Bách Việt khởi nguồn của dân tộc Việt hiện đại
( Sưu tầm )
Bách Việt là tiếng của người Hán dùng để chỉ tập hợp các sắc dân chủng Việt (phần lớn cư ngụ tại miền nam sông Dương Tử hay sông Trường Giang tức một trong 2 sông lớn của Trung quốc và nằm về phía nam so với Hoàng Hà nằm ở phía Bắc) mà người Hoa Hán gặp gỡ và tranh đấu khi họ bành trướng từ Hoa Bắc (nửa phía bắc của Trung quốc) xuống Hoa Nam (nửa phía nam). Lãnh thổ của bộ tộc Bách Việt, theo huyền sử, là nước Xích Quỷ dưới quyền vua Kinh Dương, bắc giáp Hồ Nam, nam giáp Chiêm Thành, tây giáp Tứ Xuyên, đông giáp biển Đông. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc khoảng thế kỷ thứ ba trước Công nguyên (TCN), sử sách ghi nhận các nước Hồ Việt (ở Hồ Nam), U Việt (ở Triết Giang), Mân Việt (ở Phúc Kiến), Đông Việt (ở Giang Tây), Nam Việt (ở Quảng Đông), Âu Việt (ở Quý Châu & Quảng Tây), Điền Việt (ở Vân Nam), Lạc Việt (bắc Việt Nam), Chiêm Việt (đảo Hải Nam), v.v... Các nước này nằm kế tiếp nhau từ miền nam sông Dương Tử, qua lưu vực sông Hồng, xuống tận bình nguyên sông Mã.
Sau khi nhà Tần thống nhất được miền bắc Trung Quốc và một số lãnh thổ miền nam sông Dương Tử, các nước Việt nhỏ dần dần bị suy sụp, chỉ có Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt nhà Triệu (bao gồm Nam Việt, Âu Việt, Lạc Việt ) là còn tự trị. Sang đến thế kỷ thứ nhất TTL, các nước này cũng bị nhà Hán thôn tính nốt, tuy rằng các tổ hợp Bách Việt vẫn sống rải rác khắp miền nam Trung Quốc. Trải qua thăng trầm của hai ngàn năm lịch sử, phần lớn lãnh thổ Bách Việt đã bị sát nhập vào bản đồ Trung Quốc và rất nhiều văn minh Bách Việt dần dần bị đồng hóa vào văn minh Trung Quốc.
2/ Người Bách Việt hiện nay đang sống ở đâu ?
Cũng từng có thời kì trước, nhiều người cho rằng lãnh thổ sinh hoạt của bộ tộc Bách Việt giới hạn vào miền nam sông Dương Tử. Thật ra, các công trình nghiên cứu khảo cổ và nhân chủng học gần đây cho thấy người Bách Việt đã vượt sông Dương Tử rất lâu trước khi văn minh Trung Quốc bắt đầu thành hình. Gần hơn nữa, trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Bách Việt sống rải rác trong các vùng Hoa Bắc, điển hình là nước Sở (ban đầu, gồm Hồ Bắc ngày nay),nước Tề (Sơn Đông), nước Tấn (Sơn Tây-Hà Bắc), v.v...
Thứ hai, vì chỉ có nước Việt Nam vẫn còn dùng chữ Việt trong quốc hiệu, có người ngộ nhận cho rằng người Bách Việt đã bị đồng hóa vào văn minh Trung Quốc, ngoại trừ người Việt Nam. Thật ra, tất cả các quốc gia ĐNÁ như Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Cam pu chia, Malaysia, Indonesia, Philipin, v.v..., đều do hậu duệ của đại chủng Bách Việt thành lập tại những thời điểm khác nhau.
3/ Bách Việt xuất phát từ đâu và khi nào ?
Các công trình nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng, hình thái, ngôn ngữ và di truyền học từ thập niên 1960 đến nay có xu hướng cho rằng người Bắc Á chuyển hóa từ người Nam Á ra. Cụ thể hơn, tổ tiên người Bách Việt đã đi từ nam lên bắc và đóng góp rất nhiều cho nhân chủng người Hoa Hán ngày nay. Đi xa hơn hết là giả thuyết của bác sĩ Oppenheimer. Ông cho rằng ĐNÁ là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Trận đại hồng thủy cách đây khoảng 8000 năm làm chìm đắm thềm lục địa Sunda, khiến các cư dân ĐNÁ phải di tản đi các vùng đất khác. Họ chính là những người gây dựng lên nền văn minh đồ đá mới tại Trung Quốc, Ấn Độ, Lưỡng Hà Châu, Ai Cập, và phía đông Địa Trung Hải.
Hiện nay các nhà khoa học thế giới trên thế giới chứng minh rằng nguồn gốc loài người đến từ Châu Phi. Gần đây, tác giả Nguyễn Quang Trọng nhấn mạnh trở lại yếu tố nam thiên trong nguồn gốc bộ tộc Bách Việt. Ông cho rằng người hiện đại thiên di từ châu Phi về phía ĐNÁ, tất cả thuộc chủng Nam Cổ (Australoid) (da đen, tóc quăn, mũi to). Khi gặp biển Đông, một nhóm tràn lên miền bắc Đông Á, đến tận Mông Cổ. Họ thay đổi dần nhân dạng vì lý do môi trường, và lai giống với chủng Altaic thiên di từ Tây Á cách đây khoảng 15000 năm, trở thành dân Bắc Mông (da trắng vàng, tóc thẳng, mắt nhỏ). Dân Bắc Mông ngày càng bành trướng về phía Nam, hợp chủng với giống Nam Cổ tại giữa Trung Quốc ngày nay và tạo thành dân Nam Mông (da ngăm đen, tóc dợn sóng). Chủng Nam Mông này chính là tổ tiên của dân Bách Việt, và cả những người tại các hải đảo Thái Bình Dương.
Ngược với giả thuyết tân nam thiên là giả thuyết tân bắc tiến của tác giả Cung Đình Thanh. Thuyết này nhấn mạnh vào hiện tượng biển tiến để giải thích phương hướng thiên di của người Bách Việt. Theo ông, người hiện đại di cư từ châu Phi đến Ðông Nam Á, tiếp cận biển Đông, một phần đi thẳng ra các hải đảo Thái Bình Dương và châu Úc, phần còn lại trụ tại ĐNÁ. Phần ở lại ĐNÁ, có thể là lưu vực sông Hồng, vì hội đủ điều kiện nên đột biến di truyền, đổi từ giống hắc chủng (da ngăm đen, tóc dợn sóng) ra giống hoàng chủng (da vàng, tóc thẳng). Đây là tổ tiên dân Bách Việt, chủ nhân của nền văn minh Hòa Bình. Những người này đã dần dần tiến lên miền bắc, tức là Trung Quốc ngày nay, theo hai ngã (đông và tây) khi nước biển dâng lên lần cuối từ khoảng 18000 đến 7000 năm trước đây. Giả thuyết tân bắc tiến tức giả thiết thứ hai tương đối phù hợp với các nghiên cứu đa ngành gần đây/
Như vậy có thể thấy người Bách Việt có tổ tiên xa xôi di cư từ Châu Phi đến định cư ở Đông Nam Á khoảng từ 18000 - 15000 năm TCN.
4/ Những thành tựu văn hóa và đặc trưng cơ bản của văn minh Bách Việt là gì ?
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế, chúng ta có thể kết luận rằng người Bách Việt:
- là hậu duệ của người hiện đại đầu tiên trong vùng Đông Á (với di chỉ xương hóa thạch kiếm thấy tại Quảng Tây, ước lượng 60000–70000 tuổi).
- sử dụng tiếng nói Austric, một trong bảy ngành tiếng nói cũ nhất của thế giới. Đây là loại tiếng nói đã thành hình và được sử dụng trong quá trình định cư đầu tiên của người hiện đại, trước khi văn minh nông nghiệp ra đời.
- tràn lên miền bắc, hợp chủng với người hiện đại đến từ ngã Bắc và Trung Á và tạo thành người Bắc Á (tiêu biểu là Hán tộc).
- khai sinh kỹ thuật cấy lúa gạo ruộng nước (di chỉ tìm thấy tại Hemudu, nam Trung Quốc, Ban Kao, bắc Thái Lan, Sakai, bán đảo Mã Lai), mở đầu cho nếp sống định canh định cư và văn minh Hòa Bình vào khoảng 10000 đến 15000 năm trước đây.
- phát minh kỹ thuật đồ đồng (tìm thấy tại Ban Chiang, Non Nok Tha, bắc Thái Lan và Phùng Nguyên Việt Nam), tương ứng với sự thành hình của các nhóm Bách Việt cách đây trên dưới 4000, 5000 năm.
Theo các nhà khảo cổ và sử học, một số đặc trưng của văn minh Bách Việt gồm có:
• trồng lúa nước;
• dùng trai, sò và các động vật lưỡng tính làm thực phẩm;
• cắt tóc ngắn và xăm mình;
• mặc quần ngắn, váy ngắn và đội khăn;
• cất nhà sàn;
• văn hóa biển và sông nước (đóng tàu dài, đua thuyền, giỏi dùng thuyền bè và hải chiến);
• đúc trống đồng;
• sản xuất đồ gốm và sứ theo dạng hình học;
• làm đồ sơn mài;
• thờ cúng ông bà;
• tín ngưỡng vật tổ, đặc biệt đối với chim, rắn;
• hội mùa xuân và thu cho trai gái vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng.
• mai táng theo thế bó gối.
5/ Mối quan hệ giữa dân tộc Việt và dân tộc Hán như thế nào ?
1. Về nhân chủng học
Trong bài này, Việt tộc có nghĩa là hậu duệ của người Bách Việt. Như vậy, Việt tộc ngày nay bao gồm một số lớn người Hoa Nam và gần như toàn thể dân ĐNÁ. Trong khi đó, Hán tộc là một danh từ không có nghĩa rõ ràng. Tổ tiên người Hán là dân du mục (như dân Mông Cổ ngày nay), với văn hóa chăn nuôi, hỏa canh. Họ di cư đến miền tây bắc Trung Quốc từ phía Trung Á. Lúc ban đầu, họ sống trên những cánh đồng cỏ Cam Túc, Thiểm Tây, v.v..., và lập ra nền văn minh Hoa Hạ dẫn đến các triều đại Thương và Châu. Đến thời nhà Tần và Hán, người Hán dần dần thôn tính các nước người Việt chung quanh, mở đầu cho nền văn minh đa sắc tộc Trung Quốc. Trong thời kỳ phong kiến, người Hán thường dùng các danh từ có ý miệt thị như Đông Di và Nam Man để chỉ người Bách Việt. Nhưng đột nhiên đến đầu thế kỷ 20, khi Tôn Trung Sơn khai sinh ý niệm Trung Hoa Dân Quốc với năm chủng tộc Hán, Mãn, Mông, Tạng, Hồi, thì Việt tộc chính thức biến mất trong bản đồ sắc tộc Trung Quốc.
Ý nghĩa của chủ thuyết Trung Quốc ngũ chủng là gì? Vì Việt tộc tại Trung Quốc không thể nào tuyệt chủng, cách suy diễn hợp lý duy nhất là người Hán và Việt đã hợp nhất thành một chủng tộc, do đó người Hoa gốc Việt tại Hoa Nam ngày nay được hoàn toàn xem như người Hán. Lối suy luận này cũng hàm ý lịch sử là giống người Bách Việt man di mọi rợ ghi trong cổ sử đã được người Hán khai hóa, và đến đầu thế kỷ 20, quá trình Hán hóa coi như hoàn toàn. Tóm lại, thuyết ngũ chủng chẳng qua chỉ là một cách tiếp tục che dấu khéo léo những đóng góp to lớn của người Bách Việt vào huyết thống và văn hóa Trung Quốc.
Những đóng góp đó là gì? Như trình bày ở phần trên, người Bách Việt đã mang văn minh trồng trọt, làm đồ gốm và thuyền bè lên miền bắc, do đó góp phần rất đáng kể cho sự bành trướng dân số, lãnh thổ và văn minh của Hán tộc. Về kim loại, rất có thể người Bách Việt đã truyền kỹ thuật đúc sắt cho người Hán. Theo các nhà nghiên cứu trong ngành luyện kim và khảo cổ, kỹ thuật luyện sắt tại Trung Quốc bắt nguồn từ hai ngã độc lập nhau:
• từ nước Ngô (Bách Việt) vào đầu thế kỷ thứ năm hay cuối thế kỷ thứ sáu TCN.
• từ dân du mục Scythian (miền nam nước Nga) qua vào khoảng thế kỷ thứ tám TCN.
Các nhà kim loại học đề xuất rằng sự phát triển dụng cụ và vũ khí bằng sắt tại Trung Quốc bắt nguồn từ miền nam là chính yếu. Từ nước Ngô, đồ sắt truyền qua nước Sở trong vòng một thế kỷ và các nước chư hầu nhà Châu một thế kỷ sau đó. Lí do tại sao kỹ thuật sắt của người du mục miền tây bắc không nhanh chóng truyền xuống đồng bằng Trung thổ vẫn còn là một nghi vấn của lịch sử.
Như vậy có thể nói rằng người Hoa tại vùng Hoa Nam (nửa phía nam TQ ngày nay gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây, Đảo Hải Nam,…) vốn là dân Bách Việt. Sau này do sự bành trướng lãnh thổ của người Hán xuống phương Nam, khu vực này bị nhập vào Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng (200 năm TCN) và dưới sự đồng hóa ráo riết của Hán tộc những cư dân này dần dần bị đồng hóa với người Hoa đến nỗi sau này họ quên đi nguồn gốc Bách Việt của mình. Còn người Hoa Bắc - tổ tiên của người Trung quốc hiện đại vốn có gốc từ dân du mục.
2. Về văn hóa
Nói tóm lại, Trung Quốc có thể xem là một thí dụ của Hiệp Chủng Quốc lâu đời nhất, là kết quả lai tạp giữa rất nhiều bộ tộc, dân tộc trong suốt quá trình lịch sử. Là một nền văn minh đa văn hóa, Trung Quốc có khả năng tiếp thu và phát triển các kỹ thuật đến từ mọi hướng. Người Hán rất tài tình trong việc thu lượm, vay mượn, cưỡng chiếm, chế biến và tổng hợp các thành tựu văn hóa và kỹ thuật của các sắc dân chung quanh, đặc biệt là dân Bách Việt. Vì là kẻ thống trị, người Hán có động cơ coi thường, che dấu, xóa bỏ văn minh của các giống dân bị trị với mục đích đề cao vai trò khai hóa của mình. Dùng chữ viết thống nhất như là một vũ khí vô địch, người Hán đã rất thành công trong việc thi hành các chính sách này. Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc, người Hoa Hán đã cố tình tìm cách tiêu hủy văn minh Lạc Việt, nghiêm trọng nhất là trong thời kỳ nhà Hán và nhà Minh.
Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy cổ sử Trung Quốc viết về người Bách Việt với giọng điệu miệt thị và đầy rẫy những sai lạc. Những sai lầm này một phần do lối suy nghĩ tự tôn Hoa Hán bá chủ, một phần do thiếu hiểu biết tìm tòi, và một phần lớn là cố tình bóp méo sự thật. Tác phẩm xuyên tạc người Bách Việt nhất có lẽ là Hậu Hán thư (HHT) của Phạm Việp. Dựa trên HHT, sử gia Trần Trọng Kim của Việt Nam viết rằng người Việt học nghề trồng lúa từ Thái thú Nhâm Diên thời Đông Hán (đầu thế kỷ thứ nhất), trong khi thật ra người Việt đã sản xuất và tiêu thụ gạo nhiều ngàn năm trước. HHT cũng cho rằng nguời Bách Việt chưa biết mặc quần áo, trong khi một khai quật khảo cổ tại Bắc Giang cho thấy cách đây 3400 năm, người Việt đã biết dệt vải làm áo.
Cho đến tương đối gần đây, người Hán vẫn tự mãn, vẫn cho mình là trung tâm văn hóa loài người. Khi tìm ra xương người đứng thẳng (homo erectus) hóa thạch tại Chu Khẩu Điếm Bắc Kinh, trong thập niên 1920, các nhà nhân chủng học Trung Quốc vội vàng lập thuyết cho rằng người Hán là thủy tổ các sắc dân vùng ĐNÁ. Niềm tin chủ quan sai lầm đó vẫn còn tồn tại trong một số nhà khoa học Trung Quốc cho đến đầu thập niên 1990. Năm 1986, các nhà khảo cổ tìm thấy di tích đồ đồng kỹ thuật cao Sanxingdui của nền văn minh Shu (Thục) tại Tứ Xuyên. Trung Quốc đã gán cho đồ đồng này niên đại 1200 năm TCN mà nhiều nhà khảo cổ Phương Tây cho rằng trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Lý do là vì người Trung Quốc rất hãnh diện về đồ đồng nhà Thương, mà đồ đồng nhà Thương mới chỉ có độ 1300 năm TCN. Mặt khác, một số học giả Trung Quốc lại tranh chấp chủ quyền trống đồng với các học giả Việt Nam, mặc dù cả thế giới cũng công nhận Trống Đồng là sản phẩm văn hóa và kỹ thuật độc đáo của người Bách Việt cụ thể hơn là người Lạc Việt - mà con cháu là những người Việt Nam hiện nay.
Về tiếng nói, có nhiều bằng chứng cho thấy, cùng với sự tiếp thu nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Bách Việt, người Hán đã thu nhập tiếng Việt vào trong vốn từ vựng của mình. Điều này không phải ai cũng biết vì khi học Tiếng Việt ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần được nghe đến khái niệm từ Hán Việt (tức những từ trong Tiếng Việt mượn từ Tiếng Hán) Không phải ai cũng biết rằng trước đó ngược lại có từ Việt Hán. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy trong Hán ngữ những từ gốc Việt như Nữ Oa, Thần Nông, Ðế Nghiêu, Ðế Thuấn, v.v... Ngay cả trong Kinh Thi, một bộ sách quan trọng vào bậc nhất đối với người Hán, cũng có khá nhiều thí dụ ảnh hưởng cách nói của người Việt. Theo một số tác giả, trước thời Hoàng Đế - người được coi là vị tổ của dân tộc Hán, người Bách Việt đã sử dụng chữ Hỏa tự và chữ Khoa đẩu. Khi phát minh ra chữ vuông, người Hán đã dùng chữ vuông ký tự những chữ Việt đó, rồi đương nhiên coi là tiếng Hán, chữ Hán. Về văn chương, người Hán đã tiếp thu Sở Từ, một lối thơ gieo vần của dân Sở, mà người Hán cho là loại thi ca cổ đại hay nhất. Về tư tưởng thì không những Đạo Lão có nguồn gốc Bách Việt, mà một vài nhà nghiên cứu, thí dụ như triết gia Kim Định, còn đòi lại Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Thư, v.v..., cho người Việt. Gần đây, ngày càng có nhiều người hiểu và chứng minh được Kinh Dịch là của người Việt.
Sau một ngàn năm Bắc thuộc, hấp thụ không biết bao nhiêu tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật dán nhãn hiệu Hoa Hán (mặc dù một phần rất lớn có nguồn gốc Bách Việt), người Việt khó tránh khỏi ít nhiều mặc cảm tự ti dân tộc đối với người Hán. Mặc cảm tự ti đó dẫn đến tinh thần vọng ngoại, cái gì của Tàu cũng lâu đời, cũng thật, cũng tốt, còn cái gì của ta cũng bắt chước, cũng giả, cũng xấu, thậm chí có người còn nghĩ rằng người Việt có gốc Tàu…
Rất may là các công trình nghiên cứu khách quan, nghiêm túc của các nhà khoa học quốc tế thời nay đã giúp soi sáng phần nào các đóng góp to lớn của bộ tộc Bách Việt. Ngày trước, các bậc học giả Việt Nam tiền bối có thể viết sai vì thiếu dữ kiện, không có điều kiện nghiên cứu hay ỷ lại vào các tài liệu chủ quan, thiếu chính xác của Trung Quốc. Nhưng với các phát kiến ngày nay, các lỗi lầm đó không thể tha thứ được. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn sửa đổi các sách vở cũ cho phù hợp với bước tiến của khoa học, và phải biết đến và tuyên dương các thành quả của các bậc tiền nhân Bách Việt.
Theo Bách Việt
Cảm ơn cụ đã đăng bài này. Qua đây tôi được bổ xung nhiều kiến thức về bộ tộc Bách Việt, mối quan hệ giữa dân tộc Việt và dân tộc Hán. Quả thật trước đây cũng có sự hiểu biết sai lệch. Cảm ơn các nhà khoa học đã chứng mình những đóng góp to lớn của bộ tộc Bách Việt cho nền văn hóa mà mà lịch sử TQ đã gán cho Hoa Hán.
Trả lờiXóaTôi cũng có cùng suy nghĩ như cụ T.H. Ngày xưa những bài học lịch sử về nguồn gốc người Việt làm chúng ta mang tư tưởng lệ thuôc vào người Hán của nước Trung Hoa. Bây giờ đọc những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học mới vỡ lẽ : Người Việt có nguồn gốc từ người Bách Việt , văn minh Bách Việt không phải phiên bản của văn minh Hán Hoa mà ngược lại chính người Hán Hoa đã đánh tráo lịch sử và ăn cắp văn minh (vật thể và phi vật thể) của người Bách Việt. Việt Nam ngày nay xứng đáng là hậu duệ của cộng đồng người Bách Việt không chịu khuất phục, không chịu để người Hán Hoa đồng hóa .Thế mà chúng coi ta là " lãng tử hồi đầu "( đứa con ngỗ ngược quay trở về với cha mẹ" ) thì thật là lếu láo, xảo trá !
Trả lờiXóaCác cụ có biết suy nghĩ của người Bách Việt ở Tàu ngày nay không ? Vừa rồi chính quyền Trung Nam Hải có ra một hiệu lệnh : các đài phát thanh và truyền hình ở miền Nam không được phát tiếng địa phương nữa (chủ yếu là tiếng Quảng Đông, một thứ tiếng có gốc gác cùng tiếng ta) , thay vào đó là phát bằng tiếng Hán (tiếng Bắc Kinh). Dân Giang Nam đã phản ứng thế nào ? Biểu tình phản đối đã nổ ra với quy mô lớn và rộng khắp. Rốt cuộc chính quyền trung ương đã thất bại. Tại sao chính quyền lại có động thái ấy? Xưa nay vẫn ngại nhắc đến Bách Việt ? Lý do rất có thể là : do sợ vậy !
Trả lờiXóa