Chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào tuần tới đã khiến
giới truyền thông Mỹ chú ý nhiều hơn tới các vấn đề trong quan hệ
Việt-Mỹ.
Một số tờ báo có uy tín đã đăng bài xã luận nói lên quan điểm của họ
về ý nghĩa của chuyến đi thăm Việt Nam, về vấn đề Tổng thống Obama nên
đề cập những đề tài gì với giới lãnh đạo Hà Nội.
Báo New York Times số ra ngày 15/5 nói rằng trong khi đối
với Tổng Thống Obama, chuyến đi này là một cơ hội để củng cố chính sách
xoay trục sang Châu Á, và tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với Việt
Nam, một quốc gia đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong
khu vực, thì những hình ảnh quanh chuyến đi sẽ gợi nhớ lại thời kỳ chiến
tranh và khơi lại những vết thương chưa lành đối với các chiến binh Mỹ
từng chiến đấu tại Việt Nam, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck
Hagel.
Tờ báo dẫn lời ông Chuck Hagel nói rằng ông đang chuẩn bị tinh thần
để trực diện với những hình ảnh và những bài báo sẽ khơi lại những ký ức
đau thương của thời chiến. Ông Hagel phục vụ 1 năm tại Việt Nam và cho
rằng thời gian 12 tháng đó đã trở thành một thời kỳ quyết định trong
cuộc sống của ông, và là một yếu tố trong mọi hành động của ông trong
cương vị là một Thượng nghị sĩ và sau này một Bộ trưởng trong nội các.
Ông Hagel nói trong một cuộc phỏng vấn rằng hãy còn những “bóng ma
của chiến tranh” sau hơn 40 năm từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, và
cuộc chiến vẫn gây nhiều tranh cãi về Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Đối với một số cựu chiến binh khác, chuyến đi của Ông Obama là một cơ
hội để nhắc nhở rằng đã hai thế hệ người Mỹ lớn lên từ sau cuộc chiến,
và nên bỏ lại sau lưng những vấn đề của quá khứ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến đi này, Tổng Thống Obama có phần
chắc sẽ hướng về tương lai nhiều hơn là quá khứ, ông sẽ đề cập tới Hiệp
định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, ca ngợi sự hợp tác giữa hai nước
về vấn đề dọn sạch những tàn tích của chất độc Da Cam, một trong những
vấn đề quan trọng đối với Việt Nam.
Nhưng nhiều cựu chiến binh như ông Bobby Muller, một cựu chiến binh
bị thương tật và sau đó trở thành một nhà hoạt động phản chiến, vẫn bày
tỏ giận dữ đối với hai nhà cựu lãnh đạo Mỹ thời chiến là Tổng Thống
Richard Nixon và cố vấn thân cận nhất của ông Nixon là Henry Kissinger.
Một trong những vấn đề khúc mắc trong mối quan hệ hai bên là niềm tin
nơi một số cựu chiến binh Mỹ, rằng hiện vẫn còn một số quân nhân Mỹ bị
cầm giữ tại Việt Nam. trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu vừa
rồi, một số tổ chức cựu chiến binh đòi Tổng Thống Obama phải nêu câu
hỏi trực tiếp với giới lãnh đạo Việt Nam, liệu có còn tù binh Mỹ còn
sống ở Việt Nam hay không?
Một trong các vấn đề gây tranh cãi khác, là vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tờ Washington Post hôm 13/5 đăng một bài báo với hàng tít
"Ông Obama nên nói gì ở Việt Nam?” nói rằng trong khi tháo bỏ hoàn toàn
lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là một bước hợp lý trong bối cảnh cuộc
đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng Thống Obama cần nhấn mạnh phải
có những cải thiện thực sự về nhân quyền trước khi tiến hành với việc
này.
Theo tờ báo, Việt Nam còn cần phải sửa đổi một số điều khoản trong Bộ
Luật Hình sự Việt Nam vẫn được sử dụng để bắt bớ, bỏ tù nhiều blogger,
nhà báo và các nhà hoạt động dân chủ khác.
Washington Post cũng yêu cầu Tổng Thống Obama gặp gỡ một số
nhà hoạt động đang bị sách nhiễu, đòi Hà Nội phải trả tự do cho Hoà
Thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống Nhất, mới đây đã viết một lá thư gửi tới Tổng Thống Obama yêu cầu
ông hãy “lên tiếng cho hàng ngàn người Việt Nam” đang bị trừng phạt vì
đòi quyền tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.
Những gì nhà lãnh đạo Mỹ nói về vấn đề này, theo tờ báo là quan
trọng, bởi vì Việt Nam không thể chỉ nhận mà không phải trả bất cứ giá
nào.
Bài xã luận của báo New York Times hôm 14/5 nói “Hãy còn quá
sớm để tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam”
với những lập luận tương tự. Bài xã luận nói rằng Tổng Thống Obama không
nên cảm thấy bị buộc phải thoả mãn tất cả những đòi hỏi của chính quyền
độc tài ở Việt Nam, mà phải cân nhắc và bảo đảm Việt Nam phải có những
bước đáng tin cậy để giải quyết những hành động đàn áp nhân quyền.
Bài xã luận nói nếu Tổng Thống Obama tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm bán
vũ khí sát thương cho Việt Nam, thì quốc hội nên thận trọng hơn. Giấy
phép bán vũ khí cho Việt Nam phải được quyết định trên căn bản từng
trường hợp một, như đối với tất cả các nước khác.
Theo thông tin mới nhất thì tối 23/5 không có hoạt động chính thức nào. E rằng Obama sẽ hung chí mà đi dạo quanh hồ Gươm. Nếu vậy thì AN VN sẽ mệt đây. Không phải vì sợ TT Mỹ bị "xâm phạm" đâu. Mà sợ nhất là nếu ông ấy thấy.... biểu tình vì môi trường!
Trả lờiXóa