Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

BÀN VỀ SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT


TAM GIÁC hay BA GÓC ?
(Nguyễn Ngọc Hùng) 

Khi học định nghĩa về hình tam giác và hình tứ giác, đứa cháu gái 7 tuổi đang học lớp 2 ngây thơ hỏi:
-      Ông ơi, “tam giác” là gì?
-      Là ba góc đấy. “Tam” là 3. Còn “giác” là góc. Tôi từ tốn giảng giải cho cháu.
Cháu bèn nói: Thế thì gọi là hình ba góc chứ sao lại gọi là hình tam giác?
Câu hỏi của cháu nhỏ thơ ngây khiến tôi chột dạ. Ừ nhỉ, tại sao cứ theo mãi cái lỗi mòn phải dùng các từ mang tính chất Hán- Việt, mà không Việt hóa luôn cho dễ hiểu, trong khi hoàn toàn Việt hóa được?
Tam giác thì đúng là ba góc. Còn tứ giác là bốn góc. Đường phân giác thì gọi là đường chia góc. Thế có phải dễ hiểu không? Từ lâu, người ta đã dịch thơ Hồ Xuân Hương: “Vành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”. Đâu cần “tam giác”!?
Thế hệ những người như tôi, đã trên dưới bảy mươi tuổi, thì quá quen với sự pha trộn Hán- Việt trong nhiều ngôn từ. Nhưng thế hệ “a còng”, hay tân tiến hơn là “thế hệ Smart Phone” thì không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự pha trộn ngôn từ Hán Việt. Thậm chí, ngày nay các cháu còn quen chen tiếng Anh vào các câu đối thoại bạn bè với nhau.
Nhưng có một thực tế là dường như người lớn vẫn cố tình, hay vô ý áp đặt cái sự “Hán- Việt” trong ngôn từ vào cuộc sống hằng ngày của xã hội, để hết thế hệ này đến thế hệ khác của người Việt ta cứ không thể thoát ra khỏi sự ràng buộc Hán- Việt nhiều khi rất khiên cưỡng.
Phim cổ trang Trung Quôc hằng ngày chiếu trên các kênh truyền hình từ trung ương tới địa phương đều tràn ngập những ngôn từ Hán- Việt trong lời thuyết minh. Dường như người dịch các lời thoại của loại phim này luôn muốn thể hiện “trình độ uyên thâm” của họ về bản sắc riêng biệt của ngôn từ tiếng Hán khác hẳn với các ngôn ngữ còn lại. Rất nhiều ví dụ có thể kể ra: Công chúa thì cứ phải gọi là “cách cách”, mặc dù công chúa cũng đã là Hán- Việt rồi. Anh thì phải dịch là “ca ca”. Chị thì “tẩu tẩu”. Đức vua quá dễ hiểu mà phải “hoàng thượng” cho nó oai! Em của cha gọi luôn là “chú” có phải dễ nghe không, việc gì phải thay bằng “thúc thúc”?...
Đây hoàn toàn không phải là ý kiến liên quan đến “quan hệ Việt- Trung”, mà chỉ là sử dụng tiếng Việt sao cho dễ hiểu, đừng áp đặt cho những thế hệ con cháu chúng ta cứ phải lệ thuộc vào những ràng buộc Hán- Việt trong ngôn ngữ rất không cần thiết!
06/5/2016

3 nhận xét:

  1. Hay quá !Đọc qua bài viết của NH, tôi cũng thấy giật mình.NH nói đúng quá, ngôn ngữ Hán-Việt nó ăn sau vào đời sống văn hoá của dân tộc VN. Không những phát ngôn mà ngay trong suy nghĩ mình cũng nghĩ theo từ ngữ HV. Chúng ta nên làm cuộc CM NGÔN NGỮ dần đi thôi và chắc cũng lâu dài đấy. Chính chúng ta vô tình đánh mất tiếng VIỆT gốc, hoặc chưa tìm ra từ ngữ thay thế tiếng HV.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Hồ là luôn giữ gìn tiếng Việt nhất dù cụ khá giỏi các tiếng tây tàu. Bài VÀ ý kiến hay.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Nhờ giữ được ngôn ngữ và phát triển nó nên chúng ta đã không bị đồng hoá, Hán hóa như Mãn thanh, Liêu, Kim, Mông cổ, Ngô Việt, Nam Chiếu.....Tuy nhiên, xin đừng cực đoan và chính trị hoá ngôn ngữ. Nước Nhật sử dụng nguyên vẹn hơn 5000 chữ Hán, Hàn quốc cũng vậy nhưng không hề mất gốc và kìm hãm xã hội. Trong ngôn ngữ, vay mượn nhau là chuyện phổ biến. Cả châu Âu và các ngôn ngữ Ấn Âu trên thế giới đều vay mượn Latin và Hy lạp, có sao đâu ! HCM có thời dùng chiến sĩ già thay cho lão dân quân, dân quân gái thay cho nữ dân quân....đều không được dân chúng chấp nhận. Cái gì tồn tại được thì ít nhiều có cái hợp lý của nó, không thể cưỡng chế duy ý chí. Tôi nghĩ chúng ta cần chống sự lạm dụng, không chống sự vay mươn, việt hoá ngôn ngữ ngoại lai để làm phong phú ngôn ngữ của chúng ta. Chuyện này còn bàn cãi dài dài, khó có thể và cũng không nhất thiết phải theo một chỉ đạo thống nhất. Thuận lẽ trời hợp lòng người là quan trọng nhất.

    Trả lờiXóa