng kết cao chót vót, thành tích cao với nhiều giải thưởng trong môn chuyên, nhưng dường như các em thiếu nhiều thứ.
Đầu tiên là sự năng động. Các em không có nhu cầu tham gia các hoạt động xã hội và trải nghiệm cuộc sống, đặc biệt thờ ơ với thể thao và vận động. Nếu được chọn giữa đi chơi, tham gia các sự kiện và đi học thêm (nhất là học đội tuyển) thì các em sẽ lựa chọn việc đi học.  
Các học sinh của tôi sang Singapore học trung học đều cho biết, chạy 5.000m đối với học sinh nước này là bình thường, còn đối với các em học sinh của ta lại là thử thách khủng khiếp.
Tiếp đến là khả năng thích nghi và vượt khó của các em rất kém. Khả năng làm việc nhóm thì càng tệ. Các em học giỏi nhưng không dễ hòa nhập và sống chung - một trong 4 mục tiêu của giáo dục mà UNESCO đã đưa ra.
Chúng ta cũng như các nền giáo dục châu Á khác (trừ Nhật Bản) đã và đang luôn cố gắng đào tạo ra các em học sinh thông minh nhất và có hiểu biết tốt nhất, chứ không phải đào tạo ra các học sinh biết suy nghĩ và làm việc; chưa nói tới các em học sinh có khả năng thích ứng, có kỹ năng sống sót cao.
Tôi cũng xin lưu ý là nhiều người trong chúng ta đã nhầm lẫn việc tạo cho môi trường thi cử khốc liệt với việc tạo cho học trò môi trường rèn luyện khả năng sống sót. Trên thế giới, Israel là một nền giáo dục mẫu mực kiểu đó.
Tôi vẫn hay nói với các em học sinh giỏi của mình là: “thầy muốn các con học bớt giỏi đi, hãy chỉ cần đạt điểm 8 thôi thay vì điểm 9 hoặc 10, và phải biết chơi thể thao, thích khám phá, biết làm việc nhóm và giao tiếp”.
 Hoạt động thể thao rất quan trong đối với các em HS.

Giỏi để thoát nghèo 
Trong một xã hội kém phát triển với nền sản xuất mang nặng tính chất nông nghiệp và tư duy kiểu tiểu nông, suy nghĩ phải học giỏi để thoát nghèo, để thành đạt thành đạt là một điều phổ biến và dễ hiểu. Cách này tuy dài lâu và vất vả nhưng nó gắn với cái gọi là: vùng an toàn (comfort zone).
Không mấy ai nghĩ tới việc làm ra một cái gì đó hay và tốt để bán kiếm tiền và từ đó thoát khỏi cảnh nghèo khó. Cách làm này nhanh hơn nhưng chứa đựng nhiều rủi ro.  Cách 1 tạo ra những người đi theo và người làm thuê.
Cách 2 tạo ra những người dẫn dắt và người làm chủ.
Nền giáo dục đồng phục về kiến thức của chúng ta luôn cố gắng tạo ra những con người học giỏi và học rất giỏi. Nhưng với cách đó thì mãi chúng ta cũng chả bao giờ theo kịp các quốc gia phát triển chứ nói gì tới việc sánh vai cùng họ.
Nghe vô lý và có vẻ đùa cợt, nhưng nó lại thường chứa đựng các sự thật: ở nước ta có những vùng có tới cả ngàn tiến sỹ, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo; học giỏi đấy nhưng không biết làm giỏi và làm giầu.
Hãy lấy ví dụ ở các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ: Dân châu Á vốn nổi tiếng là học giỏi và kèn cựa nhau. Để vào được các đại học Hoa Kỳ họ không còn cách nào khác là học thật ... giỏi,  hơn hẳn số đông theo kiểu siêu nhân: GPA cao chót vót (gần 4.0); SAT cao vô đối (trên 2300, 2400); thành tích nghệ thuật thể thao, các loại giải thưởng và hoạt động hoành tráng.
…họ vẫn bị các trường hàng đầu từ chối.
Họ (Harvard và các trường hàng đầu của Mỹ) còn khẳng định đa dạng về trình độ và hoàn cảnh mới chính là nền tảng của sự thành công về giáo dục và đào tạo của họ, chứ không phải những cá nhân học giỏi giống nhau. 
Người châu Á lại cho rằng học giỏi là có thể làm gì tùy thích. Điều đó không sai nếu anh học giỏi để làm người làm theo, còn để dẫn dắt và sáng tạo thì không phải lúc nào cũng đúng.
Tại Harvard, Yale và Princeton và các trường hàng đầu của Mỹ, tỉ lệ người Mỹ gốc Á hiện nay chiếm khoảng 20%, thấp nhất từ trước tới nay và thấp hơn rất nhiều so với cách đây 2 thập niên. Để vào được các trường hàng đầu, người châu Á, gốc Á phải cố gắng hơn nhiều so với học trò Mỹ da trắng và kể cả học trò Mỹ gốc... Phi.
Mới đây một học sinh người Mỹ gốc Trung Hoa đã làm xôn xao cả nước Mỹ khi thuê kiện các trường hàng đầu như Ivy League, trong đó có cả Harvard vì tội phân biệt chủng tộc trong việc xét duyệt hồ sơ. Các cáo buộc có cả việc tố cáo Harvard và các trường này đặt ra hạn ngạch đối với các học sinh châu Á và gốc Á.
Các trường  này vẫn giữ quan điểm của họ và cuối cùng em học sinh học siêu giỏi gốc Á này đã vào Williams College và tiếp tục mong chờ Harvard thay đổi quan điểm. Nhưng Harvard vẫn từ chối cậu.
Các nhà tư vấn (tại Mỹ) cho các học sinh châu Á đã có các thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây khi khuyên các học sinh bớt... học giỏi kiểu châu Á đi, hãy thể hiện khả năng biểu diễn sân khấu (cả âm nhạc và thuyết trình) và chơi các môn thể thao.
Các em hãy cho thấy sự khác biệt. Đã có thời bài luận đầu vào đại học Mỹ (admission essay) của học sinh châu Á gốc Việt với câu chuyện sống sót trên biển với 2 đô la trong túi và thoát khỏi miệng cá mập trên đường vượt biển sang Mỹ là 1 motif gây ấn tượng mạnh.
Theo thời gian, motif này trở thành một kiểu đồng phục. Người Mỹ đề cao tính sáng tạo cá nhân và cả sự trung thực rất không thích điều này. Nếu bạn giống người khác cho dù là học siêu giỏi thì bạn vừa không còn là bạn, mà còn cho thấy bạn thiếu hụt trầm trọng 2 điều sau:
1. Tố chất dẫn dắt (liên quan tới tính sáng tạo và dám mạo hiểm cá nhân trong việc theo đuổi cái mình thích học và thích làm).
2. Khả năng lãnh đạo.
Chừng đó có lẽ là đủ để ta thấy sự nguy hiểm và nguy hại của việc... học giỏi nhờ học trâu bò của người châu Á trong đó có người Việt chúng ta.
Thế mới hay: trong mặt nước của cái ao làng và đáy giếng, vầng trăng nào dường như cũng sáng.

Nguyễn Tuấn Hải (CEO, Eton Grammar School)

3 nhận xét:

  1. Có ý kiến cho rằng đánh giá HSVN học giỏi là rất chủ quan. Do đó chớ vội khuyên các em đừng học giỏi !!!

    Trả lờiXóa
  2. Từ thời phục hưng đến nay, nước Pháp luôn luôn là một trong những trung tâm toán học lớn nhất thế giới, tính về đóng góp cho toán học thế giới thì có lẽ chỉ đứng sau Mỹ và Liên Xô (thời Liên Xô chưa sụp đổ). Còn sau khi Liên Xô tan rã thì nền toán học của Nga cũng bị lụi bại đi nhiều vì không được đầu tư thích đáng).
    Nền Toán học của Pháp không kém gì nước châu Âu nào như Đức, Anh, Ý...


    Thế nhưng, kết quả của đoàn học sinh Pháp ở các kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO) thường rất là khiêm tốn. Ví dụ như năm 2014 thi ở Nam Phi, đội Pháp chỉ đứng thứ 45. Tại sao lại có "nghịch lý" như vậy?
    Câu trả lời đơn giản là: vì ở Pháp người ta không quan tâm lắm đến thi IMO. Tức là cũng có chút quan tâm, nhưng độ quan tâm đó thua xa so với Việt Nam hay nhiều nước khác.
    Việc ít quan tâm này thể hiện qua độ đầu tư vào thi Olympic ở Pháp rất ít. Tổ chức animath (www.animath.fr) ở Pháp đứng ra phụ trách các cuộc thi olympiad về Toán là một tổ chức có tính tự nguyện, những người tham gia là tự nguyện, chứ không phải là do Bộ Giáo dục lập ra.
    ( Tôi cũng đọc một tài liệu khác nói rằng ở Mỹ cũng có quan niệm và cách làm giống như Pháp )

    Trả lờiXóa
  3. Khái niệm "giỏi" trong học trò và các trường hiện nay bị gò vào các kỳ thi riêng biệt các cấp và các môn, các địa phương, giỏi Toán, giỏi Văn, giỏi Trường, giỏi Tỉnh, giỏi QG, quốc tế v.v... chưa xác định thật sự "đẳng cấp" trí tuệ vì chỉ mới phản ánh một phần nào đó mà thôi. Tất nhiên không phủ nhận kết quả, năng khiếu của các em nhưng tất cả chỉ mới là dấu hiệu, còn phải công sức học tập nhiều, rèn luyện nhiều.Vậy nên cần coi trọng thực chất học tập, trí thông minh, ý chí, nghị lực của HS chứ không nên đua nhau "gạo", "nuôi gà chọi" hư danh ...

    Trả lờiXóa