Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Nhà báo Nguyễn văn Cầu, người tham gia phỏng vấn ghi hình phi công tù binh John McCain ở Hà Nội.


Nhà báo Nguyễn văn Cầu
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Vũ Hồng Quang (ghi chép)
(Đã đăng TC Truyền hình Việt Nam  4/2003)
Nhà báo Nguyễn văn Cầu và phu nhân ( bìa trái) tiếp các nhà làm phim Pháp tại tư gia 4/1999
( Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trung tuần tháng 4 năm 1999, một buổi sáng tại con hẻm số 185 phố Phan Đình Phùng, Quận Phú Nhuận (Tp.HCM)  bỗng xuất hiện một người đàn bà khăn đóng áo dài đi cùng một người đàn ông châu Âu hỏi thăm nhà ông Nguyễn văn Cầu – một  cán bộ về hưu mà bà con lối xóm thường quen gọi bằng cái tên thân mật “Bác Cầu Truyền Hình”. Thực ra nhà báo Nguyễn văn Cầu chính thức nhận lương truyền hình chỉ từ sau ngày 30/4/1975, khi ấy ông  thuộc biên chế  Đài Tuyền hình Việt Nam tăng cường cho Đài Truyền hình  Sài Gịn Giải phĩng ( tức Đài TH.Tp.HCM / HTV bây giờ ) ,nhưng duyên số gắn bó ông  với ngành báo hình này từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ 20 , nghĩa là trước cả ngày Truyền Hình Việt Nam ra đời 7/9/1970!
    Ông người Pháp vừa bước vào nhà đã ôm chầm lấy tôi kêu lên: Cau! tu me reconnais? (Cầu! Anh có nhận ra tôi không ?) – Ông Cầu kể. Tôi lùi ra  để nhìn người khách lạ. Quả thật ttôi không  nhớ ra anh ta . “Jean Saint Pierre đây mà , 34 năm trước anh đã cùng chúng tôi làm phim về cuộc chiến đấu chống trả máy bay Mỹ ở Bắc Việt Nam …!” Đến lượt tôi ôm chầm lấy ông bạn người Pháp reo lên : Jean Saint Pierre Cameraman ! Tôi nhớ ra rồi, anh quay phim!  Francois Chalais, biên tập kiêm trưởng đòan và Dominique chuyên viên thu thanh, họ có cùng sang VN với anh chuyến này không? “Không !” Jean Saint Pierre thóang buồn quay lại phía người phụ nữ khăn đóng áo dài giới thiệu: “ Đây là bà quả phụ Frangcois Chalais Thi Nga. Anh ấy vừa qua đời, thật tiếc, anh ấy rất muốn trở lại thăm VN”. Người đàn bà xa lạ kia bỗng trở nên thật thân thiết với chúng tôi, vợ tôi cầm tay bà, cả 2 nước mắt lưng tròng … Jean Saint Pierre kể tiếp : “15 ngày sau khi từ  VN về  chúng tôi đã hòan thành thiên phóng sự  truyền hình Bắc Việt Nam 1967. Thời gian đi nhanh quá, 34 năm rồi còn gì ! Anh cũng là đồng tác giả của bộ phim này ,thế mà bây giờ anh mới được xem .Chúng tôi xin tặng anh”. Jean Saint Pierre vừa trao cho tôi cuốn băng vừa nói ; “Chúng mình già cả rồi nhưng tình bạn và kỷ niệm thì chẳng bao giờ chịu già. Chính cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân VN đã là nguồn cảm hứng cho chúng tôi làm nên một tác phẩm báo chí để đời. Anh Cầu ạ , trong này có cả sự đóng góp rất quan trọng của anh !” Chúng tôi mở chai rượu Pháp chính hiệu cùng nâng ly mừng ngày hội ngộ và mừng đứa con tinh thần chung mà bây giờ tôi mới biết mặt !
       Về chuyện cùng đòan Truyền hình Pháp làm phim Bắc Việt Nam 1967 nhà báo Nguyễn văn Cầu kể : “Ngay sau ngày 5/8/1965, chúng ta đã cho phép nhiều nhà báo nước ngòai vào đưa tin, viết bài, quay phim, chụp ảnh . Ngoài các nhà báo, nhà văn các nước XHCN còn có nữ nhà báo nổi tiếng Madeleine Riffaud ( Pháp), Sarah Lipmann ( Thụy Điển), Wilfred Burchet( Uc), Yoko Matsuoka( Nhật), Đạo diễn phim tài liệu Joris Ivens( Hà Lan)…Nói chung họ đều là những người đồng chí hoặc bạn tốt của VN . Trong tình hình ấy đoàn phóng viên Truyền hình Pháp xin sang ta không phải chuyện đơn giản. Sau này chúng tôi được biết : chính Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã thông qua Quốc trưởng CPC Sihanuc nhờ Thủ tướng Phạm văn Đồng can thiệp . Vậy mà khi được Ủy ban Văn hóa đối ngoại Trung ương chỉ định đi theo đòan làm nhiệm vụ hướng dẫn kiêm phiên dịch tôi vẫn được nhắc nhở phải luôn luôn cảnh giác theo dõi ý đồ của họ ! Điều này quả không thừa. Một tuần lễ đầu chúng tôi dẫn họ đi dạo phố, thăm Văn miếu, thăm chợ Đồng Xuân, thăm bảo tàng Lịch sử và bảo tàng Cách mạng … Tôi không dám nói là đã làm cho họ thay đổi cách nhìn về một nước Việt Nam văn hiến đang đương đầu với một thế lực hung ác quyết tâm đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá, nhưng rõ ràng sau những gì họ mắt thấy tai nghe đã dần dần giúp họ hình thành một kịch bản phim hoàn toàn  khác với ý đồ ban đầu.”   
Người viết bài ghi chép này đã được ông Cầu cho xem bộ phim phóng sự Bắc Việt Nam 1967 . Trong phim có những  trường đoạn ông xuất hiện tại hiện trường tường thuật bằng tiếng Pháp như một phóng viên mặt trận . Ông bồi hồi nhớ lại:“ Tôi đã dẫn họ đến những đơn vị trực chiến ngoại thành Hà Nội, đến HTX nông nghiệp ở Ninh Bình , nhà máy dệt Nam Định. Ở Nhà thờ Phát Diệm máy bay Mỹ vừa oanh tạc, chúng tôi đến giáo đường còn khét lẹt khói bom, Những giáo dân bị thương còn chưa kịp chuyển về bệnh viện .Ở Hòa Bình chúng tôi cho họ đến gặp những dân quân vừa bắn rơi máy bay Mỹ. Cả  nấm mồ giặc lái Mỹ còn chưa xanh cỏ …. Họ đã lăn xả vào thực tế nóng bỏng để ghi vào ống kính cuộc sống chiến đấu vô cùng gian khổ nhưng cũng hết sức hào hùng  của nhân dân ta. Trong bộ phim dài 25 phút này họ giành tới 5 phút để Thủ tướng Phạm văn Đồng phát biểu trực tiếp bằng tiếng Pháp với khán giả Truyền hình Pháp. Francois Chalais  nhận xét : Thủ tướng của các anh quả là một nhà hùng biện uyên bác! Tiếng nói của ông mạnh hơn cả bom đạn !
       Khi chỉ còn 2 ngày nữa  đòan làm phim Truyền hình Pháp phải về nước, tôi được báo tin, cấp trên đã đồng ý cho phép họ phỏng vấn ghi hình 1 tù binh phi công Mỹ đặc biệt . Đây quả là một sự ưu ái  bất  ngờ đối với đoàn . Hôm đó, khoảng 8 giờ tối một chiếc xe Uoat biển số quân đội đến đón chúng tôi . Thành phố rất ít đèn đường, chiếc xe bịt bùng chạy vòng vèo cả tiếng đồng hồ có vẻ như ra ngoại thành . Xe dừng lại, cửa xe mở ra. Tôi giật mình : Bệnh viện 108 ! Người sĩ quan quân đội hướng dẫn chúng tôi vào một gian phòng chỉ có một bệnh nhân đang nằm …hút thuốc lá ! “Xin giới thiệu với các ông : đây là trung tá không lực Hoa Kỳ John McCain . Các ông có 30 phút để làm việc !”. Viên sĩ quan QĐND nói tiếng Pháp rồi lùi ra xa. Trong lúc tôi giúp họ bố trí máy quay phim, máy ghi âm, đèn chiếu sáng thì Francois Chalais trao đổi với viên phi công tù binh John McCain. Tôi cố quan sát nhưng không biết Johnn McCain bị thương ở đâu? Có nặng không ? Chỉ thấy anh ta rất tỉnh táo. Anh ta nằm trên  giường, chăn trắng đắp từ ngực trở xuống , ngay đầu giường là bao thuốc lá với cái gạt tàn, điếu thuốc còn đang cháy dở . “Của đáng tội nếu không phải là chiếc giường sắt bệnh viện và những tấm dra trắng thì anh ta giống như một chàng hòang tử lười trong truyện cổ tích !”. Sau này Francois Chalais hóm hỉnh nhận xét như thế . Nhưng lúc này không phải lúc tếu . John McCain là một tù  binh nổi tiếng thuộc hàng Danh gia vọng tộc. Cả ông nội và cha  anh ta đều từng là đô đốc Hải quân Hoa Kỳ. Nghe nói  gia đình bên Mỹ đánh tiếng ra giá chuộc anh ta bằng việc xây lại cầu Hàm Rồng nếu cây cầu này bị máy bay Mỹ phá sập (!) Việc John McCain phải làm khách tại Hinton Hotel Hà Nội ( Tiếng lóng của phi công Mỹ gọi trại giam Hỏa lò Hà Nội ) khiến Chính phủ Mỹ rất bối rối . Với một đối tượng như thế, người phỏng vấn nếu yếu bóng vía chưa chắc đã đưa ra được câu hỏi hay .”
-        Francois Chalais : Chào anh ! Anh cảm thấy thế nào ?
-        John McCain : Tôi được chăm sóc tốt. Họ đối xử tử tế.
-        Francois Chalais : Anh có nguyện vọng gì không ?
-        John McCain : Tôi muốn được sớm trở về nhà !
-        Francois Chalais : Chị và các cháu chắc là nhớ anh lắm !
-        John McCain : ( im lặng – Mắt chớp chớp- Hơi nghiêng đầu cầm điếu thuốc rít một hơi rồi chậm rãi ) Tôi rất nhớ gia đình , vợ tôi , các con tôi …Hãy nói với họ là tôi rất yêu quý họ, nhất định tôi sẽ được về ! Đừng thất vọng. Xin hãy chờ !
        Trong đoạn phim trên, John McCain nói tiếng Anh được dịch qua tiếng Pháp. (Anh ta nói dài hơn nhưng tôi chỉ xin trích mấy câu dễ nghe nhất ). Sau những lời yêu thương nhung nhớ ấy là hình ảnh bom rơi, lửa cháy , những bà mẹ gào thét cào bới đất đá tìm xác con, những đứa trẻ trườn lên xác mẹ tìm bầu sữa ….Đó là  trường đoạn chẳng cần phải viết  lời bình  ...Nhà báo Nguyễn văn Cầu nói.

Phim Bắc Việt Nam 1967 đầu tiên được phát trên  kênh Quốc  tế  ORTF (Hệ thống Phát thanh-Truyền hình Quốc gia Pháp) và sau đó được trình chiếu tại nhiều Hội nghị quốc tế chống Mỹ xâm lược đòi hòa bình cho Việt Nam. Tiếng vang lớn của bộ phim  khiến Francois Chalais, biên kịch kiêm đạo diễn mất chức Trưởng ban Quốc tế ORTF (!). Bù vào đó anh tìm được người bạn đời ý hợp tâm đầu là một cô gái Việt thuỳ mị mà bây giờ đã là một quả phụ….                                                                                     
Câu chuyện nghề nghiệp của nhà báo Nguyễn văn Cầu  đến đây là hết . Nhưng sẽ là không hòan chỉnh nếu như tôi không thông tin với bạn đọc một điều ai cũng đã biết : Năm 1967, trung úy phi công John McCain trong  phi vụ thứ 23,  lái máy bay oanh kích Hà nôi đã bị phòng không  Việt Nam bắn rơi. Anh ta nhẩy dù và rớt trúng hồ Trúc Bạch. Anh ta được một người Việt Nam bơi ra , cứu sống trong gang tấc.  John McCain bị bắt làm tù binh, giam 4 năm rưỡi trong Hilton Hotel Hà Nội. Năm 1973 ông được ta trao trả về Mỹ. Hiên nay ông là Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa Mỹ, người có nhiều đóng góp vào bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ và hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam sau 3 thập niên thù địch . Ông còn là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, có tiếng nói uy tín trong chính trường ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông . Thượng nghị sĩ McCain đã từng nỗ lực để trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000, nhưng thua George W. Bush  Năm 2008, ông lần nữa chạy đua tìm sự đề cử của Đảng Cộng hòa. Ông được đề cử nhưng thất cử trước ứng viên Đảng Dân chủ là Barack Obama đương kim Tổng thống ! 
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần tiếp CB UB Văn hóa đối ngoại tại Phủ chủ tịch
( Ông Nguyễn văn Cầu ngồi thứ 2 hàng đầu bìa phải)

Nhà báo lão thành Nguyễn văn Cầu và tác giả


Còn “Bác Cầu Truyền Hình” của chúng ta cũng nổi tiếng theo cách khác: Ông được nữ ký giả Pháp Madeleine Riffaud dành cho cả một chương với tiêu đề Người Cộng sản nhỏ bé trong cuốn sách bà viết về VN nhan đề “ Hai tháng dưới bom đạn” xuất bản tại Pari năm 1968. Chỉ có điều bà đã nhầm : Là con trai của một nhà tư sản nổi tiếng Hà Thành trước cách mạng tháng Tám , đi bộ đội từ ngày Nam Bộ kháng chiến, Vào sinh ra tử  trên khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc. Sau kháng chiến 9 năm, về thủ đô ông làm công tác Văn hóa đối ngoại rồi làm báo. Đến tận bây giờ đã quá tuổi “cổ lai hy” nhà báo Nguyễn văn Cầu vẫn là Một-Người -Cộng –Sản- Ngòai- Đảng . Ngay như một tấm Huy chương Vì sự nghiệp Truyền Hình ông cũng không đủ tiêu chuẩn về thời gian để được nhận ! Nhưng thôi, đây lại là chuyện khác. Nhà báo lão thành Nguyễn văn Cầu tặc lưỡi “ chuyện nhỏ ấy mà!”
                                                              Vũ Hồng Quang
(Đã in trong TC Truyền hình VN  Tháng 4 năm 2003)
 -----------------------------------------------------------------------
Chú thích ảnh dưới:  Chiều 22/6/2016, nhân dịp ngày Báo chí CMVN, mấy anh em chúng tôi đã đến nhà riêng thăm bác Nguyễn văn Cầu. Bác ngồi xe lăn, sắc diện hồng hào, đầu óc minh mẫn. Riêng khi cần nói năng thì rất khó phát ra thành tiếng  . Chúng tôi nhắc lại vài kỷ niệm có liên quan đến thời làm báo của Bác và chúc 2 Bác sống lâu vui hưởng tuổi gia cùng con cháu .

                                                                                                                                                                                                

1 nhận xét:

  1. Ngày xưa, hồi còn trẻ, bọn em "thần tượng" các anh chị ở Đài PT và TH VN lắm...hì hì.

    Trả lờiXóa