'Chất lượng đối tác quan trọng hơn tên gọi'
Tên gọi 'đối tác
toàn diện' hay 'đối tác chiến lược' không quan trọng bằng thực chất của
chất lượng quan hệ giữa các đối tác, theo quan điểm của một nhà nghiên
cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ.
Bình
luận về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama và việc Hoa
Kỳ quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam,
hôm 23/5/2016, từ Washington DC, bà Phương Nguyễn nói với BBC:
"Việc
gọi tên mối quan hệ đối tác đó như thế nào không quan trọng lắm, điều
quan trọng là nội dung quan hệ và hiệu quả mang lại đối với mỗi bên. Nếu
quý vị nhìn vào mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay giữa Hoa Kỳ với
Việt Nam, một số lĩnh vực có nội dung hết sức chiến lược, chẳng hạn
thương mại và đầu tư.
"Thậm chí hợp tác giáo dục hay một số
lĩnh vực khác cũng có tính chất chiến lược, tôi nghĩ là mối quan hệ hợp
tác toàn diện đã được nâng cấp trên thực tế và đã tạo ra nhiều sự khác
biệt. Vấn đề là sau khi đã có cá thỏa thuận, các bên trên thực tế có thể
thu được lợi ích gì song phương từ mối quan hệ ấy mới là quan trọng."
Khi
được hỏi lý do chính của việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận trong chuyến
thăm của ông Obama tới Việt Nam hôm thứ Hai, bà Phương Nguyễn nói:
"Trước
đây, các nhà chiến lược của Hoa Kỳ muốn sử dụng lệnh cấm vận bán vũ khí
sát thương như một đòn bẩy làm cân bằng mối quan hệ với chính quyền
Việt Nam về mặt chính sách, nhưng hiện tại hai nước đã là các đối tác
toàn diện của nhau, các mối quan hệ song phương đã đâm chồi, nẩy lộc.
"Việt
Nam đã tích hợp vào các đàm phán của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP), và các mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Việt được mong
đợi sẽ khởi động mạnh trong những năm tới đây, do đó có rất ít lý do để
Hoa Kỳ tiếp tục duy trì lệnh cấm.
"Đương nhiên có một số ngoại lệ
là có một số giới ở Washington DC và Hoa Kỳ muốn chính quyền Mỹ tiếp
tục lệnh cấm này để tạo áp lực buộc Việt Nam phải cải thiện về mặt nhân
quyền. Tóm lại là chính quyền Mỹ thấy có ít lý do để duy trì lệnh cấm và
chính là một tính toán chiến lược đã đứng đằng sau quyết định của Tổng
thống Obama tháo rỡ lệnh cấm vận vũ khí này."
Trung Quốc lo ngại?
Trước câu hỏi liệu Trung Quốc có lý do gì để lo ngại
về việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm kể trên cho Việt Nam hay không, nhà nghiên
cứu từ Trung tâm CSIS, đáp:
"Tôi không nghĩ Trung Quốc cần phải lo
ngại... tôi nghĩ là sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ, chính quyền Việt Nam
sẽ rất cẩn trọng trong việc tính toán họ sẽ làm gì tiếp theo với điều
đó.
"Bởi vì tôi nghĩ không ai ở Hà Nội muốn
có hành động dấn đến ép Trung Quốc phải phản ứng. Nhưng rút cục thì mối
quan hệ Mỹ - Việt là khá toàn diện, và trong một số trường hợp, hai bên
đã cấu trúc hóa mối quan hệ để Việt Nam có thể sẽ song hành với Hoa Kỳ
hợp tác hòa bình trong tương lai, mà Trung Quốc sẽ không cần gì phải
quan ngại...
Trở lại với vấn đề và hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam,
nhà nghiên cứu từ Mỹ cho rằng ở trong nhiều nội dung của các hợp tác,
hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với Mỹ, đã có hàm chứa nhiều cơ chế mà
theo đó Việt Nam muốn hợp tác hiệu quả, cần tôn trọng các quyền con
người.
Lấy ví dụ với Hiệp định TPP, bà Phương Nguyễn nói:
"Tôi
không nghĩ là Hoa Kỳ đã mềm yếu, hay nhân nhượng về nhân quyền đối với
Việt Nam, nếu quý vị nhìn vào những gì Việt Nam đã ký kết, rất nhiều
những đòn bẩy ở đó vẫn bắt buộc Việt Nam như một quốc gia thành viên
phải tôn trọng các quyền con người, quyền lao động v.v....
"Nhân
đây, tôi cũng xin lưu ý là việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không có nghĩa
là ngay lập tức Việt Nam có thể tiếp cận việc mua các thứ vũ khí của Mỹ
ngay lập tức.
"Cũng giống như nhiều quốc gia muốn mua vũ khí của
Hoa Kỳ, Việt Nam cũng phải đi qua một quá trình đạt phê chuẩn và chế tài
của nhiều cơ quan thuộc chính quyền và quốc hội Mỹ," bà Phương Nguyễn
từ Trung tâm CSIS của Mỹ nói với BBC.
Ảnh hưởng còn nhiều
Mới đây, ngay trước Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt
ngữ, hôm 19/5/2016, về chuyến thăm của Obama tới Việt Nam, các nhà báo,
biên tập viên từ BBC Tiếng Trung và Thế giới vụ đã chia sẻ quan điểm
trước câu hỏi Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu Việt Nam được Hoa Kỳ gỡ
bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương.
Nhà báo
Ngô Ngọc Văn từ BBC Tiếng Trung nói: "Tôi nghĩ là lãnh đạo Trung
Quốc sẽ có thể quan ngại, bởi vì nếu được mua vũ khí của Hoa Kỳ, năng
lực quân sự và quốc phòng của Việt Nam sẽ được tăng cường, Việt Nam sẽ
mạnh lên, và chúng ta không quên là giữa Việt Nam và Trung Quốc đang vẫn
còn có một số mâu thuẫn, căng thẳng, thậm chí xung đột trong vấn đề
Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông, theo cách gọi của Việt Nam)."
"Nếu
Việt Nam nhập vũ khí về và vẫn tôn trọng hòa bình thì không sao, nhưng
nếu họ có thể đe dọa những quyền lợi của Trung Quốc ở khu vực này, thì
đó là vấn đề khác," bà nói với Bàn tròn thứ Năm.
Trong khi đó, nhà báo, Zhuang Chen, Trưởng ban BBC Tiếng Trung nêu quan điểm:
"Tôi
nghĩ rằng giữa hai vấn đề gỡ bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam và
Việt Nam di chuyển gần hơn về phía Mỹ, thì Trung Quốc sẽ quan ngại nhiều
hơn ở vế thứ hai. Tất nhiên, Trung Quốc nhận thức được rằng Hoa Kỳ gần
đây đã có nhiều động thái tăng cường quan hệ quân sự, quốc phòng với một
số quốc gia trong khu vực, trong đó có các đồng minh của họ, như là
Philippines ở Đông Nam Á, hay Bắc Hàn và đặc biệt là Nhật Bản ở Đông Á."
Khi
được hỏi, nếu Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận nói trên và Hà Nội xích lại với
Washington nhiều hơn, thì Trung Quốc sẽ tính sao, nhà báo Zhuang Chen
đáp:
"So với Nhật Bản, nơi mà Trung Quốc có nhiều hệ lụy trong
lịch sử, trong Thế chiến II, thì quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc và
Việt Nam vẫn còn nhiều điểm tương đồng, như về ý thức hệ, ảnh hưởng ở
Trung Quốc tại Việt Nam do đó còn rất nhiều và hai bên có nhiều kênh để
hợp tác, đối thoại, trao đổi để Trung Quốc tác động.
"Với Nhật
Bản, Trung Quốc không có các kênh đó, nhưng tôi nghĩ, ông Obama là Tổng
thống sắp rời quyền lực, kể cả quan hệ Mỹ - Việt có những diễn biến như
thế, thì Trung Quốc vẫn có nhiều thời gian để quan sát, vì hiện nay đã
ai biết người sẽ thay thế ông Obama làm Tổng thống kế tiếp của Mỹ là ai
đâu?" Trưởng ban BBC Tiếng Trung nói.
Hôm 23/5, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra
bình luận từ Bắc Kinh sau khi Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận, bà nói:
"Cấm vận vũ khí là sản phẩm của chiến tranh lạnh.
"Đáng ra điều
này không xảy ra. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng điều này có ích cho hòa
bình và ổn định trong khu vực," nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao
Trung Quốc nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét