Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Một nhận xét chính xác về "tham vọng bá quyền của Trung Quốc"

Tham vọng bá quyền với tư tưởng hạ tiện

Muốn trở thành siêu cường nhưng Trung Quốc (TQ) lại tự hạ thấp tư cách với những hành động bị chi phối bởi tư tưởng lấn lướt và bất chấp trật tự thế giới hiện đại.

Tàu Trung Quốc vây quanh giàn khoan Hải Dương - 981 - Ảnh: Reuters
Tàu Trung Quốc vây quanh giàn khoan Hải Dương - 981 - Ảnh: Reuters 

 
Giáo sư Zachary Abuza 

- Ảnh: Nhân vật cung cấp
Việc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) phi pháp trong vùng biển Việt Nam làm đe dọa hòa bình trong khu vực chỉ là động thái mới nhất trong hàng loạt các chính sách hoàn toàn đi ngược lại với tư cách nước lớn như TQ đang muốn chứng tỏ.
Xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), dành riêng cho Thanh Niên. Tựa đề bài viết do Thanh Niên đặt. 

Muốn trở thành siêu cường nhưng Trung Quốc (TQ) lại tự hạ thấp tư cách với những hành động bị chi phối bởi tư tưởng lấn lướt và bất chấp trật tự thế giới hiện đại.
Trung Quốc đang tận dụng triệt để sức mạnh kinh tế của mình để trở thành siêu cường trên thế giới hoặc ít nhất cũng phải là trong khu vực. Những động thái hung hăng gần đây của Bắc Kinh đối với Việt Nam, Nhật, Philippines trên biển Hoa Đông và biển Đông là minh chứng rõ rệt cho tham vọng bá quyền này.
Đáng quan ngại hơn, năm 2013, Ngoại trưởng TQ cảnh báo các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Bắc Kinh tại biển Đông rằng họ chỉ là những “nước nhỏ” và do vậy, nhất cử nhất động đều phải nghe theo Bắc Kinh. Động thái hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 rõ ràng, theo nhận định của cộng đồng quốc tế, là khiêu khích và gây bất ổn trong khu vực. TQ cũng trở nên ngạo ngược và hung hăng với Philippines kể từ khi bị Manila kiện ra tòa án quốc tế để phân xử tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông.
Bắc Kinh rõ ràng là một thế lực với nền văn hóa chính trị có từ cách đây 4.000 năm. Nền kinh tế nước này không sớm thì muộn cũng trở thành lớn nhất trên thế giới. Dự trữ ngoại hối của TQ hiện nay là 3.820 tỉ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Mức chi tiêu quốc phòng được chính TQ công khai - và rõ ràng con số thực còn cao hơn nhiều - đã tăng từ khoảng 16 tỉ USD năm 2000 lên 132 tỉ USD vào năm 2014. Chi tiêu quốc phòng tăng 12,2% so với năm 2013 và rất nhiều chuyên gia phỏng đoán con số thực của năm 2014 cao hơn số liệu công bố đến khoảng 40 tỉ USD. Sức mạnh quân sự của Bắc Kinh đang lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, quan niệm về “quyền lực” của TQ vẫn còn ăn sâu trong tư tưởng của một nước thiên triều từ quá khứ. Thời đó, các nước chư hầu cứ thay phiên nhau triều cống cho các đời hoàng đế Trung Hoa như một sự chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh để đổi lấy quyền tự trị cho chính nước mình. Đó không phải là cách thế giới ngày nay vận hành. Ngày nay, nền kinh tế TQ đang thống trị nhưng đây cũng là thời điểm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, đặc biệt là hệ thống pháp luật được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến, được áp dụng chặt chẽ. TQ, cũng như các cường quốc trước đó, muốn thiết lập một trật tự thế giới để phục vụ cho quyền lợi của riêng mình. Nhưng Bắc Kinh không chấp nhận tuân thủ luật chơi.

Cường quốc thiếu trách nhiệm
Siêu cường có quyền, nhưng cũng phải gánh nghĩa vụ. “Sức mạnh càng cao, trách nhiệm càng nặng”. Hãy thử nhìn vào những đóng góp của TQ - với tư cách “siêu cường” như nước này mong muốn - cho thế giới: Bắc Kinh đóng góp chỉ 5,2% vào ngân sách LHQ so với 22% của Mỹ hay 10,8% từ Nhật. Tại Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ đóng góp của TQ là 4,42%, trong khi Đức đã là 4% và Mỹ là 15,85%. Bắc Kinh cũng chỉ góp 5,15% vào ngân sách Tổ chức Y tế thế giới, so với 10,9% của Nhật và 22% từ Mỹ.
Khi cả thế giới chung tay đóng góp cho các nạn nhân của siêu bão Haiyan ở Philippines, một công ty của Thụy Điển là IKEA thậm chí còn chi nhiều hơn TQ đễ hỗ trợ các nạn nhân - IKEA góp 2,7 triệu USD so với 2 triệu USD từ Bắc Kinh.
Ngay cả báo chí TQ cũng không chấp nhận được sự “bần tiện” này và cũng đã lên án chính phủ. Cũng không ai ngây thơ đến mức tin rằng TQ, khi viện trợ cho Myanmar và châu Phi, có động cơ nào khác ngoài việc muốn thâu tóm tài nguyên và năng lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho riêng mình hay lợi ích của các công ty tập đoàn nhà nước.
Là siêu cường thì phải bảo vệ an ninh trong khu vực, trong khi Bắc Kinh cứ liên tục có những chính sách khiêu khích - hết với Nhật ở biển Hoa Đông rồi lại đến các nước ASEAN trên biển Đông. TQ sẽ chỉ ra mình cũng đóng góp tàu hải quân cho các hoạt động chống cướp biển ở châu Phi, nhưng còn ai khác sẽ hưởng lợi từ tự do hàng hải nơi đó ngoài các tàu buôn TQ? Và những hoạt động chống cướp biển đó cũng giúp chính hải quân TQ có những đợt diễn tập cần thiết.
Tóm lại, TQ cái gì cũng muốn. Vừa muốn đặc quyền, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của một siêu cường nhưng khi đụng đến những nghĩa vụ siêu cường đó phải thực hiện cho cộng đồng thế giới, Bắc Kinh nếu không cậy đến danh nghĩa vẫn còn là nước “đang phát triển” của mình thì cũng từ chối đóng góp. Rõ ràng, TQ không sở hữu được quyền lực mềm cũng như những hấp lực khác về giá trị và tư tưởng.
Về mặt lịch sử, TQ có bốn ngàn năm. Thế nhưng, những gì Bắc Kinh đang hành xử không khác gì một đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới và chỉ biết bắt nạt bạn bè.

Hải quân Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam
Hải quân Mỹ mong muốn gia tăng số lượng các chuyến thăm Việt Nam của tàu bè thuộc Hạm đội 7, giữa lúc căng thẳng tăng cao ở biển Đông. Trả lời phỏng vấn của hãng Reuters, phát ngôn viên Hạm đội 7 William Marks nói: “Chúng tôi muốn hợp tác với mọi đối tác ở biển Đông và sẽ hoan nghênh việc gia tăng số lượng các chuyến thăm cảng ở Việt Nam”. Hải quân Mỹ cũng muốn có thêm nhiều cuộc tập trận sâu rộng với Việt Nam nhằm mục đích cải thiện an ninh và ổn định ở khu vực. Reuters dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết hải quân nước này không thay đổi kế hoạch triển khai tàu bè vì căng thẳng biển Đông song vẫn đang thực hiện các chuyến bay tuần thám thường nhật tại khu vực.

S.D
Zachary Abuza
(An Điền dịch)
------------------------------------------------------
Nguồn : Báo Thanh Niên số ra hôm nay 16/5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét