Trước đây, về mùa khô, khu vực này luôn đông khách
du lịch với những chòi tạm lãng mạn cất trên mực nước hiền hòa. Giờ thì
mọi căn lều đều có thể bị phá hủy chỉ vì nước đổ về chớp mắt
Kaeng Khut Khu là
một khu du lịch nằm bên bờ sông Mekong. Với người Thái Lan ở tỉnh Loei,
mùa khô nhất hàng năm, dân làm cá vẫn bộn tiền mùa du lịch. Nhưng giờ
đây, du lịch cũng "đói" khi con sông quẫy mình theo... thủy điện.
Con nước cướp miếng ăn
Ông
đánh cá tên Prayun San-ae nói: “Bình thường nước lên xuống theo mùa,
biết được nước cạn, nước về, chúng tôi đánh bắt cá. GIờ không đoán được
lúc nào nước về nữa.”
Mỗi ngày, để nổ máy thuyền bơi ra Mekong
đánh cá, ông Prayun đã tiêu hết 100 baht tiền dầu máy. Cá sông Mekong
bắt được, ông bán được chừng 200 baht/kg (khoảng 140.000đ/kg). Trưa hôm
ấy, ba con cá của ông đánh được người trên bờ mua lại, mỗi con to đến
hơn 3kg. Nhưng Prayun không vui.
Ông nói: “Cá nhỏ lắm rồi. Vài năm
trước, cá dưới 6kg là cá nhỏ. Nhưng giờ tụi tôi chỉ đánh được những con
chừng 3kg. Cô nhìn thấy cỏ xanh trên kia không? Chỉ bốn ngày trước,
nước cao ngập luôn trên đó.” – Ông nói và chỉ lên cao sát bờ sông, có lẽ
phải hơn vị trí chúng tôi đứng gần 2m. Trong buổi chiều gặp ông, nước
sông Mekong xuống thấp tận đáy, đám trẻ con lội bộ ra tận giữa dòng
chơi. Chỉ mới vài năm gần đây, con sông quen thuộc với ngôi làng hàng
trăm tuổi của họ mới trở nên khó hiểu đến vậy.
Như thông lệ, đến
mùa Tết té nước Songkran, nước trên đoạn sông này sẽ thấp, nhưng ngập
lấp xấp cẳng chân. Người ta dựng những trại nhỏ trên mặt nước như lán
sàn, cho du khách đến chơi ra giữa sông ăn uống, nghỉ ngơi.
Nhưng
vài năm gần đây, những lều trại du lịch thình lình bị quét sạch sau một
đêm, khi con nước bất thần từ thượng nguồn đổ về, ngay giữa mùa khô cạn
nước. Hàng chục lán trại trong những tờ rơi quảng cáo du lịch chỉ còn
lại vài trại tạm bợ ít ỏi cuối cùng.
Không
thể kiếm tiền từ du lịch, không thể bắt cá, ông Vachira, một người đánh
cá, nói: “Bây giờ, ban ngày tôi đi làm công nhân xây dựng. Ban đêm mới
đi đánh cá. Hàng xóm của tôi phải đi hát rong trong khu du lịch, đi bán
hàng để kiếm thêm tiền vì không còn cá.”
Những ngư dân như ông
Prayun hay Vachira đã nghe về một cửa nước và những đường hầm tương lai
sẽ xuất hiện ngay bên nguồn sinh sống của họ. Khi tôi hỏi, ông nghĩ liệu
cửa nước sẽ gây ra điều gì, ông nói: “Tôi không biết rõ, nhưng có lẽ cá
sẽ ít đi hoặc mất đi hẳn. Vì sông Loei là chỗ cá đẻ trứng, nước lặng,
cá lớn và đi vào sông Mekong.” – Prayun không tin mình sẽ được hưởng gì
khi sông Mekong mất đi dòng nước lớn.
‘Cái chết từ từ’ của Đồng bằng sông Cửu Long
Ngồi
trên thuyền đi cùng, nhà nghiên cứu Yuttana Vongsopa tại Chiang Khan
nói: “Tôi cùng ngư dân ở đây thực hiện các nghiên cứu về nguồn cá và
nước. Trên sông Mekong ở đây, chúng tôi đã thống kê có đến sáu loài cá
biến mất hoàn toàn kể từ khi các đập thủy điện nhiều lên. Con cá to nhất
cuối cùng mà ngư dân ở đây đánh được là 130kg, đã từ năm 1989.” –
Yuttana Vongsopa cũng là người theo sát những biến động của dòng nước
sông trong những năm bất thường gầy đây.
Ở nhiều quãng sông Mekong, cá chỉ còn bé như vậy
Nói với BBC Tiếng Việt từ Cần Thơ, Tiến sĩ Dương Văn
Ni - một chuyên gia về nguồn nước tại Đại học Cần Thơ cho biết những dự
án thủy điện và cả đảo dòng sông Mekong ở thượng nguồn là “cái chết từ
từ của Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Ông Ni giải thích chế độ thủy văn
của sông Mekong bị thay đổi như “xây thủy điện chặn ngang dòng sông,
đào thêm kênh mương, hồ trữ, dẫn nước từ Mekong qua các lưu vực sông
khác” đều sẽ gây ra “ảnh hưởng trầm trọng” vì sông Mekong không chỉ đưa
phù sa hay nước, mà còn đưa 160 - 170 triệu tấn cát về miền Tây Việt
Nam, để “giữ cho mặt đất dưới này không sụt xuống”.
“Nếu thiếu
cát, sỏi, sạn thì dầu chúng ta có rất nhiều sét, thịt, bùn thì nó không
giữ lại được, không định hình được đất đai và đẩy hết ra biển.”
Một phần của việc bị xâm nhập mặn của đồng bằng sông Cửu Long được cho là vì vùng đất này dần sụt lún
“Mọi người, nhà báo, truyền hình ai cũng nói tới
thiếu nước. Nhưng thiếu nước ngọt, ta có thể lấy chỗ này bù chỗ khác,
thiếu nước tưới, ta có thể chở từ nơi khác bù vào chỗ thiếu này. Nhưng
nếu Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát, thiếu phù sa, mặt đất sụt hàng
ngày, không lấy đâu ra phù sa bù lại được. Đồng bằng sẽ chìm xuống, ngập
mặn.”
Ông Ni cũng giải thích: “Ngay cả Thái Lan rất chú trọng đào
các hồ lớn, dẫn nước sông Mekong vào nhưng tất cả nếu có ai làm một
nghiên cứu cặn kẽ để đánh giá sẽ thấy nó không giải quyết được bao nhiêu
vấn đề họ cần, mà nước vẫn mất đi, thậm chí từ bằng tới cao hơn vì cả
một vùng khô hạn thì không thể trữ được nước chỗ nào mà không bốc hơi
được. ”
Khi ông Ni nói với tôi những điều này, cuộc hạn hán và
ngập mặn ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam đã tới đỉnh điểm phá hủy của nó, khi
những cánh đồng đã cháy trắng vì mặn và nước không còn trên đồng.
- Số phận của những ngư dân Thái hay tương lai của nông dân sông Cửu Long giờ đây phụ thuộc vào những định đoạt đầy bấp bênh của chính lãnh đạo các quốc gia dọc dòng sông này, một nhà nghiên cứu từ ASEAN nói gì về tương lai của các quốc gia trên dòng Mekong?
- Bài tiếp theo: Cơ hội nào cho quốc gia hạ nguồn?
---------------------------
Nguồn : BBC Việt ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét