Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Chân dung hai 8X đứng sau bài diễn văn lay động của Tổng thống Obama


Chân dung hai 8X đứng sau bài diễn văn lay động của Tổng thống Obama

Jonathan Favreau và Tổng thống Obama.

Suốt những năm làm chính trị của mình, Tổng thống Mỹ Obama đã có hàng nghìn bài diễn văn, phát biểu trước hàng triệu người trong những hoàn cảnh khác nhau. Tác giả của những bài diễn thuyết đó, có thể là chính ông Obama – một cây bút xuất sắc – hoặc đến từ hai chàng trai, cùng sinh năm 1981 - Jonathan Favreau và Cody Keenan.
Favreau – “cạ cứng” của ông Obama
Jonathan Favreau, sinh năm 1981, từng là hiện tượng truyền thông, khi là một trong những người trẻ tuổi nhất nước Mỹ được trao vinh dự là người soạn thảo các bài diễn văn cho người đứng đầu Nhà Trắng. Washington Post từng miêu tả về Favreau, khi anh viết bài diễn văn nhậm chức Tổng thống cho ông Obama và tháng 1.2009: Favreau ngồi trên chiếc ghế gỗ tại quán cà phê nhộn nhịp Starbucks ở trung tâm phố Penn. Như chiếc máy pha cà phê tự động, anh mở laptop, đánh một văn bản với tựa đề "Bản thảo bài diễn văn khai mạc" và bắt tay soạn thảo bài diễn văn được mong chờ nhất trong cuộc đời của tân Tổng thống Barack Obama. Khi ông Obama chuyển đến Nhà Trắng, Jonathan Favreau - với cương vị Trưởng nhóm biên tập - sẽ phải soạn thảo một bài diễn văn hoàn chỉnh cho lễ khai mạc, để Tổng thống ăn mừng chiến thắng.
 Jonathan Favreau là một trong những người trẻ nhất được giao trọng trách viết diễn văn cho Tổng thống Mỹ.
Để có được vinh dự này, Jonathan Favreau đã chứng tỏ năng lực của mình và trở thành cây bút xuất sắc khi mới chỉ 25 tuổi. Anh là một sinh viên xuất sắc của Trường Cao đẳng Xã hội Holy Cross và tài năng viết lách của Favreau đã bộc lộ khi anh còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 2004, khi tốt nghiệp, Favreau đã được giao nhiệm vụ viết diễn văn trong chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ John Kerry khi anh mới 23 tuổi.
Trong một lần ở trong hậu trường Hội nghị đảng Dân chủ vào năm 2004, Favreau đã có cơ duyên gặp ông Obama, khi đó ông đang là Thượng nghị sĩ bang Illinois. Khi ông Obama đọc thử bài diễn văn, đã bị Favreau – chàng sinh viên mới ra trường – liên tục ngắt lời để đính chính những dòng bị lặp lại. "Ông ấy nhìn tôi vẻ ái ngại và dường như đang thắc mắc "Cậu thanh niên này là ai?" - Favreau chia sẻ trên New York Time.
Sau khi John Kerry thất bại, Favreau bị thất nghiệp. Robert Gibbs -  Giám đốc truyền thông của ông Obama biết đến tài năng của Favreau nên đã đề nghị anh về làm việc cho ông Obama, người vừa được chọn làm Thượng nghị sĩ và đang cần thuê một người viết diễn văn. Favreau đã trải qua cuộc phỏng vấn kéo dài nhiều giờ và người trực tiếp hỏi anh - ông Obama - đã nhanh chóng nhận ra Favreau chính là chàng trai từng liên tục ngắt lời ông khi trước.
 
Cuối cùng Favreau cũng được nhận vào làm. Trong suốt 4 năm làm việc cùng nhau (từ cuối 2004 đến 2008), ông Obama và Favreau đã hoàn thiện phương thức hành văn của họ. Trước mỗi bài phát biểu, ông Obama gặp Favreau trong 1 tiếng đồng hồ để diễn giải cho anh nghe những gì ông muốn nói. Favreau viết những ý chính lên máy tính và gõ bản nháp đầu tiên.
Favreau cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ về tài năng viết lách của ông Obama. Anh khen "ông chủ" của mình là một tay viết cừ khôi và họ thường cùng nhau làm việc cho đến phút chót. Đôi lúc Favreau căng thẳng, ông Obama động viên: "Đừng lo lắng quá. Tôi cũng là một nhà văn và tôi hiểu cảm hứng văn chương có lúc đến lúc đi. Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề".
Đôi lúc ông Obama nói đùa rằng Favreau không phải là một người soạn thảo diễn thuyết mà là một độc giả đầy trí tuệ. Cuốn sách Favreau yêu thích nhất là cuốn tự truyện "Giấc mơ từ cha tôi" của Obama. 
"Trông cậu ấy giống như một sinh viên đại học. Nhưng anh chàng này không hề đơn giản, đúng không? Không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng anh ta và ông Obama không thể tách rời... Nhưng có quá nhiều gánh nặng đè lên vai anh" - chiến lược gia của nhóm vận động tranh cử của ông Obama từng nhận xét về Favreau.

                                                                  Jonathan Favreau và Tổng thống Obama. 

Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Obama vào năm 2008, Favreau đã làm việc cật lực, thức thâu đêm để "ông chủ" có những bài diễn thuyết vào sáng hôm sau. Hai tuần sau cuộc bầu cử tổng thống, Favreau chuyển đến sống ở Washington, mua căn hộ đầu tiên của mình với đầy đủ đồ nội thất. Anh phải mua thêm vài bộ vest và cà vạt để thay cho những chiếc quần jeans và áo len. Các bạn anh đùa, năm nay Favreau 27 tuổi nhưng đột nhiên mang phong độ của một quý ông 40 tuổi. Ấy là khi ông Obama đã chiến thắng trong cuộc tranh cử căng thẳng.
Khi Obama đã trở thành Tổng thống Mỹ, Favreau có cả chục người giúp sức để soạn thảo những bài diễn văn cho tổng thống, tuy nhiên áp lực công việc cũng tăng lên và khiến Favreau bị stress. Favreau kể rằng, anh thường đứng viết diễn văn tới 3 giờ sáng, chỉ ngủ 2 tiếng và tỉnh giấc lúc 5 giờ, chưa từng ngủ quá 6 giờ/ngày.
Sự nản lòng là điều mà Favreau không bao giờ nghĩ đến và không được phép trong suốt thời gian viết diễn văn. Nhưng Favreau từng co rúm người lại khi người phát ngôn của ông Obama, Bill Burton nhắc nhở: "Này chàng trai, những gì anh đang viết sẽ được công bố cho toàn nước Mỹ đấy". Favreau trả lời: "Đừng đe dọa tôi, điều này có thể làm hỏng mọi việc đấy".
Năm 2012, sau nhiều trăn trở, Jonathan Favreau quyết định rời Nhà Trắng để theo đuổi giấc mơ của mình. “Tôi muốn viết bằng giọng văn của riêng mình và cho mình” - Favreau tâm sự - "Có thể tôi sẽ viết kịch bản phim hay viết tiểu thuyết dựa trên lối viết phóng khoáng về tất cả những gì mà bản thân nó có".
Cody Keenan – từ nhân viên tập sự đến người chắp bút cừ khôi
Bài diễn văn của Tổng thống Obama ở Việt Nam sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu đi sự chắp bút của đội ngũ những tay viết cừ khôi nhất, trong đó người đứng đầu là Cody Keenan. Những ngày qua, thông tin về người góp nên thành công của bài diễn văn liên tục được mọi người tìm kiếm.
Sinh ra tại thành phố Chicago, năm 1981, Keenan làm trưởng nhóm viết diễn văn cho Tổng thống Obama từ năm 2012, khi Jonathan Favreau rời Nhà Trắng để theo đuổi những ước mơ mới của mình. Mô tả công việc này, Keenan nói đó là một “sự pha trộn giữa hy vọng và sợ hãi”.  “Ông ấy (Tổng thống Obama) đã viết 2 cuốn sách trước khi tôi bắt đầu tập tành vào nghề và ông ấy giỏi hơn tôi về khoản đó” - ông Keenan chia sẻ.
Tổng thống Obama thường yêu cầu Cody Keenan viết dàn ý trước khi xây dựng bài diễn văn.
Keenan bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng một vị trí việc làm không trả lương trong phòng văn thư của Thượng nghị sĩ Edward Kennedy. Sau đó, anh nghỉ việc để đi học tại trường quản lý nhà nước trong hệ thống Đại học Harvard. Trong suốt kỳ nghỉ hè, anh đã gia nhập đội vận động tranh cử đầu tiên của ông Obama, trở thành trợ lý thực tập dưới sự chỉ dẫn của Jonathan Favreau - người viết diễn văn chính cho ông Obama thời điểm đó. Khi ông Obama đắc cử Tổng thống, Keenan trở thành một thành viên trong nhóm viết diễn văn tại Nhà Trắng.
Cũng như Jonathan Favreau, Cody Keenan cho biết mình thường thức cả đêm để viết những bài diễn văn quan trọng và chịu khá nhiều sức ép. Khi Keenan mới đảm nhận công việc, Tổng thống Obama vẫn thường chỉnh sửa chi tiết dự thảo diễn văn mà ông nhận được và ghi chú, giải thích cho Keenan những chi tiết cần chỉnh sửa.
“Ông chủ Nhà Trắng luôn bắt đầu với câu hỏi: Tôi sẽ phải nói về chuyện gì?", đồng thời yêu cầu một dàn ý với phần mở đầu, phần thân và kết luận. Ông cũng muốn có bản tóm tắt bài diễn văn trong vài câu ngắn gọn trước khi được soạn thảo chi tiết, bởi nếu không có nó, người viết sẽ không có cơ sở để triển khai bài diễn văn”- Cody Keenan từng chia sẻ.
 
Các trợ lý ở Nhà Trắng cho biết, năm nay là năm thứ hai liên tiếp, Tổng thống Obama không cần viết lại những bài diễn văn của Coday Keenan. Đó là một thành tích đáng nể.
Trái ngược với người đồng nghiệp đi trước – luôn đề cập đến những chủ đề to lớn vĩ mô - thì Keenan lại biến những bài diễn văn của Tổng thống trở nên gần gũi, giản đơn mà đầy thuyết phục với những chi tiết cuộc sống thường nhật. Coday Keenan cũng luôn chú trọng nghiên cứu văn hóa của các nước mà Tổng thống Mỹ sẽ tới thăm, để viết nên những bài diễn văn chạm đến cảm xúc và gần gũi với người dân nước đó.
"Phần đáng sợ nhất là nhấn nút gửi, đó là khi tôi gửi nó cho Tổng thống. Khi Tổng thống bắt đầu bài diễn văn, tôi mới hoàn toàn nhẹ nhõm" – dù áp lực không nhỏ, nhưng Coday Keenan vẫn bày tỏ mong muốn được đồng hành với ông Obama đến khi ông hết nhiệm kỳ Tổng thống và cả sau khi ông đã rời Nhà Trắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét